Cuối tháng 11/2021, báo cáo về kết quả nghiên cứu đầu tư đường Vành đai 3 TP.HCM, phương án sử dụng nguồn ngân sách Trung ương tiếp tục được 4 địa phương gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét. Tuyến đường dài hơn 89,3 km đi qua 4 tỉnh, thành với số vốn giai đoạn 1 khoảng 83.290 tỷ đồng.
Nhiều dự án gặp khó
Trước khi có đề xuất trên, 4 kịch bản đầu tư dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đã được tính tới gồm: Đầu tư PPP toàn tuyến bao gồm giải phóng mặt bằng (GPMB), đường song hành, hỗ trợ nhà nước tối đa 50% tổng mức đầu tư theo Luật PPP; đầu tư PPP phần đường cao tốc, không bao gồm GPMB và đường song hành, hỗ trợ nhà nước tối đa 50% tổng mức đầu tư.
Hai kịch bản tiếp theo là: Đầu tư PPP phần đường cao tốc và đường song hành, không bao gồm GPMB, hỗ trợ Nhà nước tối đa 50% tổng mức đầu tư và đầu tư PPP phần đường cao tốc, không bao gồm GPMB và đường song hành, thời gian hoàn vốn 29 năm.
Thế nhưng, sau quá trình phân tích tài chính, các kịch bản này tiếp tục đi vào "ngõ cụt" khi phương án 3 và 4 có thời gian hoàn vốn quá dài (29 - 37 năm), các ngân hàng khó có thể cho vay vốn. Hai kịch bản đầu chỉ bảo đảm tính khả thi trong trường hợp vốn hỗ trợ dự án của nhà nước trên 50% tổng mức đầu tư, không phù hợp với quy định của Luật PPP.
Để làm được phải trình Quốc hội xem xét, thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng. Như vậy, mục tiêu khép kín đường Vành đai 3 trong giai đoạn 2021 - 2026 trở nên khó khả thi.
Cùng trong tháng 11/2021, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần thay vì lựa chọn một số dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Đề xuất trên không phải không có cơ sở khi 5/11 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã phải chuyển hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công do không huy động được vốn tín dụng và nhà đầu tư.
Cần quy định đặc thù về mức vốn Nhà nước
Tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa phối hợp tổ chức, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Fecon, cho rằng đơn vị tư vấn và các cơ quan quản lý Nhà nước đang cố gắng giảm tối đa vốn Nhà nước hỗ trợ cho dự án PPP giao thông, nhất là các tuyến cao tốc. Điều này dẫn đến tỷ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) của các dự án thấp (~11%), không hấp dẫn ngân hàng và các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư khó tiếp cận nguồn vốn vay.
"Từ thực tế đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, quy định nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước tham gia vào dự án để IRR ≥12%, nhằm hấp dẫn các nhà đầu tư các dự án giao thông thực hiện theo hình thức PPP", ông Khoa đề xuất.
Cũng theo ông Khoa, quy định tại Luật PPP và nghị định hướng dẫn liên quan hiện vẫn chưa đủ sức hút để huy động được nguồn lực rất lớn từ các tổ chức tài chính quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Nguyên nhân xuất phát từ cơ chế chia sẻ rủi ro không hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực BOT đường cao tốc vì không có bảo lãnh doanh thu tối thiểu mà chỉ chia sẻ 50% khi doanh thu giảm dưới 75% so với phương án tài chính kèm theo nhiều quy định ràng buộc phức tạp.
Lãnh đạo Fecon kiến nghị Chính phủ cần ban hành cơ chế chia sẻ rủi ro khả thi, bảo đảm nhà đầu tư tư nhân và Nhà nước cùng nhận được hiệu quả đầu tư hoặc rủi ro tương ứng tỉ lệ tham gia; xem xét sửa đổi nâng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP cho các mục đích: Hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP; chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (quy định hiện tại, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án).
Chủ yếu là vốn vay
Theo PGS-TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), "nút thắt" đầu tiên khiến phương thức đối tác công tư gặp khó từ khi có Luật PPP là thị trường vốn. Trong đầu tư dự án PPP, nguồn vốn nhà đầu tư huy động chủ yếu thông qua vay tín dụng từ các ngân hàng. Các ngân hàng thương mại lại chủ yếu cho vay bằng khoản huy động ngắn hạn, trong khi vốn vay cho dự án giao thông là dài hạn, có thể đến 10 năm, 15 năm hoặc hơn với nhiều rủi ro.