Gỡ nút thắt pháp lý: “Vắc-xin” tốt nhất cho doanh nghiệp BĐS du lịch

Gỡ nút thắt pháp lý: “Vắc-xin” tốt nhất cho doanh nghiệp BĐS du lịch

Thảo Liên
Thảo Liên lienlien.media@gmail.com
Thứ Năm, 04/11/2021 - 06:15

Ngày 16/11, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch – Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”. Khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) là đơn vị thực hiện, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) là đơn vị bảo trợ truyền thông. Tập đoàn CEO là nhà tài trợ của Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức tại Trụ sở Trường Đại học Luật Hà Nội dưới hình thức trực tiếp (100 đại biểu) và trực tuyến (200 - 300) đại biểu.

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các đại biểu quốc hội; các đối tác quốc tế: Hiệp Hội Bất động sản Hoa Kỳ (NAR); Hiệp hội Bất động sản Singapore; Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham); Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham); Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam (AusCham); Trung tâm Nghiên cứu Bất động sản Thái Lan; Hiệp hội Môi giới Bất động sản Indonesia…; cùng hơn 50 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, kinh tế, tài chính, pháp lý… trong nước và quốc tế.

Hội thảo là diễn đàn khoa học để lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, hiệp hội, tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, giới chuyên gia, học giả trong và ngoài nước, các nhà hoạch định chính sách, giới báo chí - truyền thông, các nhà tư vấn quốc tế, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch…, trao đổi, phân tích, bình luận, đánh giá về cơ hội, tiềm năng và khung chính sách, pháp luật của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam; Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách; đưa ra sáng kiến lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch Việt Nam trước thềm sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các luật có liên quan, nhất là trong bối cảnh hậu Covid-19.

Các doanh nghiệp bất động sản du lịch đang rơi vào thế khó trong 2 năm qua khi chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 cùng với ngành du lịch. Cùng với đó, nhiều vướng mắc pháp lý đã dẫn đến tình trạng sụt giảm mạnh của phân khúc này trên thị trường trong những năm gần đây và nhiều rủi ro lớn xuất hiện, đặc biệt với một số sản phẩm mới như bất động sản nghỉ dưỡng đa công năng (Condotel). 

Các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng kiểu mới được kỳ vọng góp phần thúc đẩy sự phát triển nói chung của ngành du lịch, hứa hẹn một triển vọng đầu tư tích cực cho các nhà đầu tư, nhưng những rủi ro phát sinh từ khung pháp lý hiện hành đã ngăn trở những khả năng tốt đẹp ấy trở thành sự thật.

Theo các chuyên gia, để tháo gỡ khó khăn và giúp các doanh nghiệp phát triển bất động sản du lịch bứt phá hậu Covid-19, cần có sự tháo gỡ từ chính sách, pháp lý để tạo cơ sở phục hồi, ổn định, và phát triển thị trường một cách minh bạch, bền vững. 

Đi sâu hơn về vấn đề này, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp. 

Pháp lý bất động sản du lịch

- Thưa ông, việc đầu tư, kinh doanh bất động sản du lịch tại Việt Nam đang được quy định như thế nào trong các văn bản pháp luật? Các quy định đặc thù, mang tính định danh bất động sản du lịch hiện đã đầy đủ chưa? 

Luật sư Đặng Văn Cường: Có thể hiểu bất động sản du lịch là đất đai, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, tài sản khác gắn liền với đất đai, công trình xây dựng được sử dụng phục vụ các chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian nhất định nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác.

Bất động sản du lịch được hình thành ở những nơi có tiềm năng về du lịch. Tại đó các dự án được triển khai các loại hình khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, các khu vui chơi giải trí, dịch vụ tiện ích… 

Luật sư Đặng Văn Cường

Về loại hình sản phẩm, hiện tại, trên thị trường có ba loại hình sản phẩm bất động sản du lịch phổ biến được xây dựng trên đất thương mại dịch vụ là căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa) và nhà phố du lịch (shoptel/shophouse). Sự khác biệt chủ yếu của ba loại sản phẩm này nằm ở vị trí, thiết kế, công năng sử dụng, giá trị sản phẩm và việc quản lý vận hành.

