Aa

Giữa kỷ nguyên vàng của ngành công nghiệp golf

Yên Trung
Yên Trung huongbt.ajc@gmail.com
Thứ Ba, 19/06/2018 - 06:01

Nằm trên bờ biển dài hơn 3.260km gồm những bãi biển nổi tiếng thế giới, vịnh và đồi núi hùng vĩ cùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, ánh nắng chan hòa hầu như quanh năm, cảnh quan địa hình đa dạng, hệ sinh thái phong phú,... Việt Nam được coi là vùng đất lý tưởng đáp ứng được các tiêu chí khắt khe về điểm đến golf “hút khách” trên thế giới. Thậm chí có phần hơn cả các quốc gia châu Âu.

Không những thế, nhờ vị trí địa lý quan trọng, nằm ở trung tâm châu Á, nơi có loại hình du lịch golf đang phát triển mạnh mẽ, Việt Nam còn nắm trong tay nhiều cơ hội để ngành công nghiệp golf và du lịch golf bùng nổ.

Cùng với quá trình hội nhập kinh tế và xu hướng mới của du lịch cao cấp, golf và du lịch golf Việt Nam đang "nắm chặt tay nhau", từng bước, cùng ghi những dấu mốc phát triển đáng kể. Những năm gần đây, lượng khách đến Việt Nam chủ yếu từ các quốc gia có loại hình du lịch golf phát triển mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Anh… nhu cầu với golf cũng vì thế mà gia tăng mạnh mẽ hơn.

Ông Peter Walton, Chủ tịch Tổ chức Du lịch golf thế giới (IAGTO) từng khẳng định: "Với những thế mạnh về thiên nhiên, vị trí địa lý, Việt Nam, đặc biệt ở khu vực miền Trung, hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành một điểm đến du lịch golf hàng đầu châu Á".

Cùng quan điểm, ông Santi Chudintra, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan thì nhận xét: "Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi cho bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp, hiếm có trên thế giới. Nếu chỉ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, mà không kết hợp đầu tư sân golf thì chưa đầy đủ, khó giữ chân du khách, đặc biệt đối với khách chi tiêu cao".

Ông

Ông Peter Walton, Chủ tịch Tổ chức Du lịch golf thế giới (IAGTO)

Nói thêm về tiềm năng của golf ở Việt Nam, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam, cho hay: “Các sân golf được khánh thành ở Việt Nam trong những năm gần đây đều gắn với các khu nghỉ dưỡng cùng nhiều dịch vụ đẳng cấp tiêu chuẩn 5 sao, hướng tới mục đích hấp dẫn các khách du lịch chơi golf kết hợp nghỉ dưỡng, đặc biệt tại khu vực dọc bờ biển miền Trung (Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang).

Nhiều khu vực nghỉ dưỡng ở khu vực này có tỷ lệ khách tham gia các chương trình du lịch kết hợp chơi golf cao. Và Việt Nam được nhiều tổ chức chuyên ngành golf và truyền thông quốc tế đánh giá, xếp hạng là điểm đến du lịch golf hấp dẫn".

Tuy nhiên, dù sở hữu nhiều lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có được nhưng golf ở Việt Nam vẫn chưa phát triển xứng tầm với những lợi thế đó. Golf Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn so với khu vực và càng xa so với thế giới.

Trong khi các nước trong khu vực như Indonesia đã có 152 sân, Malaysia có 230 sân và Thái Lan có 253 sân, thì Việt Nam mới chỉ có hơn 30 sân golf đi vào hoạt động. Theo số liệu ước tính, tỷ lệ khách quốc tế đến Việt Nam chơi golf chỉ chiếm gần 0,5% trên tổng số 10 triệu khách. Tỷ lệ này của các nước trong khu vực cao hơn nhiều.

Số liệu thống kê cũng đã chỉ ra, hiện dân số Việt Nam khoảng trên 90 triệu người, nhưng số sân golf vẫn còn ít ỏi, thì tại Mỹ với trên 350 triệu dân đã có tới 15.000 sân golf được đầu tư xây dựng để phục vụ cho nhu cầu của người dân trong nước và du khách quốc tế. 

