Aa

Gỡ khó cho dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích

Thứ Tư, 23/10/2024 - 20:31

Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Một số ý kiến về mô hình quản lý đối với di sản đô thị, quy định cụ thể cho nhà ở riêng lẻ của người dân trong khu vực bảo vệ di tích cũng được đặt ra.

Cần có quy định riêng về mô hình quản lý đối với di sản đô thị

Đây là ý kiến của Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) liên quan đến việc hoàn thiện dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), tại phiên họp chiều 23/10.

Gỡ khó cho dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích- Ảnh 1.

Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Theo đại biểu Dương Văn Phước, khoản 2 Điều 3 Dự thảo Luật quy định: Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, di sản văn hóa vật thể bao gồm cả di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới do UNESCO công nhận, nên các di sản này không chỉ phải đáp ứng tiêu chí trong dự thảo luật mà còn phải đáp ứng các tiêu chí của UNESCO. Chính vì vậy, cần có quy định riêng về cơ chế quản lý.

Đơn cử, đô thị cổ Hội An có đặc thù khác biệt so với hầu hết các di tích khác ở Việt Nam, bởi đây là "bảo tàng sống", có hàng ngàn người dân sinh sống và gắn với quản lý hành chính của 4 phường thuộc thành phố Hội An. Đô thị cổ Hội An cũng là quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật với số lượng lớn và đa dạng về loại hình.

Vì vậy, việc quản lý di tích ở Hội An không chỉ theo Luật Di sản văn hóa, mà còn chịu tác động của nhiều luật khác như Bộ luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Lao động, Luật Tổ chức chính quyền địa phương…nên cần có cơ chế quản lý riêng.

Chưa có quy định cụ thể cho nhà ở riêng lẻ của người dân trong khu vực bảo vệ di tích

Liên quan đến dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ, đại biểu Dương Văn Phước nhận xét, Dự thảo Luật quy định việc sửa đổi, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích phải thực hiện theo quy định về quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Song các quy định này chỉ áp dụng cho dự án do Nhà nước làm chủ đầu tư, chưa có quy định cụ thể cho nhà ở riêng lẻ của người dân.

Trong khi đó, việc đưa nhà ở của người dân vào quy hoạch và thực hiện các thủ tục lập dự án sẽ gây nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian và kinh phí, có thể dẫn đến phản ứng tiêu cực của chủ di tích. Do đó, đề nghị cần có quy định cụ thể về dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích.

Gỡ khó cho dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích- Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Đồng tình với ý kiến trên, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, cần tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho các di tích nằm trong khu quy hoạch. Vì việc sửa chữa, cơi nới phải qua rất nhiều khâu và gặp nhiều khó khăn, thậm chí không sửa chữa được. Vì vậy, dù luật không quy định nhưng Nghị định của Chính phủ cần quy định rõ ràng, rành mạch nội dung này, qua đó giúp người dân có thể thuận tiện trong các thủ tục sửa chữa, cơi nới…

Đây cũng là vấn đề Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) đặt ra. Thực tế, theo Luật Di sản văn hóa, sau khi khoanh vùng khu vực II bảo vệ di tích trên bản đồ địa chính, thì bắt buộc trong quy hoạch sử dụng đất ghi chức năng sử dụng là đất di tích. Nên khi triển khai, quy hoạch chi tiết xây dựng cũng sẽ thể hiện là đất di tích. Vì vậy, người dân gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các hoạt động sửa chữa, cải tạo, xây dựng, sửa chữa nhà cửa trên đất di tích.

Đồng thời, các hoạt động xác lập các quyền thừa kế, chuyển nhượng, sở hữu, triển khai các dự án phát triển kinh tế, xã hội... cũng gặp vướng mắc.

Gỡ khó cho dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích- Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu nhìn nhận, quy định về cải tạo, sửa chữa, xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ I và II, nhất là với khu vực II là điểm mới trong Dự thảo Luật lần này. Để quy định phát huy hiệu quả, triệt để khắc phục khó khăn, vướng mắc nêu trên, đề nghị có sự thống nhất giữa Luật Di sản văn hóa với Luật Đất đai, Luật Xây dựng, thể hiện rõ quy định về chức năng sử dụng, khoanh vùng bảo vệ đối với khu vực bảo vệ II.

Đề cập thêm về hoạt động phát huy giá trị di tích, đại biểu Nguyễn Thị Sửa chỉ ra, khoản 4 Điều 26 chỉ quy định về việc tổ chức hoặc liên kết tổ chức hoạt động du lịch, dịch vụ phục vụ công chúng tham quan, nghiên cứu, học tập tại di tích. Nhưng hoạt động này cần sự tham gia của một số thành phần kinh tế, với nhiều hình thức khác như hợp tác công tư, liên doanh liên kết, vì vậy quy định này cần bổ sung theo hướng thêm nội dung về liên kết hợp tác hoặc hợp tác công tư đối với hoạt động du lịch, dịch vụ phục vụ công chúng tham quan, nghiên cứu, học tập tại di tích./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top