Aa

Giữ vững sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng

Thứ Ba, 19/07/2022 - 06:24

Việc triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành Ngân hàng tập trung triển khai trong thời gian tới.

Tái cơ cấu hệ thống TCTD là nhiệm vụ trọng tâm

Nhìn quá trình triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, với nỗ lực và quyết tâm của toàn Ngành, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng đã chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, triển khai hiệu quả các giải pháp đề ra tại Đề án và đạt được hầu hết các mục tiêu quan trọng, tạo tiền đề cho cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn tiếp theo.

Việc triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành Ngân hàng tập trung triển khai trong thời gian tới.

Để triển khai có chất lượng, hiệu quả Đề án này, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh yêu cầu, Chủ tịch HĐQT/HĐTV các TCTD trực tiếp chỉ đạo xây dựng, triển khai Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu tại mỗi đơn vị. Các TCTD phải phân tích, đánh giá đúng những kết quả tích cực, nhận diện rõ những tồn tại, hạn chế, rủi ro tiềm ẩn, trên cơ sở đó xây dựng phương án phù hợp nhằm tiếp tục phát huy những kết quả tích cực mà ngân hàng đã đạt được trong thời gian qua.

Đặc biệt, đề ra được những giải pháp cụ thể, thiết thực và khả thi để xử lý những tồn tại, hạn chế, rủi ro tiềm ẩn mà chính TCTD đã nhận diện ra. NHNN sẽ có văn bản hướng dẫn đối với từng TCTD gắn liền với hiện trạng hoạt động của ngân hàng đó, trong đó sẽ có yêu cầu những vấn đề trọng yếu mà TCTD phải đưa vào phương án của đơn vị những mục tiêu, giải pháp cụ thể để xử lý vấn đề trọng yếu mà NHNN yêu cầu đối với từng TCTD.

“Phương án phải bám sát hướng dẫn của NHNN. Những yêu cầu của NHNN đưa ra trong văn bản hướng dẫn là mức tối thiểu TCTD phải thực hiện và đạt được. Đồng thời TCTD phải có lộ trình cụ thể triển khai và không chậm hơn lộ trình mà NHNN đặt ra”, Phó Thống đốc lưu ý.

Triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng

Đối với các đơn vị thuộc NHNN, Phó Thống đốc đề nghị, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức triển khai các nhiệm vụ theo phân công tại Kế hoạch hành động của Ngành; theo dõi, giám sát việc thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2025 của mỗi TCTD đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. NHNN chi nhánh tỉnh/thành phố có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn xây dựng phương án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

NHNN yêu cầu các TCTD, các đơn vị, Vụ, Cục thuộc NHNN và các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc thực hiện việc triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng và các văn bản hướng dẫn, đảm bảo chất lượng, tiến độ và mục tiêu đặt ra.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, triển khai Quyết định 689/QĐ-TTg, Thống đốc NHNN sẽ ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng, trong đó phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể đối với các đơn vị trong toàn Ngành để tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Đề án. Các TCTD căn cứ nội dung tại Quyết định số 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và văn bản chỉ đạo hướng dẫn của NHNN có trách nhiệm xây dựng Phương án, đảm bảo phù hợp với các giải pháp, cơ cấu đã nêu tại Đề án, các quy định của pháp luật để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc triển khai thực hiện.

Nhiều đổi mới trong công tác thanh tra, giám sát

Báo cáo về công tác thanh tra, giám sát ngân hàng tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Quyền Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN Nguyễn Văn Du cho biết, Công tác thanh tra tiếp tục được đổi mới theo hướng vừa kết hợp thanh tra toàn diện pháp nhân, thanh tra chuyên đề, từng bước kết hợp và áp dụng phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro, vừa theo hướng tập trung hiệu quả nguồn lực thanh tra vào các đối tượng, lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro cao, dễ phát sinh sai phạm. Qua công tác thanh tra đã phát hiện các tồn tại, sai phạm trong hoạt động của các TCTD. Từ đó kiến nghị, khuyến nghị và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để duy trì và giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động tiền tệ và ngân hàng.

Công tác giám sát ngân hàng có sự gắn kết chặt chẽ với công tác thanh tra. Nội dung giám sát không chỉ dừng ở việc giám sát tình hình tuân thủ, chấp hành các quy định về an toàn trong hoạt động mà còn chú trọng giám sát, đánh giá rủi ro trong hoạt động của TCTD. Qua đó đề xuất thanh tra pháp nhân, thanh tra chuyên đề (theo kế hoạch hoặc đột xuất) đối với các đơn vị có tình hình tài chính yếu kém, tỷ lệ nợ xấu cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro; các tồn tại kéo dài chưa được xử lý dứt điểm; có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng. Cùng với đó, công tác xếp hạng các TCTD được thực hiện thống nhất theo nguyên tắc đảm bảo việc xếp hạng phản ánh đầy đủ thực trạng hoạt động, rủi ro, mức độ an toàn của các TCTD.

