Aa

Giấy phép “con” tại các địa phương đang làm khó doanh nghiệp bất động sản

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Bảy, 08/01/2022 - 06:00

Việc tồn tại quá nhiều giấy phép con đã gây ra những phiền hà, rắc rối cho cộng đồng doanh nghiệp BĐS; gây lãng phí không chỉ về thời gian, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Các địa phương còn tồn tại quá nhiều giấy phép con

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển nhà Constrexim-HOD nêu ý kiến: “Là đơn vị trực tiếp tham gia vào lĩnh vực xây dựng, tôi nhận thấy câu chuyện chính sách, đặc biệt là chính sách thuế với bất động sản hiện nay rất bất cập, thể hiện rõ ở việc thuế chồng thuế. Nếu không giải quyết được, các doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục mắc kẹt trong những cuộc thanh tra, kiểm tra của phía Nhà nước”.

Theo ông Cây, với các thủ tục hành chính, quy định rắc rối trong các bộ luật đã khiến doanh nghiệp nếu áp dụng chính sách này thì không đúng chính sách kia và ngược lại. Đặc biệt, có quá nhiều mâu thuẫn, rắc rối trong thủ tục hành chính và cách quản lý hành chính.

“Doanh nghiệp muốn nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước 50 tỷ đồng để sớm triển khai dự án nhưng thủ tục, hồ sơ rất lằng nhằng. Có một điều khá bất ngờ là, khi Nhà nước cần tiền, doanh nghiệp có tiền nhưng 18 tháng sau, địa phương mới cho họp. Trong khi đó, doanh nghiệp chúng tôi chỉ có một yêu cầu nộp tiền vào để đủ điều kiện khai thác mảnh đất mà chúng tôi làm dự án”, ông Cây nói.

Cũng theo ông Cây, doanh nghiệp chịu nhiều khó khăn trong việc thực hiện các chính sách, thủ tục hành chính tại các địa phương. Bởi địa phương là nơi tồn tại nhiều giấy phép con, đến giờ vẫn chưa xoá.

Ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển nhà Constrexim-HOD.

“Nếu có một cuộc kiểm tra liên ngành nào đó về giấy phép con, có thể thí điểm không quá 3 tỉnh để thấy rõ tồn tại này với quá nhiều giấy phép con”, ông Cây nhận định.

Theo đó, ông cho rằng Nhà nước, bộ ban ngành, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cần mạnh mẽ hơn nữa trong việc tháo gỡ vướng mắc về chính sách cho doanh nghiệp.

Ông Cây cũng chia sẻ một vướng mắc liên quan đến chính sách đã tồn tại 10 năm nay. Đó là một dự án có nhiều căn hộ với mức giá bán khác nhau nhưng 2% quỹ bảo trì mà chủ đầu tư phải nộp lại cho đơn vị quản lý tòa nhà lại tính theo mức giá cao nhất. Theo đó gây ra một xung đột nội tại, đè lên vai doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là khi còn nhiều căn hộ dư thừa, chưa bán được. 

Ví dụ, trong khoảng 100 căn hộ dư thừa, có căn có 4 góc với 2 mặt tiền, giá bán tới 50 triệu đồng/m2 còn nhiều căn khác chỉ có giá 37 triệu đồng/m2. Nhưng khi tính tổng phí bảo trì phải nộp cho 100 căn này, lại phải nhân với mức giá bán cao nhất là 50 triệu đồng/m2. 

“Tôi cho rằng, doanh nghiệp cần có ý kiến mạnh mẽ về câu chuyện tháo gỡ thục tục hành chính, sửa đổi các quy định của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản”, ông Cây nhấn mạnh.

Nan giải câu chuyện thu hồi đất

 Tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP. Invest), Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cũng chia sẻ: “Khi đầu tư về một địa phương gần Hà Nội, doanh nghiệp chúng tôi gặp khó liên quan đến giải phóng đền bù. UBND tỉnh nói Công an tỉnh chủ trì việc này còn Công an thì nói UBND chủ trì. Vậy thì doanh nghiệp chúng tôi ở giữa loay hoay không xử lý được”.

Trước đó, tại Hội thảo: “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay”, ông Hiệp cũng đã nhắc đến câu chuyện tiền đền bù cho dân, tiền sử dụng đất. Vị chủ tịch GP Invest cho biết hai vấn đề này đang được gộp lại. Trong khi đó, hệ số đền bù giữa các tỉnh là khác nhau nên người nông dân ở các tỉnh nhận đền bù cũng khác nhau. Vì vậy, gần như người dân không hài lòng và rất khó khăn khi đền bù.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP. Invest), Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam.

“Vì vậy, tôi kính đề nghị cần nâng giá đền bù đất lúa lên để dân thoả đáng, khâu giáo dục vận động dân cũng rất quan trọng. Đất của dân đang là đất thuê nên cần phải làm công tác tư tưởng cho dân hiểu. Ngoài ra, cơ chế cưỡng chế cũng cần đẩy mạnh”, ông kiến nghị.

Theo ông Hiệp, quy trình thu hồi đất hiện nay trên 100 bước, cực kỳ dài dòng khiến doanh nghiệp rất khó khăn, dẫn đến ách tắc trong việc triển khai dự án. Vì vậy, rất cần phải khắc phục điều này sớm.

Bên cạnh đó, ông Hiệp cho rằng bất động sản và xây dựng luôn gắn chặt với nhau. Vì vậy, doanh nghiệp ngành xây dựng cũng quan tâm đến việc làm thế nào để tháo gỡ cho bất động sản phát triển.

“Có thể nói bất động sản là một ngành kinh doanh phải hoàn thành các thủ tục pháp lý phức tạp nhất so với các ngành nghề khác. Có lẽ chính vì bất động sản phải chịu sự tác động điều tiết của 12 Luật khác nhau: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Phòng cháy và chữa cháy… Vì vậy, điều đầu tiên chúng tôi cho rằng muốn bất động sản phát triển trở lại để làm động lực phát triển cho cả nền kinh tế là phải cải tổ hệ thống luật pháp thật hoàn chỉnh”, Chủ tịch GP.Invest nói.

Để giải quyết những ách tắc trước mắt, ông Hiệp nhấn mạnh cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề ở Nghị định 30 của Luật Nhà ở. Việc chuyển đổi sử dụng đất khác sang đất ở đang cực kỳ vướng mắc nên khi vấn đề này được sửa đổi sẽ có nguồn cung lớn hơn cho thị trường. Đây không phải là một doanh nghiệp mà là toàn bộ doanh nghiệp mong muốn sửa đổi vấn đề này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top