Gói 120.000 tỷ đồng: Nếu thiết kế chính sách theo kiểu “bắt cá leo cây“ thì nguy!

Gói 120.000 tỷ đồng: Nếu thiết kế chính sách theo kiểu “bắt cá leo cây“ thì nguy!

Ngọc Nữ
Ngọc Nữ nunn3006@gmail.com
Thứ Sáu, 24/02/2023 - 06:06

Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, đối với gói hỗ trợ lãi suất 120.000 tỷ đồng mới được Ngân hàng Nhà nước công bố, yếu tố căn bản quyết định tính hiệu quả trong thực thi sau này là điều kiện cho vay.

***

Sau Hội nghị “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” do Thủ tướng chủ trì sáng 17/2, thông tin về gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết cơ quan này đã họp với 4 ngân hàng thương mại nhà nước, thống nhất dành một gói tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản áp dụng với cả người xây dựng và người mua nhà với lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.

"Chúng tôi sẽ thông báo cho các ngân hàng khác, nếu các ngân hàng khác tham gia thì gói này có thể sẽ được nhiều hơn", Thống đốc nói và cũng cho biết, trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng tham gia bị thiếu hụt về thanh khoản thì Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tái cấp vốn để triển khai tiếp.

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo: Đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện và thực hiện có hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được. Vừa giải quyết vấn đề trước mắt, vừa xử lý các vấn đề lâu dài.

Đã có những kỳ vọng nhất định về động thái của Ngân hàng Nhà nước trong việc hỗ trợ thị trường bất động sản đang trầm lắng và có nguy cơ rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên, cũng không ít câu hỏi được đặt ra xoay quanh các “biến số” của gói 120.000 tỷ đồng này, từ việc thiết kế chính sách đến thực thi để đạt được hiệu quả như mong muốn.

Reatimes đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Ngô Trí Long - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Đại học Thành Đông; nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) về gói hỗ trợ này.

Gói 120.000 tỷ đồng
Không ít câu hỏi được đặt ra xoay quanh các “biến số” của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho thị trường bất động sản. (Ảnh minh họa: BVD/Reatimes)

ĐẶT RA ĐIỀU KIỆN "TRÊN MÂY, TRÊN GIÓ" THÌ KHÓ CẢ ĐÔI!

PV: Thưa chuyên gia, có thể hiểu như thế nào về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho thị trường bất động sản được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản mới đây?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Về bối cảnh chung, thực tế hiện nay thị trường bất động sản có rất nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc đang cần được tháo gỡ.  

Trong đó, đầu tiên phải nói đến tính pháp lý. Hiện nay, rất nhiều dự án đang triển khai dang dở, tính thanh khoản rất thấp, doanh nghiệp không bán được hàng, trong khi “quả bom” trái phiếu “nổ” tới nơi. Chính vì thế, doanh nghiệp nào yếu pháp lý thì cần được giải quyết về mặt pháp lý, nhấn mạnh là cần giải quyết một cách nhanh gọn, bởi vì pháp lý có thông thì ngân hàng mới cho vay.

Một yếu tố quan trọng khác cũng đang gặp nhiều khó khăn là dòng tiền. Bất động sản mà không có dòng tiền thì sẽ “bất động”, rất nguy hiểm.

Đã có không ít cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước với các doanh nghiệp bất động sản. Ngân hàng Nhà nước luôn khẳng định không có văn bản thông tư nào chỉ đạo siết chặt cho vay với bất động sản, các ngân hàng không “khóa hầu bao”, không làm khó doanh nghiệp; nếu doanh nghiệp có dự án tốt, đáp ứng đủ điều kiện thì ngân hàng vẫn cho vay. Tuy nhiên thực tế là doanh nghiệp phản ánh vẫn rất khó tiếp cận.