Căn hộ du lịch (Condotel) được hiểu như là sự kết hợp giữa căn hộ chung cư và khách sạn, thường được đặt tại những thành phố du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu du lịch nổi tiếng và chủ yếu dùng để kinh doanh cho thuê ngắn ngày giống như một khách sạn.

Biệt thự du lịch (resort villa) là loại hình bất động sản với thiết kế kiến trúc độc đáo, tinh tế, sang trọng, thuộc phân khúc cao cấp nhất, thường dành cho người có thu nhập cao.

Nhà phố du lịch (Shoptel) là loại hình nhà phố cho phép việc đầu tư kinh doanh các dịch vụ mua sắm và dịch vụ lưu trú khách sạn du lịch, thường được quy hoạch xây dựng trong khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng đa chức năng. Nhà phố du lịch thường có hai mặt phố: Một mặt tiếp cận đường để phục vụ giao thông, hậu cần và mặt chính là phố đi bộ, mua sắm, sự kiện…

Hiện nay Điều 48 Luật du lịch 2017 quy định các loại cơ sở lưu trú du lịch có biệt thự du lịch, căn hộ du lịch. Việc kinh doanh dịch vụ lưu trú tại các căn hộ du lịch, biệt thự du lịch thuộc loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch và thuộc nhóm ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống quy định tại Danh mục Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

Khoản 3 Điều 21 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch đã xác định Căn hộ du lịch là Căn hộ có trang thiết bị, dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch. Khách có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú; Biệt thự du lịch là Biệt thự có trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê và có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú.

Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và Nghị định số 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản không sử dụng khái niệm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch,.. mà sử dụng chung khái niệm công trình xây dựng và đã quy định cụ thể các nội dung liên quan đến loại hình bất động sản này, như: điều kiện đưa vào kinh doanh; nguyên tắc mua bán, cho thuê; mẫu hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua; quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc mua bán, thuê, thuê mua;… Căn hộ du lịch, biệt thự du lịch là một loại công trình xây dựng nên việc kinh doanh, mua bán cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản như các loại hình công trình khác.

Về hoạt động đầu tư, xây dựng các công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch cũng đã được điều chỉnh trong Luật Xây dựng và các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng. Mới đây Bộ Xây dựng cũng đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Nhà ở chung cư (ban hành kèm theo Thông tư số 03/2021/TT-BXD ngày 19/5/2021), trong đó có quy định Căn hộ lưu trú là Căn hộ nằm trong nhà chung cư hỗn hợp (condotel), phục vụ mục đích cho thuê lưu trú, có trang thiết bị, dịch vụ cần thiết để người thuê có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú; Văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) nằm trong nhà chung cư hỗn hợp, có các trang thiết bị và dịch vụ cần thiết phục vụ cho một hay nhiều cá nhân làm việc kết hợp lưu trú.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã công bố Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 12873:2020) Căn hộ lưu trú - Yêu cầu chung về thiết kế.

Novotel Phú Quốc
Novotel Phú Quốc

Bất động sản du lịch được hình thành ở những nơi có tiềm năng về du lịch. Tại đó các dự án được triển khai các loại hình khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, các khu vui chơi giải trí, dịch vụ tiện ích… 

Về việc quản lý vận hành, kinh doanh loại hình căn hộ du lịch, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư và Thông tư số 06/2019/TT-BXD ngày 31/10/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó có nội dung quy định về quản lý, vận hành chung cư hỗn hợp.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3720/QĐ-BVHTTDL ngày 28/10/2019 về Quy chế quản lý, kinh doanh loại hình căn hộ du lịch và biệt thự du lịch. 

Về quyền sử dụng đất để đầu tư xây dựng căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về đất đai thì công trình căn hộ du lịch không phải là nhà ở mà là công trình xây dựng phục vụ mục đích thương mại, dịch vụ. Theo quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 10 của Luật Đất đai và quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất thì việc sử dụng đất vào mục đích kinh doanh dịch vụ thuộc loại đất thương mại, dịch vụ. 

Pháp luật đất đai và pháp luật kinh doanh bất động sản cũng đã có quy định cho phép các tổ chức, cá nhân được đầu tư xây dựng các công trình bất động sản, trong đó có căn hộ du lịch để bán, cho thuê, cho thuê mua trên đất được giao hoặc đất thuê. 

