Chia sẻ câu chuyện khó khăn tại một hội thảo tổ chức mới đây, bà Cao Minh Trúc, Ủy viên HĐQT Tập đoàn Empire Group, chủ đầu tư của dự án Cocobay và resort cao cấp Naman Retreat tại Đà Nẵng cho biết, hiện nay, có nhiều điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn bất hợp lý trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh doanh của Công ty.
Bà Trúc nêu ví dụ, spa là một ngành công nghiệp dịch vụ cao cấp và rất phát triển trên thế giới, nên đã có những quy chuẩn toàn cầu về ngành nghề này. Thế nhưng, ở Việt Nam, về mặt pháp lý lại không có ngành nghề spa, mà chỉ có ngành nghề xoa bóp. Do đó, doanh nghiệp nào muốn kinh doanh dịch vụ spa thì rất vất vả, bởi việc thuê nhân viên spa là cả một vấn đề.
“Hiện nay, chúng tôi muốn thuê người nước ngoài có chứng chỉ và bằng cấp bài bản theo thông lệ quốc tế về spa thì không được, bởi bằng cấp, chứng chỉ của họ không được chấp nhận ở Việt Nam. Để sử dụng được đội ngũ nhân sự này, chúng tôi buộc phải cho họ đi học 1 khóa xoa bóp trong vòng 3 tháng để được cấp chứng chỉ. Điều này không những không đúng chuyên môn, vừa khiến doanh nghiệp tốn thêm chi phí đào tạo…”, bà Trúc chia sẻ.
Một vướng mắc khác về quy định trong lĩnh vực thi đấu võ thuật cũng được đại diện Empire Group phản ánh như là một rào cản. Bà Trúc cho biết, dự án Cocobay được thiết kế là một tổ hợp giải trí, nghỉ dưỡng, với các dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế.
Theo đó, Empire Group thiết kế xây dựng 1 sàn đấu võ thuật với mục tiêu đưa loại hình thương mại, dịch vụ thi đấu võ thuật vốn đã phổ biến trên thế giới vào Việt Nam nhằm phục vụ nhu cầu giải trí của du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, khi xin giấy phép thì cơ quan quản lý viện lý do loại hình võ thuật này không phù hợp với điều kiện của Việt Nam nên không cấp phép.
“Thế giới đã có hoạt động thi đấu này từ lâu và được kinh doanh dưới hình thức thương mại hóa. Bản thân nước ta cũng đã cử các võ sư tham dự các giải thi đấu trên các sàn đấu quốc tế. Vậy mà khi doanh nghiệp trong nước muốn xây sàn đấu để thu hút môn thể thao này đến Việt Nam thì lại không cấp phép.
Điều này không chỉ ngăn cản sự gia nhập thị trường, hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn làm mất đi cơ hội thu thuế của Nhà nước, người dân cũng không được hưởng các dịch vụ giải trí này”, bà Trúc bức xúc.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, đại diện Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, tư duy của cơ quan quản lý hiện nay vẫn muốn quản lý mọi thứ trong khi điều kiện nguồn lực và năng lực bộ máy có hạn, từ đó dẫn tới gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Cũng theo bà Loan, với cách nhìn thiếu tin tưởng đối với doanh nghiệp của cơ quan quản lý như hiên nay thì khó có thế tạo niềm tin cho doanh nghiệp và nguy hại hơn là trực tiếp hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
“Không nên dẫn những điều kiện, quy định hiện tại để soi chiếu, đánh giá sự phù hợp. Luật hoàn toàn có thể bổ sung, có quy định phù hợp cho từng thời điểm để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp không ngừng sáng tạo và kinh doanh, trong khi vẫn có thể quản lý tốt được thị trường”, bà Loan nhấn mạnh.