Chưa kể, hiện nay niềm tin của nhà đầu tư vào bất động sản cũng như vào trái phiếu bất động sản rất mong manh, dẫn đến khó khăn về nguồn vốn huy động.

Trước những áp lực trên thị trường, ngân hàng và doanh nghiệp chưa gặp nhau về mặt quan điểm, mỗi bên có lý lẽ riêng. Vừa qua, lần thứ 2 Thủ tướng chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, với sự tham gia của các bên và tại đây, Ngân hàng Nhà nước đề xuất gói hỗ trợ lãi suất 120.000 tỷ đồng.

Vậy thì đối với gói tín dụng này, tôi cho rằng quan trọng nhất là cần trả lời câu hỏi điều kiện cho vay như thế nào. Đặc biệt, điều kiện cho vay cần có tính khả thi. Bởi nếu đặt ra điều kiện khó khăn thì “bảo cá leo cột, cá cũng không leo được”.

PV: Triển khai gói hỗ trợ này, cơ hội và thách thức đối với hệ thống ngân hàng cũng như các doanh nghiệp bất động sản là gì, thưa ông?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Nguồn vốn cho thị trường bất động sản có 6 kênh, trong đó 2 kênh quan trọng nhất là vốn từ ngân hàng, các tổ chức tín dụng và phát hành trái phiếu.

Có thể nói, cơ hội sẽ đến từ việc ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, tác động qua lại hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển.

Đối với ngân hàng, trong bối cảnh hiện nay, họ huy động và nắm giữ được nguồn tiền tương đối lớn, mà nếu không để dòng tiền vận động, tạo đầu ra thì ngân hàng cũng không đạt hiệu quả bền vững như mong muốn. Trong khi đó, bất động sản là đối tượng cần có nguồn vốn lớn để hoạt động, mỗi dự án đầu tư rất nhiều tiền.

Tất nhiên cũng phải nhìn nhận rằng, đầu ra của ngân hàng không chỉ có bất động sản mà còn bao gồm nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề khác. Tuy nhiên, có thể nói đầu ra với bất động sản là lớn nhất, có tính chất quan trọng hàng đầu đối với ngành ngân hàng. Bởi, doanh thu đem lại cho ngân hàng từ các ngành nghề khác thường sẽ không bằng được so với ngành có giá trị cao như bất động sản.

Vì thế, hoạt động hỗ trợ từ hệ thống các ngân hàng nếu đạt hiệu quả, gỡ khó kịp thời cho các doanh nghiệp bất động sản, thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi thì ngân hàng cũng sẽ hưởng lợi.

Ngược lại, nói về thách thức, đối với các ngân hàng, cũng cần thông cảm bởi dù Ngân hàng Nhà nước không chỉ đạo cụ thể về việc phải thắt chặt hầu bao, nhưng các ngân hàng thương mại cũng là một doanh nghiệp kinh doanh, họ vẫn phải đảm bảo tiêu chí an toàn của mình vì những lo ngại về nợ xấu. Cũng sẽ rất khó cho ngân hàng nếu cho các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, không có tính khả thi vay. Cho vay mà ngân hàng mất cả chì lẫn chài thì cũng rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó, hiện nay thị trường tiền tệ cũng có những ảnh hưởng rất lớn, vấn đề niềm tin trên thị trường còn yếu, nên các ngân hàng cũng rất thận trọng. Hơn nữa, họ cũng thực hiện nhiều chức năng nhiệm vụ của mình, như kiểm soát lạm phát nên hút tiền về rất lớn, chứ không phải dư thừa gì. Vì thế, tính thanh khoản, việc đẩy tiền ra ở mức độ nào cũng cần cân nhắc.

Còn đối với doanh nghiệp bất động sản, khi nguồn vốn trái phiếu đang gặp khó khăn, các đề xuất mới sửa đổi Nghị định 65 có giải quyết được vấn đề hay không còn đang là dấu hỏi, thì để trông chờ vào ngân hàng là kênh dẫn vốn chủ yếu, doanh nghiệp bất động sản cũng cần chủ động sắp xếp lại, tái cơ cấu lại làm sao đáp ứng được những yêu cầu, điều kiện cho vay từ phía ngân hàng.

