Aa

Tổ chức tín dụng phải tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay

Thứ Bảy, 19/02/2022 - 06:15

Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của khách hàng.

Tại Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân…

Trước đó, trong cuộc đến thăm, chúc Tết và giao nhiệm vụ cho ngành ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh vấn đề này.

Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa các loại chi phí, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới.

Tiết giảm tối đa

Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước liên tục phát đi thông điệp yêu cầu các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, khách hàng trong bối cảnh nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Để giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng phải tiết giảm chi phí, cắt giảm lợi nhuận.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: "Tôi đề nghị các Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc, Giám đốc các tổ chức tín dụng nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kinh doanh của tổ chức mình, tiếp tục rà soát, cắt giảm chi phí hoạt động để dành nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro và tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19."

Sau khi cắt giảm mạnh lãi suất điều hành 3 lần vào năm 2020 và là một trong các ngân hàng trung ương giảm lãi suất mạnh nhất khu vực, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ lãi suất điều hành ở mức thấp năm 2021 nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp để có cơ sở giảm lãi suất cho vay.

Nhờ đó, mặt bằng lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng giảm thêm 0,81%/năm trong năm 2021. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 2,26 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 với dư nợ trên 3,9 triệu tỷ đồng; lũy kế từ khi có dịch đến nay, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho khách hàng gần 37.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong giai đoạn từ tháng 7/2021 đến cuối tháng 12/2021, có 16 ngân hàng đã dành 21.244 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay với người dân và doanh nghiệp, vượt 5,13% so với số cam kết giảm ban đầu.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết thêm tổng số tiền giảm phí ngành ngân hàng năm 2021 đến với người dân khoảng 1.600 tỷ đồng. Tính cả năm 2020 thì con số này lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Theo thống kê, 80% giá trị giao dịch thanh toán cá nhân trên kênh điện tử đã được miễn phí.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 nhưng tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm và cao hơn so cùng kỳ năm 2020, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế. Tính đến cuối năm 2021, tín dụng nền kinh tế đã tăng trưởng 13,53% so với cuối năm 2020. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được quản lý chặt chẽ.

Không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết trong năm 2022, để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, hướng tới đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6% - 6,5%, Ngân hàng Nhà nước sẽ chú trọng điều hành linh hoạt các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Đặc biệt Ngân hàng Nhà nước sẽ không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng, kiểm soát chặt chẽ cho vay ngoại tệ, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.

Cũng theo ông Tú, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đánh giá hoạt động tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, vai trò, khả năng phục hồi, phát triển bền vững của các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế để chỉ đạo các tổ chức tín dụng có chính sách ưu tiên, hỗ trợ và tập trung tín dụng nhằm góp phần khôi phục và phát triển kinh tế. Phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

To chuc tin dung phai tiet giam chi phi de giam lai suat cho vay hinh anh 2
Tổng số tiền lãi đã được giảm của 3 ngân hàng. Đơn vị: Tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen.” Đặc biệt, tiết giảm chi phí hoạt động, tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ thanh toán.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng giám đốc phụ trách Vietcombank cho biết năm 2022 tiếp tục thực hiện các giải pháp chuyển đổi hoạt động kinh doanh theo định hướng bền vững, hiệu quả. Ngân hang cũng sẽ tiếp tục cơ cấu nợ và miễn giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ngay từ đầu năm ngân hàng cũng đã miễn giảm hầu hết tất cả các loại phí cho khách hàng nhằm tiết giảm chi phí.

Còn ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng Giám đốc Ngân hàng Hàng Hải (MSB) chia sẻ ngoài việc tiết giảm chi phí nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, năm 2022 ngân hàng sẽ tập trung vào bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh số hóa các dịch vụ của ngân hàng để góp phần tăng trưởng mạnh CASA (tiền gửi không kỳ hạn), giảm chi phí vốn và giảm CIR (tỷ lệ chi phí trên thu nhập).

Các kế hoạch liên quan tăng vốn, MSB sẽ xin Đại hội cổ đông thông qua và triển khai trong 2022. Trong đó, ngân hàng đang hướng đến các nguồn đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài và đang làm việc với một số bên để có kế hoạch cụ thể./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top