Aa

Giật mình trước những thủ đoạn buôn lậu, gian lận xăng dầu tinh vi

Thứ Sáu, 29/11/2019 - 15:31

Hàng loạt vụ vi phạm chất lượng xăng dầu đã bị triệt phá, khởi tố nhưng vì lý do gì các tổ chức, cá nhân vẫn nhắm mắt làm liều và bấp chấp mọi thủ đoạn.

Bức tranh chung về gian lận xăng dầu

Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tục phát hiện các vụ gian lận thương mại, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Nổi cộm mới đây là hành vi pha trộn xăng của Trịnh Sướng cùng một số đối tượng. Kết quả điều tra cho thấy, từ 1/1/2017 đến nay, số tiền nhóm trên sử dụng dùng để mua dung môi, các chất làm tăng chỉ số Octan (Toluene, MTBE, NMA, Methanol…) là 4.200 tỷ đồng, với hơn 400 triệu lít xăng giả đã được sản xuất để bán ra thị trường.

Riêng từ đầu năm 2018, lực lượng quản lý thị trường các địa phương đã tiến hành kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến xăng dầu với gần 5.000 cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm hơn 1.000 vụ việc, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, tịch thu 6 cột bơm và 1 cây xăng.

Cũng trong thời gian này, Bộ KH&CN đã tổ chức các cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng tại 2.723 cơ sở đã phát hiện 113 cơ sở kinh doanh xăng dầu có vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 6,8 tỷ đồng.

Mẫu xăng dầu giả đã được pha 

Chia sẻ về vấn nạn này, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, trong những năm qua, những thủ đoạn gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu ngày càng ngày càng tinh vi, gây khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát.

Đơn cử như năm 2017, lực lượng chức năng đã phát hiện vụ pha chế và tiêu thụ 2 triệu lít xăng dầu ở địa bàn Nghệ An. Gần đây nhất trong năm 2019, Công an tỉnh Đăk Nông đã triệt phá được một đường dây pha chế xăng giả xăng pha với chất dung môi hòa với chất tạo màu để tạo thành xăng RON95 và xăng E5.

“Những hành vi vi phạm điển hình liên quan đến xăng dầu kém chất lượng thường xảy ra ngoài hệ thống phân phối chính thức. Nhiều đại lý vẫn kinh doanh xăng dầu khi giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực. Qua kiểm tra, có đến 50% mẫu xăng RON95 và gần 1% xăng E5 ở một vài cửa hàng không đạt kết quả theo tiêu chuẩn kỹ thuật”, ông Linh nêu thực trạng.

Ngoài ra, ông Trần Hữu Linh còn chỉ ra rằng, hành vi gần đây nổi lên tinh vi liên quan đến bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, bán xăng dầu lậu, tác động đến phương tiện đó làm sai kết quả. Có cửa hàng lợi dụng giờ cao điểm, bơm lỏng lẻo… thu lợi bất chính. Đây là bức tranh chung gian lận thời gian qua. Trong đó, xăng dầu lậu, xăng dầu kém chất lượng khá phổ biến.

Là cơ quan có chức năng kiểm tra chất lượng xăng dầu, ông Nguyễn Anh Toàn Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVO) đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhận định, việc buôn bán xăng giả, xăng kém chất lượng chủ yếu xảy ra ở các cửa hàng nhỏ lẻ khi vẫn còn tình trạng bán lẻ xăng dầu không xuất hóa đơn, nhất là đối với những khách hàng mua nhỏ lẻ ít khi có nhu cầu lấy hóa đơn. Điều này khiến cho các đại lý xăng dầu rất dễ hợp thức hóa khi mua xăng dầu trôi nổi trên thị trường.

Mặt khác, nguồn xăng dầu từ nhà máy lọc dầu hoặc nhập khẩu, sản xuất pha chế của doanh nghiệp hiện nay vẫn thông qua phương tiện vận tải đến các hộ tiêu thụ trực tiếp. “Đây chính là vấn đề phức tạp nhất và có tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất, đặc biệt là tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa”, ông Toàn nhận định.

Đừng chỉ nói, hãy hành động…

Theo ông Trần Hữu Linh, tình trạng gian lận xăng dầu vẫn còn phổ biến là do chế tài còn yếu. Hàng loạt vụ vi phạm chất lượng xăng dầu đã bị triệt phá, nhưng do mức xử phạt còn quá nhẹ, điều này khiến cho các tổ chức, cá nhân vẫn nhắm mắt làm liều.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương).

Ông Linh cho rằng, xăng dầu do nhiều bộ quản lý, ngay khâu nhập khẩu xăng, nếu có cơ chế phối hợp tốt mới ngăn nhập lậu hiệu quả. Ví dụ cảnh sát biển, bộ độ biên phòng, công an, quản lý thị trường có thể phối hợp, chưa ngăn chặn triệt để nhập lậu.

Với chất lượng hiện nay có nhiều đơn vị có chức năng kiểm soát được chất lượng, kiểm tra xăng dầu, tuy nhiên do hạn chế về cơ sở vât chất, nguồn thông tin, cách thức phối hợp với nhau dẫn đến tình trạng đôi khi không phát hiện kịp thời. Xăng dầu có đặc tính trong khi chờ kết quả kiểm nghiệm xăng dầu vẫn phải lưu thông, phát hiện ra thì xăng trong bồn đã hết… khó khăn trong kiểm tra kiểm soát. Điều chỉnh chính sách cũng như cách phối hợp giữa các lực lượng để công tác này hiệu quả hơn.

Ngoài ra, theo ông Linh muốn ngăn chặn xăng dầu giả, lậu, đầu tiên là phải xử lý nghiêm. Bộ Chính trị cần chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Các cơ quan quản lý cần thường xuyên kiểm tra kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu, đặc biệt triển khai quản lý tốt địa bàn gắn với người dân, doanh nghiệp; tăng kiểm tra đối tượng xuất nhập khẩu xăng dầu, bán xăng dầu tự phát…

“Trong các biện pháp phòng chống và xử lý vi phạm, chúng ta chỉ có kiểm tra kiểm soát liên tục, xử nghiêm vi phạm mới có thể chống gian lận thương mại xăng dầu hiệu quả. Xăng dầu chịu sự quản lý theo dõi của nhiều lực lượng, bộ ngành nên tôi nhấn mạnh vào công tác tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, quản lý địa bàn…”, ông Linh nói.

Cơ chế chính sách cần có sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Hiện tại, Bộ Chính trị đang dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu và Chính phủ sắp ban hành nghị định mới thay thế hoàn toàn nghị định xử phạt vi phạm hành chính xăng dầu, ga.

Trước thực trạng trên, ông Bùi Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn đề xuất, các lực lượng chức năng cần phải thực hiện hết trách nhiệm cũng như rất quyết liệt mới nâng cao được công tác chống buôn lậu xăng dầu, từ tuyến biên giới, ngoài biển đến vào sâu trong đất liền.

“Chúng ta phải tăng cường thông tin, phát động quần chúng nhân dân chủ động, mạnh dạn tố giác những đối tượng như cửa hàng xăng dầu nghi vấn qua đường dây nóng của lực lượng quản lý thị trường, có làm như vậy mới nhanh phát hiện ra những vi phạm nghiêm trọng”, ông Tiến nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top