Giả dụ, doanh nghiệp triển khai cùng lúc hàng chục dự án, tính thanh khoản kém, dự án không có đầu ra thì ngân hàng cũng khó có thể cho vay. Cho nên, mỗi bên đều cần biết được điều gì phù hợp với thực tế và không thể đòi hỏi thay đổi chỉ đến từ một phía.

Tóm lại, quan trọng nhất vẫn là ngân hàng phải đưa ra được điều kiện cho gói hỗ trợ, điều kiện này phải có tính khả thi đối với doanh nghiệp bất động sản.

MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG: NÊN HAY KHÔNG?

PV: Theo thông tin đến thời điểm hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này chủ yếu nên dành cho doanh nghiệp và người mua nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.

Theo ông, đối tượng áp dụng và mức độ giảm lãi suất như vậy có phù hợp trong bối cảnh thị trường hiện tại không?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Tôi cho rằng, nhìn chung đây là ý tưởng tốt. Về đối tượng áp dụng, trên thị trường hiện nay rất khan hiếm nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Cả hệ thống chính trị hiện nay cùng vào cuộc để làm sao tìm giải pháp gỡ khó cho phân khúc này, thúc đẩy nguồn cung sản phẩm trên thị trường, giải quyết nhu cầu ở thực cho người dân.

Tại Hội nghị gỡ khó cho thị trường bất động sản vừa qua, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất gói 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2016). Ngoài hệ thống các ngân hàng thương mại ra, còn có Ngân hàng Chính sách xã hội cũng tham gia tích cực vào hỗ trợ. Bên cạnh những chính sách, điều kiện về tín dụng thì còn nhiều mặt hỗ trợ khác như chính sách đất đai, chính sách thuế…

Về mức độ hỗ trợ lãi suất từ 1,5-2%, xét trên lãi suất hiện tại, sau khi giảm rồi sẽ ở mức trên dưới 10%, có thể sẽ vẫn là khó khăn với các đối tượng ở cả phía cung và cầu liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Bởi nhìn từ đối tượng phía cung là doanh nghiệp, làm nhà ở xã hội thì không có lãi nhiều, chi phí đầu vào cao mà lại bị khống chế giá bán ra sẽ ảnh hưởng đến yếu tố lợi nhuận trong kinh doanh của họ. Đó cũng là vấn đề cần xem xét khi phía ngân hàng thiết kế chính sách.

Tất nhiên, ngược lại, vấn đề quan trọng nhất hiện tại là doanh nghiệp đang thiếu vốn, cho nên giảm được bao nhiêu cũng là quý, có vẫn hơn không. Mức độ 1,5-2% có thể doanh nghiệp cũng sẽ chấp nhận được vì bên cạnh chính sách ưu đãi tín dụng, còn có ưu đãi về tiền thuê đất, chính sách thuế.

Còn nhìn từ đối tượng phía cầu là người mua nhà, tôi cho rằng, mức giảm 1,5-2% có thể sẽ khó thực thi vì người dân thuộc đối tượng chính sách xã hội, người nghèo sẽ khó theo được.

Gói tín dụng 120.000 tỷ

Đối tượng áp dụng của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có thể cân nhắc phương án mở rộng thêm cho nhà ở thương mại giá thấp. (Ảnh minh họa)

PV: Chính vì vậy, đối tượng áp dụng của gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng này nên ưu tiên hơn đối với nhà ở thương mại giá thấp?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Tôi cho rằng đây là một phương án có thể cân nhắc, mở góc nhìn rộng ra chứ không chỉ bó hẹp vào áp dụng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Bởi nhà ở thương mại giá thấp cũng có nhu cầu rất lớn trên thị trường nhưng nguồn cung lại tương đối khan hiếm, trong khi đối tượng mua nhà giá thấp cũng gần sát ngưỡng với đối tượng chính sách, hoặc khá hơn một chút. Cho nên, trong các phân khúc sản phẩm của bất động sản, thị trường đang ách tắc ở phân khúc nào thì tháo ở phân khúc đó.