Về các phương thức tiếp cận đất đai để thực hiện các dự án đầu tư bất động sản du lịch. Theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 703/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 14/2/2020 - Hướng dẫn chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở, thì chế độ sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất đối với căn hộ du lịch, biệt thự du lịch như sau: 

Về chế độ sử dụng đất thương mại, dịch vụ: Đã được quy định tại Điều 153 của Luật Đất đai 2013, thời hạn sử dụng đất được quy định tại Khoản 3 Điều 126 của Luật Đất đai 2013. Theo đó thời hạn cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin thuê đất nhưng không quá 50 năm, đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn cho thuê đất không quá 70 năm; khi hết thời hạn, người sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất. 

Bất động sản du lịch
Pháp luật đất đai và pháp luật kinh doanh bất động sản cũng đã có quy định cho phép các tổ chức, cá nhân được đầu tư xây dựng các công trình bất động sản, trong đó có căn hộ du lịch để bán, cho thuê, cho thuê mua trên đất được giao hoặc đất thuê (Ảnh minh họa)

Về việc cấp Giấy chứng nhận: Trường hợp các dự án có công trình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch có đủ điều kiện được chuyển nhượng theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản thì việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng cho bên nhận chuyển nhượng được thực hiện theo quy định tại Điều 32 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đất đai; Khoản 22 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Về trình tự, thủ tục hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận được quy định tại Điều 70, Điều 79 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Điều 8, Điều 9 của Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ địa chính; Khoản 8 Điều 6 của Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 1 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

Như vậy, phương thức trao quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư dự án bất động sản du lịch chủ yếu là thuê đất trả tiền hàng năm hoặc thuê đất trả tiền một lần cho toàn bộ thời gian thuê. Bên cạnh phương thức này, nhà đầu tư còn có thể lựa chọn phương thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của các chủ đầu tư khác để đầu tư xây dựng phù hợp với mục đích ban đầu cũng là đầu tư dự án bất động sản du lịch.

Với sự phát triển đa dạng về loại hình bất động sản du lịch thì Bộ Xây dựng cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc quản lý đầu tư xây dựng các dự án kinh doanh bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nói riêng.

Bất động sản du lịch
Bất động sản du lich Việt Nam đang phát triển với đa dạng các loại hình sản phẩm nhưng vẫn chưa có quy định pháp luật mang tính định danh (Ảnh minh họa)

Về cơ bản các dự án về bất động sản du lịch phải thực hiện đúng quy định hiện hành của pháp luật về đất đai, đầu tư, pháp luật quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng; đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất được duyệt cũng như phù hợp với tình hình thực tế của địa phương theo từng thời kỳ.

Như vậy có thể nói hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về căn hộ du lịch đã được các cơ quan có thẩm quyền ban hành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên có thể thấy, chưa có quy định đặc thù, mang tính định danh về bất động sản du lịch. Các quy định nêu trên chưa đề cập đầy đủ về các sản phẩm bất động sản du lịch đã xuất hiện trên thị trường như nhà phố du lịch (Shoptel, Shophouse) mà mới chỉ đề cập căn hộ du lịch, biệt thự du lịch. Trong khi đó các quy định về căn hộ du lịch, biệt thự du lịch vẫn chưa được cụ thể, rõ ràng và thực tế nhiều địa phương vẫn còn lúng túng, vướng mắc trong việc quản lý đầu tư dự án và chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản du lịch. 

Pháp lý bất động sản du lịch

- Luật sư có thể phân tích rõ hơn các vấn đề còn tồn tại đã và đang gây cản trở sự phát triển của bất động sản du lịch?

Luật sư Đặng Văn Cường: Yếu tố gây cản trở sự phát triển bất động sản du lịch là hệ thống pháp luật hiện hành còn thiếu các quy định hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về bất động sản du lịch. 

Thực tế chứng minh khung pháp lý của nước ta vẫn “đi sau” so với sự phát triển của bất động sản du lịch, dẫn đến nảy sinh những tranh chấp, mâu thuẫn giữa một số chủ đầu tư và khách hàng. 