Thống nhất với nội dung báo cáo, Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cho biết, để đảm bảo tăng trưởng phát triển cũng như đi đôi với an toàn hiệu quả, bên cạnh triển khai nhiệm vụ kinh doanh BIDV cũng rất chú trọng công tác kiểm tra giám sát, kiểm toán nội bộ. Ngân hàng coi đây là một trong những phòng tuyến giúp cảnh báo ngăn ngừa rủi ro, đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn, hiệu quả. Để thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát, kiểm toán nội bộ trong thời gian qua, ông Lâm cho biết, hàng năm HĐQT ban hành Nghị quyết định hướng, mục tiêu kinh doanh; trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ công tác kiểm tra giám sát, kiểm toán nội bộ. BIDV xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm toán nội bộ với mục tiêu tất cả các đơn vị đều được kiểm tra, kiểm toán tối thiểu 1 lần/năm; không ngừng ứng dụng CNTT và hoàn thiện công cụ giám sát cảnh báo sớm, đổi mới phương thức kiểm tra kết hợp nhiều hình thức nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm toán nội bộ. Đặc biệt, BIDV đã ban hành sổ tay sai phạm điển hình trong hoạt động ngân hàng trên cơ sở tổng hợp các sai phạm vụ án vụ việc của chính ngân hàng và nhiều TCTD khác…

Qua báo cáo sơ kết và tham luận của các đơn vị, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn đánh giá, công tác thanh tra, giám sát ngân hàng 6 tháng đầu năm đã được triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống, góp phần thực hiện mục tiêu xuyên suốt của công tác thanh tra, giám sát ngân hàng là đảm bảo an toàn, lành mạnh, ổn định của hệ thống TCTD; đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và khách hàng của TCTD; duy trì và nâng cao lòng tin của công chúng đối với hệ thống TCTD; đảm bảo tính tuân thủ và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành.

“Kết quả hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng cũng cho thấy sự an toàn, lành mạnh của hệ thống TCTD tiếp tục được duy trì, nhiều chỉ số an toàn tiếp tục được cải thiện”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Ghi nhận các kết quả 6 tháng đầu năm của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng, nhưng trước biến động phức tạp của tình hình kinh tế - xã hội trong nước cũng như quốc tế, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn đề nghị các đơn vị thuộc NHNN, các TCTD tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN để góp phần bảo đảm an toàn hoạt động tiền tệ, ngân hàng.

Phó Thống đốc yêu cầu Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cần khẩn trương ban hành Sổ tay giám sát ngân hàng và sớm phổ biến, quán triệt, tổ chức tập huấn Thông tư số 08/2022/TT-NHNN, Sổ tay giám sát ngân hàng để triển khai thống nhất, toàn diện trong toàn hệ thống Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng; tiếp tục tăng cường giám sát việc TCTD cấp tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Trên cơ sở kết quả giám sát, cảnh báo kịp thời các rủi ro tiềm ẩn, đề xuất việc triển khai thanh tra chuyên đề hoặc thanh tra đột xuất phù hợp; khẩn trương hoàn thiện và trình ban hành Quy chế quản trị, vận hành và sử dụng phần mềm hệ thống thông tin hỗ trợ hoạt động giám sát từ xa. Đồng thời, cập nhật thông tin, dữ liệu và tăng cường khai thác, sử dụng tối đa tính năng của Hệ thống thông tin hỗ trợ hoạt động giám sát từ xa phục vụ công tác giám sát ngân hàng…

Phó Thống đốc yêu cầu tập trung triển khai, hoàn thành Kế hoạch thanh tra năm 2022 theo đúng mục tiêu, tiến độ đề ra, trong đó, lưu ý các tồn tại, vi phạm đã được chỉ ra. Khi kết luận thanh tra, phải bảo đảm nguyên tắc chỉ rõ và cá thể hóa tối đa trách nhiệm của cá nhân có liên quan đối với các vi phạm của tập thể. Đối với các TCTD, Phó Thống đốc đề nghị kịp thời khắc phục, xử lý triệt để các tồn tại, vi phạm, rủi ro được NHNN phát hiện qua thanh tra, giám sát. Trường hợp không chấn chỉnh, xử lý theo chỉ đạo hoặc tiếp tục vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định và theo đúng tinh thần Chỉ thị số 07/CT-NHNN của Thống đốc NHNN về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng.

Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn cũng lưu ý, trong bối cảnh chung hiện nay, NHNN đề nghị TCTD cần tiếp tục tập trung trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ các khoản nợ cơ cấu lại theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14; xử lý các khoản lãi dự thu (nếu có). Các công ty tài chính tiêu dùng thực hiện nghiêm các quy định về công khai minh bạch các quy định về cấp tín dụng; tiết kiệm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất cho vay và tiếp tục chấn chỉnh hoạt động thu nợ, minh bạch, đúng quy định pháp luật…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top