Với phương án mở rộng đối tượng, việc cần làm là tháo gỡ cho nhiều hơn các doanh nghiệp bất động sản, chứ không chỉ doanh nghiệp làm nhà ở xã hội. Gỡ được chỗ này với 1-2 phân khúc đáp ứng nhu cầu thực thì sẽ tạo được cú hích thay đổi toàn bộ hệ thống, giải quyết được tình trạng ảm đạm của thị trường, bất động sản sẽ có điều kiện để phục hồi, ổn định trở lại.

PV: Ở bối cảnh hiện tại, theo ông việc phân bổ vốn của gói 120.000 tỷ đồng như thế nào cho hợp lý giữa doanh nghiệp làm dự án và người mua nhà?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vay là kích cung, còn cho người mua nhà ở vay là kích cầu. Trong bối cảnh hiện tại, cần xem xét mất cân đối ở khâu nào, thiếu cung thì tăng cường cho bên cung, còn nếu mất cân đối theo hướng có cung mà không có cầu thì lại phải kích thích ngược lại.

Như đi khám bệnh, phải biết mắc bệnh gì mới có hướng điều trị cụ thể. Vậy thì ở đây cũng phải xem xét thận trọng và cụ thể, chứ khó có thể “phán” một cách chung chung, một gói hỗ trợ đưa ra cũng không thể nói vừa kích cung, vừa kích cầu.

Thống đốc đưa vấn đề ra như vậy, các ngân hàng thương mại cần khảo sát, nghiên cứu thị trường, đồng thời có thể phối hợp với các cơ quan chuyên trách khác như Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng để nghiên cứu, rồi trên cơ sở đó mới đề ra giải pháp.

Đây là vấn đề cần phân tích, tính toán một cách kỹ lưỡng. Các ngân hàng cần thiết kế chính sách hợp lý trong từng thời điểm, bối cảnh của thị trường. Còn nếu chỉ đưa ra một gói chung chung, không có mục tiêu, định hướng triển khai cụ thể thì sẽ rất mệt mỏi cho các bên mà không đem lại được hiệu quả như mong muốn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nói “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Do đó, cả 2 bên đều cần cân đối sao cho hài hòa và phù hợp, bởi đây là một cuộc cộng sinh.

"THEN CHỐT" LÀ THIẾT KẾ CHÍNH SÁCH KHẢ THI

PV: Gói hỗ trợ lãi suất 120.000 tỷ đồng này có thể được coi là một giải pháp trong ngắn hạn không, thưa chuyên gia? Có ý kiến cho rằng đây là giải pháp trong ngắn hạn, còn gói 110.000 tỷ đồng được Bộ Xây dựng đề xuất là giải pháp trong dài hạn.

PGS.TS. Ngô Trí Long: Đúng vậy, tôi cho rằng đây là quan điểm hoàn toàn chính xác. Vì nhà ở xã hội luôn luôn cần, lúc nào cũng cần, trong khi trước mắt thị trường bất động sản chưa đóng băng nhưng đã gần như “bất động”. Trong bối cảnh thị trường giảm sâu như vậy, cần có biện pháp xử lý trước mắt, cấp bách, có đề án để triển khai và có thể thực hiện ngay.

