Aa

Gỡ “nút thắt” đầu tư PPP trong giao thông

Thứ Tư, 05/12/2018 - 20:00

Cần sớm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên trong hoạt động xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Đầu tư vào hạ tầng giao thông phải đối mặt với khá nhiều rủi ro khó lường. Đó là lý do khiến nhiều nhà đầu tư kém mặn mà đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức PPP kém hấp dẫn nhà đầu tư

Đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức PPP kém hấp dẫn nhà đầu tư

Theo Bộ Giao thông - Vận tải, tính đến thời điểm hiện tại, riêng bộ này đã huy động được khoảng hơn 209 nghìn tỷ đồng để đầu tư 68 dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP. Trong đó, đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 61 dự án với tổng mức đầu tư là gần 179 nghìn tỷ đồng, đang triển khai 7 dự án với tổng mức đầu tư 31 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, bộ này cũng cho biết vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hình thức PPP chưa hoàn thiện và đồng bộ. Đặc biệt, chưa có các cơ chế về bảo lãnh doanh thu, hay một số vấn đề khác nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng của nền kinh tế rất lớn nhưng việc triển khai các dự án PPP đang gặp nhiều khó khăn.

Trong đó, đầu tư nước ngoài dưới hình thức PPP còn khá dè dặt với một số ít dự án như cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) - là dự án PPP quy mô lớn đầu tiên ở Việt Nam sử dụng vốn ODA Nhật Bản. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư đường bộ cao tốc, đường sắt, sân bay... còn khá nhiều.

Ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, với tình hình hiện tại của nền kinh tế, huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng ngày càng khó khăn khi ngân sách nhà nước ngày càng hạn chế và các khoản vay ODA đang giảm. Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 51/NQ-CP của Chính phủ đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hạn chế mức bảo lãnh tối đa của Chính phủ đối với các khoản vay.

Do đó, việc huy động vốn thông qua việc vay lại các khoản vay nước ngoài của Chính phủ hoặc phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cũng sẽ không dễ dàng gì cho VEC. Doanh nghiệp này đề nghị Chính phủ cho phép doanh nghiệp được dùng tiền mặt nhàn rỗi (sau khi đã trả hết nợ) để tái đầu tư vào kinh doanh, hoạt động và đầu tư vào các dự án mới. Đồng thời, cho phép VEC sử dụng số tiền thu được từ việc chuyển nhượng thu phí để đầu tư vào các dự án mới (sau khi đã hoàn trả tất cả các khoản nợ).

Đại diện doanh nghiệp này cũng cho biết thêm, trong quá trình đầu tư vào một dự án đường cao tốc mới, có nhiều những rủi ro như việc kiểm soát lưu lượng giao thông cùng những bất cập về tài chính và chính sách. Tuy nhiên, hiện những khó khăn này chưa được chia sẻ nhiều.

Bên cạnh đó, liên quan tới việc chuyển nhượng khai thác vận hành các dự án đường cao tốc, hiện nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm tới lĩnh vực này. Cụ thể, có nhà đầu tư đặt vấn đề nhận chuyển nhượng tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Nhưng bất cập ở chỗ hành lang pháp lý chuyển nhượng chưa có.

Báo cáo về các vấn đề của nhóm khung khổ pháp lý PPP trong giao thông của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá, Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư PPP không nêu rõ về hỗ trợ Chính phủ (đảm bảo doanh thu tối thiểu, chuyển đổi tiền tệ và giảm thiểu rủi ro) đối với các dự án giao thông. Hơn nữa, dự án PPP về đường giao thông chỉ dựa vào thu phí làm doanh thu nên cần có cơ sở dữ liệu tốt về lưu lượng giao thông hiện tại mới có thể mang lại niềm tin cho nhà đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài cần một số hình thức giảm thiểu rủi ro nhằm thu hút các bên cho vay.

Trước các bất cập, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, phải huy động vốn từ tư nhân (trong nước và nước ngoài) để xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng, đảm bảo cho Việt Nam tăng trưởng nhanh. Sắp tới, để hoàn thiện khung pháp lý hoàn chỉnh cho hoạt động đầu tư PPP, Chính phủ hướng tới xây dựng Luật PPP - được kỳ vọng gỡ bỏ những bất cập trên.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Chính phủ và Quốc hội cũng cần sớm hoàn thiện và ban hành Luật Đầu tư theo hình thức PPP, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên (Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng) trong hoạt động xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top