Nhưng cũng chính bởi chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có, golf Việt Nam lại được giới chuyên gia nhận định là còn nhiều dư địa phát triển và hoàn toàn có cơ hội trở thành điểm đến golf hấp dẫn nhất thế giới. Theo ông Paul Stringer, Chủ tịch Nicklaus Design châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong ngành công nghiệp golf, không chỉ thu hút các golfer trong nước mà còn nhiều golfer nước ngoài, trong đó phải kể đến cả khách đến Việt Nam du lịch kết hợp chơi golf.

Từng được mệnh danh là "môn thể thao quý tộc" chỉ dành cho người giàu, trong khi đa phần dân số Việt Nam có thu nhập chưa cao, nhưng đến nay, golf đã dần trở nên quen thuộc và gần gũi hơn với một bộ phận người dân ở tầng lớp trung lưu. Mà Việt Nam, hiện lại là quốc gia có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Thế giới cho thấy, 13% trong số 95 triệu công dân Việt Nam được xếp vào tầng lớp trung lưu. Con số này dự kiến đạt 26% vào năm 2026. Thu nhập cũng tăng mạnh, phần lớn nhờ vào số lượng dân số trẻ dưới 35 tuổi (chiếm 70%). Thu nhập đầu người hiện nay là 2.200USD. Tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, con số này là 5.000 USD. Những số liệu này cũng cho thấy rằng, Việt Nam đang ở giữa giai đoạn vàng để phát triển ngành công nghiệp golf và du lịch golf.

Bằng chứng rõ ràng nhất là Việt Nam đã xuất sắc vượt qua hàng loạt quốc gia khác để dành được số lượt bình chọn cao nhất, trở thành điểm đến du lịch golf hấp dẫn nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2017. Các sân golf của Việt Nam cũng dần khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ golf quốc tế. Cụ thể, năm 2018, Việt Nam có 4 dự án nằm trong top resort sân golf tốt nhất châu Á, sân golf The Bluffs Hồ Tràm Strips cũng được bình chọn xếp thứ 35 trong 100 sân golf tốt nhất thế giới…

Nhìn chung, các sân golf của Việt Nam được các chủ đầu tư xây dựng khá bài bản và có chất lượng đồng đều với cảnh quan ấn tượng và nhiều tính thách thức, hấp dẫn các golfer cả trong và ngoài nước. Các chủ đầu tư đã không "tiếc tiền" và "mạnh tay" mời các kiến trúc sư, nhà thiết kế sân golf lừng danh trên thế giới như Greg Norman, Nick Faldo, Colin Montgomerie... để chăm chút cho các dự án của mình.

Sân golf BRG Ruby Tree Golf Resort của tập đoàn BRG

Dự án BRG Ruby Tree Golf Resort của tập đoàn BRG

Các sân golf đã nâng cao chất lượng dịch vụ và trình độ nhân viên để từng bước góp phần nâng số lượng 10.000 người chơi golf năm 2009 lên 15.000 người chơi golf hiện nay. Nhiều sân golf đã biết tận dụng lợi thế bờ biển dài để tạo nên một xu hướng: chơi golf và nghỉ dưỡng.

Dù có xuất phát điểm chậm hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhưng tính đến thời điểm này, golf Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào về những gì đang và sẽ có trong tương lai. Với sự tham gia của các chủ đầu tư chuyên nghiệp, nhiều tâm huyết và tính sáng tạo, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng Việt Nam sẽ có những sản phẩm golf đẳng cấp thế giới giúp phát huy tối đa tiềm năng du lịch và trở thành nguồn động lực phát triển kinh tế lớn của đất nước.

Đúng như nhận định của ông Mike Sesbastian - Tổng giám đốc điều hành Asia Pacific Golf Group, "Không có nơi nào trên thế giới có được sự phát triển golf nhanh chóng và đồng bộ như Việt Nam"! 

Video: 2 phút nhìn lại thị trường golf Việt Nam  

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top