PV: Nói về gói hỗ trợ lãi suất, nhiều người dễ liên tưởng đến gói hỗ trợ lãi suất 2% trị giá 40.000 tỷ đồng để thúc đẩy phục hồi sau dịch Covid-19, trong đó mục tiêu hỗ trợ của gói này cũng có các doanh nghiệp thực hiện dự án xây nhà ở xã hội; nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ…

Tuy nhiên, gói này giải ngân không được như kỳ vọng, còn nhiều vướng mắc. Liệu có lo ngại về việc gói 120.000 tỷ lần này cũng sẽ lặp lại tình trạng như vậy?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Như tôi đã đề cập, thực thi được hay không quan trọng là do điều kiện đưa ra. Đưa ra theo kiểu “bắt cá leo cây” thì nguy, không bao giờ làm được. Cho nên, như gói hỗ trợ lãi suất 2% trị giá 40.000 tỷ đồng, phải tính toán phương án hạ bớt tiêu chuẩn đi.

Những điều kiện cho vay đặt ra mà doanh nghiệp đang kêu trời và gặp vướng mắc nhiều nhất là ở 3 yếu tố: Một là, phải hoàn thành xong nghĩa vụ tài chính; hai là, doanh nghiệp phải hoàn thành nộp tiền sử dụng đất, cũng có những doanh nghiệp gặp khó khăn ở khâu này; và ba là, phải có giấy phép xây dựng; cùng với một số điều kiện khác nữa. Vậy thì căn bản là điều kiện đặt ra như thế nào để thực thi gói hỗ trợ, ngân hàng nên xem xét tháo gỡ và cân đối về tính khả thi của các yếu tố.

Làm sao để vừa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, vừa đáp ứng được yếu tố đảm bảo an toàn cho phía ngân hàng, theo hướng doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả thì tránh được rủi ro nợ xấu cho ngân hàng. Còn doanh nghiệp thì cần đáp ứng những điều kiện được đánh giá là có tính khả thi, như hoạt động có hiệu quả, có khả năng trả nợ…

PV: Suy cho cùng, làm sao để có thể triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng này một cách hiệu quả và khả thi nhất, thưa ông?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Tôi tạm ví thị trường như đang bên bờ vực thẳm, các chính sách hỗ trợ nếu chậm thì sẽ rất nguy hiểm cho thị trường. Doanh nghiệp ngừng hoạt động sẽ tạo ra hệ lụy rất lớn. Cho nên, trong bối cảnh cấp bách như hiện nay, thứ nhất là cần phải triển khai vào đúng đối tượng, lựa chọn đối tượng hợp lý; thứ hai là triển khai một cách kịp thời, sớm; và thứ ba là thiết kế chính sách để triển khai với tính khả thi cao.

Về đối tượng, cần phân tích bên cầu hay bên cung cần hỗ trợ, với tỷ lệ như thế nào, từ đó để thiết kế chính sách. Đối tượng cho vay áp dụng cho nhà ở xã hội hay mở rộng cho cả nhà ở thương mại; nếu là nhà ở thương mại thì áp dụng cho phân khúc nào, bình dân hay trung cấp, liền kề hay chung cư…

Về thời điểm, hiện tại thị trường có thể nói là đang “cấp cứu” rồi. Chính sách được đưa ra có điểm rơi tốt sẽ là cú hích thúc đẩy thị trường phục hồi.

Nói như vậy để hiểu rằng, các cơ quan làm chính sách cần hoạch định, xây dựng phương án rất cụ thể, mọi tiêu chí đều cần rất rõ ràng, tránh tình trạng đưa ra chính sách một cách chung chung.

Và cũng không có nghĩa là chỉ có doanh nghiệp và ngân hàng tự tháo gỡ với nhau, mà bên cạnh đó cần triển khai nhiều giải pháp động bộ thuộc vai trò của cả những cơ quan khác nữa, ví như Bộ Xây dựng cần cấp phép như thế nào để đẩy nhanh tiến độ hơn khi mà doanh nghiệp phản ánh là khó khăn.

Tóm lại, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, các cơ quan quản lý chuyên trách từng lĩnh vực.

