Dự án Belleville Hà Nội là dự án khu nhà phố thương mại (shophouse) được xây dựng trên lô đất B4, KĐT Nam Trung Yên, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Dự án có quy mô 66 lô chia làm 1 khu liền kề và 3 khu shophouse với diện tích khoảng khoảng 120 - 270m2.
Biến đổi mục đích sử dụng quỹ đất
Thực tế, lô đất B4 Nam Trung Yên ban đầu nằm trong chuỗi kế hoạch thí điểm cải tạo và xây dựng lại Khu tập thể Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Theo đó, tháng 8/2008, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận về nguyên tắc cho Công ty Handico 7 khai thác quỹ đất có diện tích 15.747 m2 tại ô đất này để tạo nguồn thu hỗ trợ thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ.
Thế nhưng, sau nhiều năm triển khai, trên các lô đất đã cấp cho chủ đầu tư, nhiều dự án mang đậm tính thương mại mọc lên, còn dự án Cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ vẫn luôn cầm chừng và dần đi vào quên lãng.
Đến tháng 6/2009, UBND TP. Hà Nội có quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Tây Nam Hà Nội tại ô đất ký hiệu B4.
Cụ thể, 10.747m2 (trong tổng số 15.747 m2 của ô đất B4), được điều chỉnh thành chức năng công trình hỗn hợp bao gồm: văn phòng, dịch vụ, thương mại và nhà ở chung cư. Tuy nhiên, dự án vẫn tiếp tục bị trì trệ do Handico 7 không thể hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước.
Đầu năm 2016, dự án đã được liên doanh với Công ty CP phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm, Công ty con của Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex để đầu tư dự án. Ngay sau đó, 10.747m2 đất văn phòng, dịch vụ, thương mại và nhà ở chung cư trên lô đất B4 Nam Trung Yên đã được chuyển đổi thành khu nhà phố thương mại thấp tầng với lợi nhuận cao hơn.
Ẵm hàng nghìn tỷ đồng thuế từ chuyển đổi quy hoạch
Thay vì thực hiện thu hồi và đấu giá lại để thực hiện chủ trương tạo nguồn thu cho Dự án cải tạo và xây dựng lại Khu tập thể Nguyễn Công Trứ như mục đích ban đầu, ngày 19/9/2016, UBND TP Hà Nội đã có quyết định 5081 chấp thuận cho liên doanh Công ty Bắc Từ Liêm và Công ty Handico thực hiện. Việc điều chỉnh mục đích sử dụng đất đã gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng của nhà nước, bên cạnh đó, dự án lợi ích xã hội ban đầu cũng không còn được thực hiện.
Hơn nữa, việc chuyển nhượng từ quy hoạch xây dựng công trình cao tầng thành dự án xây dựng nhà thấp tầng cũng yêu cầu các chủ đầu tư tính toán lại thuế sử dụng đất theo cách tính của nhà thấp tầng tương đương giá thị trường. Theo đó, hàng nghìn tỷ đồng thuế đã ẵm trọn vào túi chủ đầu tư.
Sau khi dự án được chủ đầu tư thông báo khởi công xây dựng ngày 7/10/2016, nhiều thông tin về việc Belleville được xây dựng khi chưa có giấy phép đã rộ lên.
Để phản pháo cho thông tin này Công ty Bắc Từ Liêm đã đưa ra bằng chứng cấp phép xây dựng của Quận Cầu Giấy, thế nhưng trên thực tế ngày 10/10, UBND TP. Hà Nội mới ban hành Quyết định 5642 yêu cầu chủ đầu tư phải: “Liên hệ với Sở Xây dựng để hướng dẫn thủ tục cấp phép xây dựng theo quy định”.
Belleville tiếp tục lách thuế
Một thời gian dài ngủ đông không tiến triển, sau khi quy hoạch thành dự án mới, Belleville lại đi vào thi công thần tốc. Chỉ trong vòng 1 năm, dự án cơ bản đã xây xong phần thô, dự kiến vài tháng tới sẽ bàn giao sản phẩm hoàn thiện.
Theo Luật Nhà ở, nhà ở thương mại là nhà ở được đầu tư xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua theo cơ chế thị trường, không được phép hình thành đơn vị ở. Nhưng trên mạng hiện nay rất nhiều các thông tin mời chào mua shophouse tại Belleville Hà Nội với cam kết có sổ đỏ sau 2 tháng bàn giao, nhà ở thương mại đang được chào bán như nhà ở đơn thuần.
Tìm hiểu thông tin từ một môi giới, các căn hộ ở đây có mức giá 23 đến 36 tỷ đồng một căn. Tuy nhiên nếu như người mua với tư cách đứng tên công ty, cần các giấy tờ thủ tục chứng minh thì họ không thực hiện giao dịch. Lý do người môi giới này đưa ra là mức giá ở đây rất cao, nếu như thực hiện đúng quy trình trên hợp đồng thì sẽ không có lợi cho cả chủ đầu tư và khách mua, mức thuế phải đóng là rất lớn.
Theo đó, số tiền mua bán trong hợp đồng và số tiền khách hàng phải trả chênh lệch nhau rất nhiều. Thậm chí giá chênh khách hàng phải thanh toán qua trung gian cho chủ đầu tư lên đến 18 tỷ đồng. Như vậy, tính toán sơ bộ, chủ đầu tư đã đút túi hàng nghìn tỷ đồng mà không cần nộp thuế.
Chủ đầu tư có “tín”?
Mô hình shophouse đang được săn đón trên thị trường bất động sản, với đặc điểm thuận tiện cho các hoạt động kinh doanh thương mại, hơn nữa, Belleville nằm ở vị trí đắc địa, thuận tiện trong giao thông, kinh tế nhất quận Cầu Giấy nên hầu hết các căn hộ đều đã có chủ, chỉ còn rất ít căn hộ còn trống.
Tuy nhiên, với hợp đồng mua bán có mức chênh lệch cao như ở đây, thì rủi ro đi kèm cũng rất cao. Trong trường hợp nếu xảy ra tranh chấp với chủ đầu tư, khách hàng sẽ khó lòng bảo vệ quyền lợi và tài sản mà mình đã chi ra.
Về phía chủ đầu tư, ngay sau khi ra mắt thương hiệu bất động sản Vimefulland, doanh nghiệp liền công bố 8 dự án lớn đi kèm gồm The Emerald Mỹ Đình, The Eden Rose, Iris Garden Trần Hữu Dực… Tuy nhiên, vài dự án trong số đó cũng đang vướng phải nghi vấn chưa đủ điều kiện pháp lý đã mở bán.
Hiện Tập đoàn Dược phẩm này cũng đang gánh một khoản vay tín chấp ở các ngân hàng lên đến 1.000 tỷ đồng. Các công ty con của Vimedimex cũng đang gánh số nợ 3.000 tỷ đồng.