Aa

Gỡ “nút thắt” bài toán phát triển nhà ở công nhân

Thứ Ba, 18/01/2022 - 06:06

Nhu cầu về nhà ở xã hội (NƠXH) dành cho công nhân các khu công nghiệp, giai đoạn từ nay đến hết năm 2025, cần thêm khoảng 6,7 triệu m2 sàn.

Vì vậy, theo các chuyên gia cần phải có giải pháp để gỡ “nút thắt” cho bài toán nan giải này.

Nhiều bất cập

Anh Tạ Biên Cương – công nhân trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ, khi vào làm việc ở khu công nghiệp, anh được công ty giới thiệu vào thuê nhà ở tại dự án NƠXH Kim Chung (huyện Đông Anh). Nhưng chỉ ở trong thời gian ngắn, anh đã quyết định trả lại nhà, để ra ngoài thuê phòng trọ trong khu dân cư. “Giá phòng trọ trong khu dân cư rẻ hơn so với thuê nhà NƠXH, tiện lợi hơn cho sinh hoạt hàng ngày vì gần chợ, nhiều quán ăn xung anh. Từ nơi ở đến công ty làm việc cũng chỉ phải di chuyển chưa đầy 2km, vì thu nhập của công nhân không cao, nên chúng tôi buộc phải chọn những dịch vụ vừa với túi tiền mà lại tiện lợi” – anh Tạ Biên Cương chia sẻ.

Khảo sát thực tế, việc các khu công nghiệp có nhà ở công nhân góp phần quan trọng vào việc giúp người lao động ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc. Nhưng thời gian qua, vấn đề nhà ở cho công nhân nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập không phải doanh nghiệp nào cũng có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt, dẫn đến việc người lao động phải tự bỏ hết chi phí. Bên cạnh đó, việc bố trí chỗ ở theo kiểu ký túc xá (6 – 8 người/phòng) nảy sinh nhiều bất cập trong sinh hoạt hàng ngày, chính là lý do khiến nhiều người không mặn mà với việc thuê nhà ở công nhân.
Ngoài ra, hầu hết khu công nghiệp hiện đang thiếu nhà ở công nhân, chỉ tính riêng TP. Hà Nội, trong số 9 khu công nghiệp mới chỉ 3 khu công nghiệp (Thạch Thất – Quốc Oai, Thăng Long, Phú Nghĩa) có dự án nhà ở công nhân. Song thật tréo ngoe, khi một lượng lớn căn hộ bị bỏ trống trong thời gian dài không có người đăng ký mua, thuê mua do thiếu hạ tầng phụ trợ, như: nhà trẻ, trường học và những tiện ích dịch vụ khác... đây là thực trạng chung không chỉ riêng Hà Nội.

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, hình ảnh hàng chục nghìn công nhân cùng gia đình phải “tháo chạy” khỏi các khu công nghiệp để trở về quê hoặc buộc phải ở lại trong túp lều thời chiến để thực hiện “3 tại chỗ” đã bộc lộ những bất cập trong chính sách nhà ở khu công nghiệp. Một số tỉnh, thành phố công nghiệp lớn, như: Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... tỷ lệ lao động ngoại tỉnh chiếm tới 70% lao động trong khu công nghiệp, đa phần đều phải chủ động đi thuê trọ rải rác xung quanh, điều kiện sống gặp nhiều khó khăn.

Xoay quanh vấn đề này, PGS. TS. Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho biết, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, tác động lớn đến những khu vực phát triển công nghiệp, nhưng đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế chưa tính đến điều kiện hạ tầng ngoài hàng rào, trong đó có việc xây dựng nhà ở cho người lao động ngoại tỉnh.

“Đáng quan ngại, công tác quản lý hành chính đối người lao động tại các điểm định cư công nghiệp còn đang bỏ ngỏ, chưa tương đồng với quản lý đô thị vì thế chưa có khái niệm về “điểm dân cư công nghiệp”, “thị tứ công nghiệp” hoặc “đô thị công nghiệp”. Đây là nguyên nhân dẫn đến thực trạng bài toán nhà ở cho công nhân hiện nay còn rất nhiều bất cập” - PGS.TS. Lưu Đức Hải nhìn nhận.

Sản phẩm phải phù hợp nhu cầu

Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2021 cả nước chỉ có thêm 8 dự án NƠXH được hoàn thành, nâng tổng số lên thành 254 dự án với 5,4 triệu m2 sàn nhà ở đưa vào sử dụng (trong đó có 2,7 triệu m2 nhà ở công nhân). Trong khi nhu cầu NƠXH giai đoạn 2016 - 2020 cần 12,5 triệu m2 sàn, với tiến độ thực hiện như vậy đặt ra nhiều thách thức đối với nhu cầu phát triển NƠXH giai đoạn 2021 - 2025, khi cần tới 13,8 triệu m2 sàn (riêng nhà ở công nhân là 6,7 triệu m2), tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 220.000 tỷ đồng.

“Đầu tư xây dựng nhà ở công nhân yêu cầu nguồn vốn đầu tư lớn, thu hồi chậm, lợi nhuận thấp nên doanh nghiệp ít quan tâm. Nhiều khu công nghiệp đã xây dựng nhà ở công nhân nhưng chất lượng chưa tốt, giá thuê - mua cao nên không thu hút được người đến ở. Bên cạnh đó, một số quy định có phần “khắt khe” của NƠXH khiến công nhân không đủ tiêu chí để mua, thuê mua... Vì vậy, quan trọng nhất là phải nâng cao chất lượng NƠXH, cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu, như vậy sẽ tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận NƠXH dễ dàng hơn” - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho hay.

Những năm qua, mặc dù có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển NƠXH, trong đó có nhà ở dành cho CN, điển hình là việc Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư NƠXH nhưng các chính sách này chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư. Vì vậy, nhà ở cho công nhân luôn là vấn đề nóng bỏng, bức thiết - Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang.

Trong thực tế, việc bố trí nguồn vốn ngân sách để phát triển NƠXH thời gian gần đây hết sức hạn chế. Kế hoạch vốn giai đoạn 2016 - 2020 có khoảng trên 9.200 tỷ đồng để cấp bù lãi suất vốn vay NƠXH cho Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng thương mại được chỉ định, nhưng thực tế chỉ giải ngân được trên 2.100 tỷ đồng, còn thiếu hơn 6.800 tỷ đồng. Vừa qua, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ sử dụng gói tài chính 65.000 tỷ đồng cho phát triển NƠXH, nhưng xem chừng công cuộc này vẫn còn rất nhiều khó khăn, trở ngại.

Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc bố trí nguồn vốn, Nhà nước cũng cần sớm hoàn thiện thể chế, tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư công... để thu hút và huy động nguồn lực trong xã hội thực hiện xây nhà ở cho công nhân.

Đặc biệt, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, quy định trong quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế phải bố trí đất làm nhà ở công nhân, đảm bảo tối thiểu 50% công nhân được giải quyết vấn đề nhà ở. Xây dựng quy hoạch khu công nghiệp phải đồng bộ với phát triển đô thị, dịch vụ, phân bố dân cư và nhà ở làm cơ sở cho quá trình thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó cần đặc biệt chú ý đến bổ sung công trình hạ tầng, như: nhà ở, nhà trẻ, trường học, công trình văn hóa, thể thao... đặc biệt là tạo ra những sản phẩm vừa với mức thu nhập của người lao động từng khu vực cụ thể.

Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh mô hình công nghiệp sinh thái phù hợp với điều kiện thực tế để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng xã hội cho người lao động trong khu công nghiệp, đồng thời giúp bảo vệ môi trường./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top