Giữ gìn bản sắc nông thôn trong dòng chảy đô thị hóa

Giữ gìn bản sắc nông thôn trong dòng chảy đô thị hóa

Thứ Bảy, 01/01/2022 - 06:15

Cơn lốc đô thị hóa đã làm kiến trúc cảnh quan nông thôn trở nên khó nhận diện, thậm chí trở thành bản sao chép thô kệch của đô thị và dần rời xa các yếu tố văn hóa, bản sắc.

***

Quá trình đô thị hóa gắn liền với công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời gian qua đã góp phần hình thành nên những cấu trúc không gian mới tại các khu vực ngoại thành như các khu, cụm công nghiệp, trung tâm dịch vụ, đặc biệt là các khu đô thị mới ở vùng ven đô. Tuy nhiên, quá trình phát triển này đã có tác động mạnh tới cảnh quan vùng nông thôn. Cấu trúc không gian bị biến đổi một cách nhanh chóng mà không có kiểm soát.

Hay nói một cách khác, kiến trúc nông thôn dường như đang “nhại” lại kiến trúc của thành thị với sự xuất hiện của những nhà ống, nhà dạng "hộp" và những con đường bê tông, đường nhựa được xây dựng với mật độ càng ngày càng cao. Hình ảnh thôn quê giàu truyền thống và những giá trị cốt lõi đang dần mất đi và bị biến đổi một cách lộn xộn với muôn kiểu cóp nhặt. Trong dòng chảy của hiện đại hóa, nông thôn dường như bị “lãng quên” bởi thiếu đi sự định hướng về quy hoạch, hướng dẫn về kiến trúc.

Vậy, phải hiện đại hóa nông thôn như thế nào để vừa phù hợp với dòng chảy phát triển vừa giữ gìn được những nét văn hóa truyền thống? Đi sâu vào câu chuyện này, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với TS. KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam. 

PV: Bộ mặt nông thôn thời gian qua đã có những biến đổi mạnh mẽ theo xu hướng “đô thị hóa”. Nếu phác họa bức tranh cảnh quan nông thôn hiện nay, ông sẽ phác họa như thế nào, thưa ông? 

TS. KTS. Trương Văn Quảng: Nhìn chung về mặt kiến trúc, cảnh quan khu vực nông thôn của cả 7 vùng kinh tế xã hội của Việt Nam: Trung du và miền núi phía Bắc; Đồng bằng Sông Hồng; Bắc Trung Bộ; Ven biển Nam Trung Bộ; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Đồng Bằng Sông Cửu Long đều mang những đặc điểm truyền thống riêng biệt. Đã có những xã xây dựng nông thôn mới rất thành công tuy nhiên bước sang giai đoạn phát triển nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đã bộc lộ nhiều thực trạng chưa được tốt.

TS. KTS Trương Văn Quảng

Có thể nói, kiến trúc và xây dựng làng quê đang chuyển hóa dần từ không gian nông nghiệp sang không gian đô thị là một xu thế mới. Có những xã hôm nay vẫn là xã nhưng ngày mai đã lên phường thông qua nâng cấp đô thị dẫn đến tình trạng xây dựng nhếch nhác, lộn xộn mà không theo một quy hướng nào cả làm thay đổi khá nhanh diện mạo kiến trúc ở nhiều làng quê.

Trong đô thị lớn luôn có vùng nội thị và ngoại thị. Nội thị là các quận, các phường thường có mật độ xây dựng rất cao, còn ngoại thị là các huyện chủ yếu phát triển nông nghiệp. Cụ thể, có những khu vực ở vùng nông thôn chịu tác động đô thị hóa quá mạnh làm thay đổi cảnh quan do những khu vực này nằm ở những vùng giáp đô thị hay đang dự kiến trở thành đô thị trong tương lai. Ví dụ như Đồng bằng sông Hồng với đặc trưng rất nhiều làng truyền thống, có những làng giáp đô thị Hà Nội đang chịu ảnh hưởng của đô thị hóa dẫn tới một số làng không còn dính dáng đến nông nghiệp nữa mà chuyển hẳn sang ngành dịch vụ.

Điều này làm cho nhiều người dân nhìn bộ mặt nông thôn cứ “trang nhã” như đô thị, có sự biến động cội rễ và xáo trộn tổng thể, thiếu những hướng dẫn chi tiết, quy hoạch rõ ràng. Chính vì vậy, chúng ta phải có cái nhìn trọng tâm vào khúc kết nối giữa hai khu vực đó.

PV: Có thể thấy việc phát triển quy hoạch và kiến trúc nông thôn trong dòng chảy hiện đại hóa đang bộc lộ nhiều tồn tại và bất cập. Cụ thể những tồn tại và bất cập đó là gì, thưa ông?

