Aa

Giữ không gian xanh để đô thị phát triển bền vững

Thứ Sáu, 25/11/2022 - 13:45

Không gian xanh, một trong những mô hình bảo đảm phát triển đô thị bền vững đã được định hướng rõ trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tuy nhiên, hiện trạng phát triển không đồng đều cùng với những nguy cơ bị thu hẹp hiện nay đòi hỏi các giải pháp duy trì, phát triển không gian xanh - một trong những tiêu chí quan trọng của đô thị, một cách hiệu quả.

Chăm sóc thảm cỏ tại Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng). (Ảnh: Đỗ Tâm)

Cấu trúc cân bằng, bảo đảm điều kiện phát triển tốt nhất

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg đã định hướng tổ chức không gian cho Hà Nội với mô hình phát triển chùm đô thị, trong đó, đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, thị trấn bằng hành lang xanh.

“Theo thực tiễn, cấu trúc mô hình này phải có không gian xanh, vành đai xanh, các điểm xanh. Trong đó, Quyết định số 1259/QĐ-TTg định hướng rõ, hành lang xanh gồm khu vực nông thôn, hệ thống sông, hồ, đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp… được bảo vệ nghiêm ngặt để trở thành khu hậu cần phục vụ đô thị, giữ gìn cảnh quan và bảo đảm môi trường sống đô thị. Vành đai xanh dọc sông Nhuệ là vùng đệm cách biệt giữa khu vực nội đô mở rộng với khu vực đô thị mở rộng phía Nam sông Hồng…”, TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nêu.

Theo KTS. Vũ Hoài Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội, vành đai xanh là điểm nhấn độc đáo, khác biệt của Quyết định số 1259/QĐ-TTg so với các quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trước đây. Vành đai xanh được định hướng tổ chức bám dọc theo sông Nhuệ, lấy sông Nhuệ và mạng lưới các sông hướng tâm như: Sông Đăm, sông Cầu Ngà, La Khê… làm trục cảnh quan xâu chuỗi hệ thống không gian công cộng, làng xóm với mật độ xây dựng thấp và các khu vực xây dựng theo hướng sinh thái; tạo nên vùng đệm ngăn cách mang nhiều ý nghĩa về môi trường, cảnh quan, xã hội…

Không gian xanh tại xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ). (Ảnh: Nguyễn Quang)

Duy trì bằng được khu vực hành lang xanh

Sau hơn 10 năm triển khai Quyết định số 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đô thị trung tâm phát triển tương đối mạnh, còn 5 đô thị vệ tinh do nhiều nguyên nhân chưa có điều kiện phát triển. Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nhận định, các khu đô thị mới phát triển dạng “xôi đỗ”, dù đã tuân thủ chức năng quy hoạch nhưng không có sự gắn kết với nhau và gắn kết với đô thị trung tâm, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển hành lang xanh của Thủ đô.

“Thành phố dù đã đẩy nhanh việc cải tạo hệ thống các công viên nhưng hiệu quả chưa cao. Các vành đai xanh, hành lang xanh được đề cập trong các quy hoạch phân khu nhưng quy hoạch chi tiết như thế nào chưa được nghiên cứu hoàn thiện và còn nhiều lúng túng vì có những khu vực có điểm dân cư nông thôn, khu vực làm nông nghiệp, khu vực làng nghề... Hà Nội vừa mới tập trung nghiên cứu quy hoạch hai bên sông Hồng trở thành trục không gian cảnh quan trung tâm của thành phố. Tuy nhiên, còn có khu vực hành lang xanh, vành đai xanh khác như Vân Trì, Cổ Loa nhiều năm qua chưa làm được”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm phân tích.

Trong khi đó, theo KTS. Vũ Hoài Đức, Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch phân khu - công cụ quản lý cơ bản, ban đầu. Việc hình thành một vành đai xanh đúng nghĩa thực sự chưa có những tiến triển trên thực tiễn, chủ yếu mới dừng ở một vài cụm đô thị, chưa có được một công viên nào trên chuỗi vành đai này. Việc bảo vệ không gian nhạy cảm này là rất khó khăn trước hành vi xây dựng, lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cũng nhìn nhận, việc triển khai quy hoạch vành đai xanh chưa được chú trọng. Tại đây, các khu đô thị được thực hiện với rất nhiều dự án riêng lẻ, thiếu liên kết, đồng bộ, đặc biệt chưa có dự án công viên đầu tư quy mô lớn. Do đó, trong quá trình điều chỉnh tổng thể Quyết định số 1259/QĐ-TTg cần có giải pháp khuyến khích phát triển du lịch sinh thái, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giữ gìn các khu vực bảo tồn tự nhiên, cảnh quan đặc thù; đồng thời nghiêm cấm phát triển đô thị, xây dựng các công trình quy mô lớn phá vỡ cảnh quan tự nhiên…

“Cần tính đến việc hình thành vành đai xanh bằng giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị, như một sự trao truyền quá khứ vào đương đại. Các vùng trồng hoa Tây Tựu, hay các vườn cam Canh, bưởi Diễn - những thương hiệu nổi tiếng của Hà Nội, có thể trở thành một hợp phần trong quá trình tổ chức không gian cảnh quan bên cạnh các công viên, cây xanh, hồ nước ở vành đai xanh. Những nhánh sông, hồ, ao nhất thiết phải được bảo vệ, khơi thông đồng thời với việc bảo tồn cảnh quan làng xóm cũ với cốt lõi là bảo vệ các mảnh vườn trong không gian cư trú truyền thống. Thực tế cho thấy, việc phát triển công viên, cây xanh, hồ nước phải từ nguồn lực chung của xã hội. Các khu đô thị mới có cảnh quan hấp dẫn của Hà Nội là hướng đi đem lại lợi ích chung cho nhà đầu tư, Nhà nước và cộng đồng”, KTS. Vũ Hoài Đức kiến nghị./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top