Bên cạnh đó việc quản lý giao dịch liên quan tới các sản phẩm bất động sản du lịch còn chưa thống nhất giữa các địa phương. 

Pháp lý bất động sản du lịch

Bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nói riêng là tài sản lớn của mỗi quốc gia. Giao dịch về bất động sản là giao dịch lớn, tác động đến các hoạt động kinh tế, ảnh hưởng tới an sinh xã hội. 

Sự phát triển của thị trường bất động sản sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thu hút các nguồn lực, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trong đó có vai trò lớn thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Do vậy, việc điều chỉnh bằng pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh với sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước từ điều kiện kinh doanh, hình thức giao dịch, xử lý vi phạm… là cần thiết, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực tới nền kinh tế từ hoạt động kinh doanh bất động sản du lịch. 

- Đối với loại hình bất động sản du lịch đa năng như Condotel, việc thiếu rõ ràng trong khung pháp lý đã và đang gây ra những rủi ro, hệ lụy gì đối với nhà đầu tư và thị trường?

Luật sư Đặng Văn Cường: Việc thiếu rõ ràng về khung pháp lý đã dẫn đến những xung đột, tranh chấp liên quan đến giao dịch bất động sản. Sau những tranh chấp liên quan tới bất động sản du lịch thì người dân lại có tâm lý lo lắng, e ngại đầu tư vào sản phẩm bất động sản du lịch. Việc chưa rõ ràng về pháp lý bất động sản du lịch cũng khiến nhà đầu tư cá nhân khó tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư sản phẩm này dẫn đến rất nhiều khó khăn khi tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo các hợp đồng chuyển nhượng đã ký kết.

Thứ nữa là sự khó khăn của chủ đầu tư trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho bất động sản du lịch, khó khăn do thủ tục hành chính phức tạp (ví dụ: thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng) hay khó khăn do không được hưởng các chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, tiền thuế dù đầu tư bất động sản du lịch là đầu tư lớn, chu kỳ kinh doanh dài…

Pháp lý bất động sản du lịch

- Luật sư có đề xuất, kiến nghị gì để hoàn thiện pháp lý cho bất động sản du lịch, khơi dậy tiềm năng và thúc đẩy sự phát triển của thị trường này một cách minh bạch, bền vững? 

Luật sư Đặng Văn Cường: Có thể nói, Việt Nam hội tụ đầy đủ những điều kiện thuận lợi để phát triển bất động sản du lịch. Xuất phát từ thực trạng phát triển bất động sản du lịch và khó khăn hiện tại trong việc quản lý, kinh doanh lọai hình bất động sản này thì yêu cầu cấp thiết là cần sớm hoàn thiện hành lang, khuôn khổ pháp lý để kiểm soát quyền lực Nhà nước đối với thị trường này, để thị trường vận hành một cách hợp pháp, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia giao dịch. 

Pháp lý bất động sản du lịch

Đầu tiên cần phải có quy định pháp luật cụ thể, định danh về bất động sản du lịch và các loại hình sản phẩm bất động sản du lịch, làm rõ đặc tính, mục đích phục vụ du lịch; quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, quản lý, vận hành đối với mỗi loại hình. Bổ sung vào Điều 48 Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn liên quan quy định về nhà phố du lịch (shoptel).

Tiếp đó là các quy định về trình tự, thủ tục cấp phép, giao đất, quản lý đầu tư dự án phát triển bất động sản du lịch. Quy định về hình thức xác lập, giao dịch từng loại sản phẩm, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia giao dịch; việc chi trả, cam kết lợi nhuận, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để tạo tâm lý tin tưởng, yên tâm cho các nhà đầu tư và khách hàng. Quy định về quyền sở hữu bất động sản du lịch của người nước ngoài và chính sách ưu đãi đối với đầu tư bất động sản du lịch (về vốn vay, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chính sách thuế; chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật xung quanh các dự án bất động sản du lịch để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả khai thác dự án; chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài,..) cũng rất cần thiết nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của đất nước, thu hút đầu tư, thu hút ngoại tệ về cho đất nước. 