TS. KTS. Trương Văn Quảng: Một điều không thể phủ nhận là khi kinh tế thay đổi đồng nghĩa là lối sống cũng thay đổi theo. Cho nên việc không gian sống chuyển dịch theo xu thế mà không có chuẩn mực là điều đương nhiên. Nhưng cũng phải coi đây là xu hướng chuyển mình do đó sẽ có những khu vực quản lý chưa được tốt, những làng truyền thống còn hơi “quá đà” trong phát triển diện mạo.

Nhìn vào thực tế là hình ảnh những ngôi nhà được xây dựng đô thị với không gian vô cùng tiện nghi, khép kín cùng thiết bị sinh hoạt hiện đại. Trong những khuôn viên làng xóm, ông bà, bố mẹ có đất đai rộng rãi nên khi các con lớn lên và lập gia đình sẽ chia nhỏ đất cho các con ở riêng nên cấu trúc nhà, vườn, ao, chuồng gần như bị xóa bỏ. Hay như các khu vực giáp ranh do gần đô thị quá, nhiều người trong đô thị lại ra ngoài mua đất của bà con để xây trang trại, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng cuối tuần... gây ra sự xáo động trong mật độ xây dựng. Những người này lại mang kiến trúc của đô thị bên ngoài vào xây dựng. Hơn nữa, những khu vực đường liên thôn, liên xã được các chính quyền xã làm những dự án phát triển, người ta chia lô nhà dạng phố, dạng ống trên những con đường này tạo ra diện mạo không khác gì đô thị là mấy.

Hơn nữa, ở khu vực nông thôn, trong luật định, người dân nông thôn có thể được phép xây dựng mà không cần xin phép. Chính điều này đã gây nên lỗ hổng lớn tạo điều kiện cho việc người ta cứ “vác” các kiến trúc ở đâu đó về bắt chước đắp vào gây nên những "nhức nhối".

Mặc dù đã có khung pháp lý về xây dựng nông thôn mới tuy nhiên công tác quản lý đất đai, quản lý kiến trúc cảnh quan khu vực nông thôn chưa được chặt chẽ như khu vực đô thị. Do đó dẫn đến tình trạng kiến trúc cảnh quan nông thôn đang dần bị phá vỡ, đô thị không ra đô thị, nông thôn không ra nông thôn.

Từ đấy mà nhiều người đặt câu hỏi, cấu trúc cảnh quan làng quê đang nằm ở đâu? Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quan, nếu chúng ta làm tốt công tác quản lý bảo tồn kiến trúc truyền thống có giá trị lịch sử thì chắc chắn vẫn giữ được hình hài, còn nếu quản lý không tốt trong quá trình đô thị hóa thì sẽ vô tình làm biến dạng, méo mó cảnh quan kiến trúc nông thôn.

PV: Nhìn vào quá trình phát triển đậm tính tự phát này rất khó nhận ra vai trò của người làm chính sách, giới quy hoạch hay kiến trúc sư trong khâu định hướng chuyên môn?

TS. KTS. Trương Văn Quảng: Đây là xu hướng phát triển mang tính chịu tác động từ đô thị hóa làm biến đổi cơ cấu kinh tế, văn hóa lối sống trong xã hội. Vì thế, nhiệm vụ này đặt ra cho các nhà quy hoạch, nhà thiết kế, nhà hoạch định chính sách cũng như các chuyên gia nghiên cứu lịch sử cảnh quan phải có cái nhìn bao quát tổng thể, tốt nhất để gìn giữ, bảo tồn giá trị cốt lõi và kiến trúc cảnh quan của những làng xã cũ. Trong đó, vai trò của những công cụ chỉ đạo như kế hoạch, quy hoạch và hướng dẫn chuyên môn rất quan trọng nhưng công tác triển khai hiện nay khá mờ nhạt, chưa thực sự nhắm vào trọng tâm.

PV: Vậy theo ông cần điều chỉnh như thế nào để thay đổi thực trạng này?

TS. KTS. Trương Văn Quảng: Điều đầu tiên là cần nhìn nhận quá trình xây dựng nông thôn mới vừa qua và Chính phủ vừa ra Nghị định 25 trong việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Từ đó rút kinh nghiệm từ đợt I, cái gì còn tồn tại thì cần khắc phục ngay, cái gì ưu điểm thì cần phát huy hơn nữa.

Chúng ta có hẳn một Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyên quan tâm mảng này, vì vậy phải phát huy sao cho đúng với những gì mà Chính phủ và người dân mong muốn. Mới đây, Bộ vừa nghiệm thu đề tài cấp Nhà nước nghiên cứu mô hình tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan các khu vực nông thôn mang đặc trưng văn hóa và kế thừa giá trị vùng miền. Trong đó, đề tài đã nhận diện 5 vùng: Miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Trung du duyên hải, Tây Nguyên, Nam Bộ có điều kiện tự nhiên, văn hóa bản địa riêng, từ đó đưa ra mô hình quy hoạch xã, kế thừa và phát huy những giá trị đặc trưng này để tiếp tục xây dựng mô hình nông thôn mới.