PV: Thực tế nhiều năm qua cho thấy, các cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư xây nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cũng liên tục được sửa đổi, bổ sung theo hướng hoàn thiện, tăng thêm ưu đãi, nhưng ý kiến một số doanh nghiệp cho rằng, trên lý thuyết là vậy nhưng thực tế thì không phải vậy. Các ưu đãi, chính sách ưu tiên vẫn được Nhà nước xem xét, bổ sung song đến khi thực thi lại là một câu chuyện khác.

PGS.TS. Ngô Trí Long: Khi tôi dự các cuộc họp với doanh nghiệp, họ phát biểu rằng chính sách thì doanh nghiệp không lo, mà lo nhất là khâu thực thi chính sách. Tại sao lại có mâu thuẫn như vậy, sở dĩ là bởi từ chính sách đề ra đã không khả thi, không sát với thực tế. Chính sách được đưa ra rất hay, nhưng tính khả thi lại rất thấp, cuối cùng lại khó triển khai để đưa chính sách vào cuộc sống. Nếu chính sách định ra đúng sát với thực tế thì thực thi sẽ rất dễ.

So với gói hỗ trợ lãi suất 2% trị giá 40.000 tỷ đồng trước đây, gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước mới công bố là do các ngân hàng tự đứng ra. Trong bối cảnh khó khăn, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, phía ngân hàng nhận thấy doanh nghiệp đang khó khăn, mà 2 bên cùng gắn bó với nhau, doanh nghiệp vay được làm được, có đầu ra thì ngân hàng cũng hưởng lợi ích.

Cho nên, triển khai chính sách từ ý tưởng của những người trong cuộc thì có khả năng tính khả thi sẽ cao hơn, tốt hơn. Nếu điều kiện đáp ứng được cả 2 bên, thì mới có thể đem lại hiệu quả. Đặt ra điều kiện “trên mây, trên gió” thì khó cả đôi.

Nếu được thiết kế với tính khả thi cao, triển khai và thực thi tốt, gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ đồng sẽ tháo gỡ không ít khó khăn cho bất động sản. (Ảnh minh họa)

PV: Ông kỳ vọng ra sao về tính khả thi trong thực thi chính sách này?

PGS.TS. Ngô Trí Long: Nhìn chung, thời điểm hiện tại để nói về kỳ vọng, tôi cho rằng cũng vẫn là hơi sớm. Để có thể đánh giá được hay đặt ra kỳ vọng thì cần xem xét rất cụ thể.  

Về mặt chủ trương, ý tưởng, có thể nói là rất tốt, rất hay, đúng thời điểm. Nếu được triển khai và thực thi tốt thì sẽ tháo gỡ không ít khó khăn cho bất động sản - một lĩnh vực rất quan trọng, không những tạo ra GDP mà còn liên quan trực tiếp đến gần 40 ngành nghề, lĩnh vực quan trọng khác và nhiều ngành, nghề bổ trợ, tác động gián tiếp.

Chính sách đưa ra lúc nào cũng phải đề ra mục tiêu, mà để đạt được mục tiêu thì cần có biện pháp cụ thể với những phương án cụ thể. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại chưa công bố phương án như thế nào, nhưng cũng tạo ra những kỳ vọng nhất định cho cộng đồng doanh nghiệp, xã hội.

Kỳ vọng có trở thành hiện thực hay không, mức độ lòng tin là bao nhiêu phần trăm thì cần chờ thêm để xem phương án cụ thể từ cả phía ngân hàng, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan khác cùng góp sức vào nữa. Còn mới đưa ra đề xuất mà nhận định ngay như thời điểm hiện tại thì sẽ “võ đoán”, cảm tính. Cần thúc đẩy quá trình hoạch định chính sách để cho ra được những điều kiện cụ thể, những phương án cụ thể càng sớm càng tốt thì mới có căn cứ triển khai được.

PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của chuyên gia!

Thế Công
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top