Ngoài ra, cần phải hoàn thiện, thống nhất quy định giữa Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản về phương thức quản lý các bất động sản đa công năng và hình thức sử dụng đất phù hợp với mỗi loại hình.

Việc hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản du lịch là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy thị trường phát triển tự do, minh bạch, lành mạnh, giúp khai thác tối đa lợi thế của bất động sản du lịch, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

- Với đặc tính của bất động sản du lịch thường tập trung ở những vùng có tiềm năng du lịch như biển, rừng, các địa danh thắng cảnh đẹp hoặc có các dấu ấn độc đáo, riêng biệt của vùng, miền…, theo ông, có nên quy hoạch riêng, đặc thù đối với loại đất để phát triển bất động sản du lịch?

Luật sư Đặng Văn Cường: Đất đai là tài nguyên quan trọng do đó việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là rất cần thiết. Việc phát triển bất động sản du lịch, bên cạnh phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thì cũng cần phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. 

Về lâu dài, theo tôi cần quy hoạch riêng loại đất để phát triển bất động sản du lịch với tầm nhìn dài hạn để việc phát triển loại hình này trong khuôn khổ, tránh việc các địa phương phát triển bất động sản tràn lan một cách bất hợp lý mà không nghiên cứu kỹ về tiềm năng, địa lý, khí hậu…dẫn đến nguồn cung dư thừa, không hiệu quả, thậm chí còn thiệt hại về kinh tế.

Bất động sản du lịch

- Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, luật sư có đề xuất giải pháp gì cho Việt Nam để phát triển thị trường bất động sản nghỉ dưỡng lành mạnh và bền vững hơn? 

Luật sư Đặng Văn Cường: Hiện nay trên thế giới, bất động sản du lịch là loại hình đã phát triển khá mạnh với chính sách mở, thông thoáng.

Rất nhiều quốc gia đang có chính sách khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản để thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Tại Châu Á các quốc gia phát triển thị trường bất động sản có thể kể đến Nhật Bản, Hong Kong, Singapore,... Các quốc gia này cho phép người nước ngoài mua bất động sản trong đó có bất động sản du lịch kèm theo chế độ lưu trú dài hạn bằng chính sách visa định cư. 

Nước ta có thể tiến tới nghiên cứu, xây dựng các chính sách, điều kiện thông thoáng hơn để phát triển thị trường bất động sản du lịch, tuy nhiên phải hoạch định cụ thể và có tính toán rõ ràng. Về quyền mua bất động sản du lịch của người nước ngoài thì cần nghiên cứu các loại bất động sản nào hạn chế người nước ngoài mua, sở hữu hoặc không được phép, mua sở hữu tại Việt Nam. 

Bất động sản du lịch

- Ngoài ra, theo luật sư, các doanh nghiệp bất động sản du lịch gặp khó khăn do dịch bệnh cần được hỗ trợ như thế nào về mặt chính sách để sớm phục hồi và tăng trưởng bứt phá trở lại?

Luật sư Đặng Văn Cường: Dịch bệnh Covid-19 thời gian qua ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế đất nước, một trong số đó là các doanh nghiệp bất động sản và ngành du lịch. Việc sớm nghiên cứu hoàn thiện pháp luật là tất yếu khách quan, nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại và đáp ứng những nhu cầu của tương lai.

Ngoài ra để hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản du lịch sớm phục hồi thì có thể nghiên cứu, ban hành các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp bất động sản du lịch về vốn vay, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chính sách thuế. Bên cạnh đó là chính sách xúc tiến hoạt động du lịch nội địa trước khi đất nước có thể mở cửa đón khách quốc tế.

Tới đây Luật Đất đai 2013 cũng sẽ được sửa đổi, tạo điều kiện phát triển cho thị trường bất động sản, giải quyết nhiều bất cập trong thời gian vừa qua. Khi có được hệ thống pháp luật điều chỉnh đầy đủ, rõ ràng, thống nhất và hiệu quả thì sẽ khơi thông được thị trường bất động sản, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển dự án, đảm bảo huy động được nguồn lực đất đai cũng như đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước phục vụ cho đầu tư phát triển đất nước, ổn định an sinh xã hội./.

- Trân trọng cảm ơn luật sư!

 
11/03/2021 11:41
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top