Trong thời gian tới, hy vọng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đưa ra những hướng dẫn quy hoạch cụ thể, chất lượng dễ dàng hơn cho người dân.

TS. KTS Trương Văn Quảng

Bên cạnh đó, cần chú trọng tới yếu tố khác như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Sở hữu đất đai, Luật Tài nguyên môi trường… phải có sự kết hợp, lồng ghép hài hòa để tháo gỡ những vướng mắc còn tồn đọng trong quá trình triển khai để xây dựng kiến trúc cảnh quan nông thôn một cách bài bản và thực tế.

Vì vậy, chúng ta cần có cách thức quy hoạch tích hợp đa ngành. Một mặt là quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới, hai là quy hoạch chi tiết thôn bản, làng xã với hướng dẫn cụ thể, rõ ràng. Trong đó, cần nâng cao tầm quản lý của các nhà lãnh đạo trong việc định hướng, nhìn nhận vấn đề cấp thiết. Trong thời gian tới, việc triển khai quy hoạch tích hợp đa ngành sẽ giúp thay đổi nhiều thực trạng nêu trên.

Các cơ chế chính sách phải được chuyển hóa một cách nhuần nhuyễn và đồng bộ từ nhận thức của người dân đến các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương, các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi tham gia vào phát triển và xây dựng nông thôn trong quá trình đô thị hóa.

PV: Đối với Thủ đô Hà Nội, hiện đang dự kiến 5 huyện sẽ lên quận vào năm 2025, ông có thể gợi mở một mô hình quy hoạch kiến trúc để có một bộ mặt đô thị vừa hiện đại vừa giữ gìn được bản sắc dân tộc không?

TS. KTS. Trương Văn Quảng: Bản thân Hà Nội vốn là khu vực lõi, khu vực bảo tồn và có chiều sâu lịch sử, các quận nội đô vẫn mang tính chất đặc thù và nền văn hóa nổi trội từ xa xưa. Bởi vậy, đặc trưng đô thị hóa ở Việt Nam khác với các đô thị hóa khác, bởi nước ta vốn xuất phát từ nước nông nghiệp. Nhìn vào quá trình phát triển đô thị hóa từ trước cho đến nay, đâu đó vẫn tồn tại dáng vẻ của những cấu trúc, phong cách làng xã ngày xưa. Ví dụ như ở nội đô Hà Nội có làng Ngũ Xã, làng Nhật Tân, làng Ngọc Hà… vẫn có cấu trúc làng ngày xưa đang tồn tại bên trong.   

Mặc dù những khu vực mới phát triển như Trung Hòa Nhân Chính hay Lê Văn Lương kéo dài, khu vực nào là ruộng đồng thì người ta có thể phát triển theo mô hình mới, còn khu vực nào là làng cũ vẫn phải giữ. Do đó, Việt Nam phát triển theo mô hình hướng “làng trong đô thị". Đây là sự đặc sắc, mới lạ để giải quyết những thách thức xây dựng và phát triển một cách hài hòa.

TS. KTS Trương Văn Quảng

Đối với một số huyện chuẩn bị lên quận của Hà Nội, bản thân nó vốn là nông thôn vì vậy vẫn phải giữ lại dáng vẻ của làng xóm, chứ không thể di dời cả làng đi được mà thay vào đó là cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp những khu vực ấy. Đối với những khu vực mà không chịu ảnh hưởng nhiều thì chúng ta có thể phát triển đô thị theo mô hình mới.

Dẫu biết giữa khu vực cũ và khu vực đã phát triển thường tồn tại những bất cập, do đó, để tạo ra sự hài hòa giữa hai khu vực này phụ thuộc phần lớn vào người thiết kế, người lập quy hoạch. Bên cạnh đó, những người làm chính sách cũng phải xác định rằng, không thể “tẩy xóa” đi hẳn một cái làng tồn tại cả trăm năm trong cấu trúc Thăng Long, Hà Nội. Vì thế cần xác định phương hướng kết hợp sao cho đồng bộ, đỡ cảm giác lộn xộn trong đô thị.

Đã có rất nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài hứng thú với đặc trưng, nền văn hóa xa xưa của Việt Nam. Chúng ta nên hiểu, hiện đại không đồng nghĩa với những tòa nhà cao hàng chục, hàng trăm tầng mà hiện đại là xây dựng cơ sở hạ tầng, môi trường sống, dịch vụ đô thị có tốt cho người dân hay không mới là điều quan trọng nhất.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top