Aa

Sân golf chuẩn quốc tế cần đáp ứng những tiêu chí nghiêm ngặt nào?

Thứ Tư, 13/06/2018 - 06:00

Thiết kế sân golf là sự kết hợp giữa nghệ thuật tạo hình – sắp đặt và môn khoa học địa lý. Có quá nhiều yếu tố yêu cầu các kiến trúc sư phải để ý đến, và vì thế mà việc xây dựng được một sân golf có yếu tố thẩm mỹ, kích thích được người chơi, và bảo vệ môi tường xung quanh lại càng khó khăn.

Khung cảnh sân golf Mission Hills lớn nhất thế giới ở Thâm Quyến, Trung Quốc

Khung cảnh sân golf Mission Hills lớn nhất thế giới ở Thâm Quyến, Trung Quốc

Với bản chất là một môn thể thao “quý tộc”, những yêu cầu về sân thi đấu của golf cũng được đặt lên tầm rất cao. Thậm chí việc xây dựng sân golf được tách riêng ra làm một bộ phận độc lập trong ngành kiến trúc, và có những kiến trúc sư như  Robert Trent Jones, Jr. trở nên nổi tiếng nhờ những công trình sân gôn của mình. Tuy thế, ngoài một số tiêu chí chung dưới đây thì trên thực tế, không hề có một bộ luật “cứng” nào về thiết kế và cách xây dựng sân golf. Điều này để cho phép các chủ sở hữu có quyền “cá nhân hóa”, tạo nét riêng không thể lẫn được cho sân golf của mình.

Điều đầu tiên mà các kiến trúc sư phải kể đến là số lỗ của sân golf. Theo tiêu chuẩn thì một sân golf sẽ có 18 lỗ (1 vòng chơi) hay 9 lỗ (2 vòng chơi); tuy vậy, vẫn có những sân golf có 36 hay 72 lỗ. Thường thì khoảng cách giữa điểm phát (tee area) và lỗ sẽ được thiết kế sao cho golf thủ có thể đưa banh vào lỗ banh trong 3 - 5 cú đánh. Với nam giới, khoảng cách này là từ 230 đến 631m, còn với nữ giới thì là 190 đến 526m.

Các lỗ golf thường nằm theo vòng để người chơi có thể quay trở lại điểm xuất phát ban đầu sau khi chơi hết một vòng 18 lỗ. Ngoài việc tạo sự tiện nghi, các lỗ golf nằm tuần tự theo vòng tròn sẽ tránh cho người chơi khỏi bị banh bay trúng bởi người chơi các lỗ khác.

Bản đồ thiết kế một lỗ golf mang tính đại diện chung

Bản đồ thiết kế một lỗ golf mang tính đại diện chung

Ngay cả chiều cao của cỏ cũng được coi là một yêu tố cần được xem xét. Các giải đấu quốc tế như PGA có các tiêu chuẩn rất chặt chẽ về loại cỏ, chiều cao, và cách cắt cỏ. Có ba khu vực có cỏ trong một sân golf. Khu vực phát banh được nối với lỗ golf bằng một con đường cỏ được cắt đều và thấp (gọi là fairway). Hai bên con đường đó, cỏ được cắt cao và không đều (gọi là rough.) Mục tiêu của golf thủ là giữ được banh trong vùng fairway, bởi vì họ rất khó đánh được một cú chính xác từ khu vực rough.

Khi gần đến lỗ banh, golf thủ sẽ đưa bóng vào khu vực putting green, nơi mà cỏ được cắt rất thấp và rất đều, nằm trên địa hình có độ dốc rất thấp để đảm bảo độ chính xác của cú đánh và tạo góc nhìn 360 độ. Đây là nơi mà người chơi sẽ phải đưa golf vào lỗ bằng gậy putter. Xung quanh khu vực putting green là những hồ nước hay hố cát, buộc golf thủ phải tính toán kỹ lưỡng trước khi đánh banh.

Nói về hồ nước và hố cát, việc đặt những chướng ngại vật này như thế nào là bài toán khó nhất trong việc thiết kế sân golf. Kiến trúc sư phải xem xét từ những chi tiết nhỏ nhất như hướng gió từng mùa hay độ dốc của mặt đất để làm sao thiết kế được một sân golf tạo được thử thách cho người chơi, nhưng không gây khó khăn quá mức – đã có những sân golf do thiết kế hồ nước kém mà gần như không golf thủ nào đưa được banh vào lỗ.

Ngoài tất cả những yếu tố kể trên, một sân golf luôn phải có những tiện ích đi kèm như đường đi, bãi đậu xe, khách sạn, nhà hàng,… Chúng đều nằm trong một hệ thống khép kín với mục đích chung là đảm bảo sự tiện nghi tối đa cho người chơi golf. Có những sân golf, phần nhiều là các sân chỉ dành riêng cho các thành viên có thẻ, sở hữu chất lượng phục vụ tương đương hay thậm chí cao hơn các khách sạn 5 sao.

Bất cứ dự án sân golf nào cũng được các chuyên gia thẩm định rõ ràng, vừa để đảm bảo chất lượng sân chơi, vừa nhằm tránh những tác động tiêu cực lên môi trường. Trước hết và quan trọng nhất là việc quản lý dòng nước được sử dụng để tưới cho bãi cỏ. Lượng phân bón hóa học tồn dư trong đất sân golf rất có thể bị rửa trôi bởi nước tưới và hòa vào mạch nước ngầm. Khi đó, hậu quả cho môi trường và sức khỏe con người sẽ là không thể tưởng tượng.

Hiện xu hướng trong ngành là thiết kế sân golf sao cho ngày càng dài hơn, do sự phát triển về thể chất và kỹ năng người chơi đã tăng liên tục, khiến cho mỗi cú phát banh trung bình nay đã dài hơn từ 5 - 10% so với hơn 20 năm trước. Ngoài ra, do nguồn đất cho các hoạt động dịch vụ giải trí trên thế giới ngày càng thu hẹp, các kiến trúc sư đang phải tìm cách xây dựng sân golf tại những địa hình cực kỳ khó khăn, ví dụ như sân Coober Pedy (Úc) được xây hoàn toàn trên cát. Người chơi mỗi khi thực hiện cú đánh phải đứng trên một tấm thảm có đất và cỏ mọc bên trên.

Một golf thủ chơi trên sân Coober Pedy, Úc

Một golf thủ chơi trên sân Coober Pedy, Úc

Thiết kế sân golf là sự kết hợp giữa nghệ thuật tạo hình – sắp đặt và môn khoa học địa lý. Có quá nhiều yếu tố yêu cầu các kiến trúc sư phải để ý đến, và vì thế mà việc xây dựng được một sân golf có yếu tố thẩm mỹ, kích thích được người chơi, và bảo vệ môi trường xung quanh lại khó khăn như vậy.

Nhìn lại Việt Nam, có lẽ chưa nhiều sân golf được xây dựng đáp ứng được tất cả các tiêu chí hoàn hảo này, dù đã có nhiều nỗ lực. Đã đến lúc, các nhà phát triển golf Việt Nam phải học tập kinh nghiệm thế giới để tránh được những sai lầm trước kia và biến bộ môn này trở thành một phần đời sống của người Việt.

Video: 2 phút nhìn lại thị trường golf Việt Nam 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top