Gốm Vĩnh Long - Hồn cốt trăm năm tình đất và người
Tối 16/11, tại Làng nghề sản xuất gạch, gốm kênh Thầy Cai, huyện Măng Thít, đã diễn ra lễ khai mạc "Festival gạch gốm đỏ - kinh tế xanh tỉnh vĩnh long lần thứ I năm 2024". Đồng thời, công bố Quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng Khu lò gạch, gốm huyện Mang Thít đến năm 2045 và công bố tiếp Quyết định phê duyệt kết quả cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Dọc Kênh Thầy Cai - Nối dòng sông Cổ Chiên, nghề làm gạch gốm nơi đây gắn chặt với những câu chuyện mưu sinh để tạo một "Vương quốc gạch gốm đỏ" với lịch sử trăm năm. Trải qua bao biến cố thăng trầm và đổi thay của thời cuộc, người dân nơi đây vẫn bám đất giữ nghề qua nhiều đời. Những kỹ thuật được truyền lại theo năm tháng đã trở nên điêu luyện, từ tảng đất thô sơ qua bàn tay tài hoa của người thợ đã trở thành những sản phẩm hữu ích, làm đẹp cho đời. Những viên gạch - ngói đầu tiên được hình thành đã gắn chặt với những giọt mồ hôi và tình cảm của người thợ ngày đêm bên lò nung rực lửa.
Từ những lò gạch nhỏ lẻ ban đầu, một "Vương quốc gạch gốm đỏ" đã dần hiện lên, trở thành niềm tự hào của người dân Mang Thít bên dòng kênh Thầy Cai nói riêng và nhân dân Vĩnh Long nói chung.
Di sản làng nghề - tinh hoa làng nghề gạch gốm
Vĩnh Long nằm ở trung tâm ĐBSCL được bao bọc bởi 2 dòng sông Tiền và sông Hậu. Là nơi hội tụ của nhiều dòng chảy văn hóa, trải qua gần 300 năm đã hình thành một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng có vai trò quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh nhà.
Với khát vọng bảo tồn và phát triển của những con người tâm huyết với đất, với nghề. Trải qua những vất vả, thăng trầm trong cuộc sống nhưng họ vẫn quyết tâm bám nghề, một lòng với những di sản mà cha ông để lại. Biến ước mơ nhỏ từ những viên gạch đỏ để xây dựng nên những công trình vĩ đại, mang đến sự phồn thịnh của nghề truyền thống Gạch Gốm đỏ Mang Thít - Vĩnh Long.
Tại lễ khai mạc, ông Bùi Văn Nghiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long chia sẻ, với mong muốn đưa làng nghề truyền thống của địa phương trở thành điểm du lịch hấp dẫn, tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức "Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024" quy mô cấp khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long cùng với sự tham gia của Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khu vực miền Trung, miền Bắc.
Bênh cạnh đó, tiếp tục tôn vinh tinh thần lao động cần cù, sáng tạo và bàn tay khéo léo qua bao thế hệ của người dân Vĩnh Long từ trên 100 năm nay; nơi đây còn là vùng đất với những con người phóng khoáng, mộc mạc, chân tình của vùng đất trung tâm Tây Nam Bộ trong cái nôi chung gắn kết các vùng, miền trong cả nước cùng kiến tạo, phát triển; là tâm huyết của thế hệ đi sau mong muốn giữ gìn một làng nghề truyền thống vốn chỉ có trên vùng đất này; và hơn hết đây là kết tinh của mong ước "Vương quốc gạch gốm đỏ" sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, để những lò gạch rêu phong, cổ kính mang nền văn hóa Vĩnh Long đến với mọi miền đất nước. Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 nhằm triển lãm, giới thiệu, quảng bá những thành tựu và tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực, góp phần thu hút đầu tư, tăng cường liên kết vùng, tìm kiếm cơ hội lan tỏa đến các thị trường trong và ngoài nước.
Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh
Festival Gạch Gốm đỏ - Kinh tế xanh được tổ chức nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương Vĩnh Long nói chung và quảng bá những tiềm năng, lợi thế của vùng "Di sản đương đại" Mang Thít nói riêng nhằm phát triển du lịch xanh, kinh tế xanh, cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng nơi đây.
Ông Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh tế Xanh không chỉ là một sự kiện văn hóa, mà còn là cơ hội để Vĩnh Long giới thiệu hình ảnh về một nền kinh tế xanh, bền vững, một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Hy vọng, thời gian tới, nghề gạch gốm đỏ sẽ phát triển lên một tầm cao mới, sản phẩm sẽ đa dạng, phong phú, tinh xảo, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt hơn và vươn xa ra thế giới. Những lò gạch đỏ sẽ trở thành những lâu đài rực rỡ, lung linh dưới ánh mặt trời nơi đây, không những tạo ra những sản phẩm quý hiếm, có giá trị, mang bản sắc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là đặc trưng văn hóa của vùng miền, mà còn là địa chỉ hấp dẫn khách du lịch muôn phương đến với Đồng bằng sông Cửu Long.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Long, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: "Trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long sẽ cụ thể hóa các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với khai thác tiềm năng du lịch của Làng nghề gạch gốm Mang Thít, cũng như xây dựng, khai thác hiệu quả Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của cả nước, của khu vực và của tỉnh, nhằm phục vụ phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh; đồng thời, lưu giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa của các di sản, các làng nghề, các đặc trưng của đời sống sản xuất Nam bộ nói riêng, nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam nói chung, để giới thiệu đến du khách, bạn bè quốc tế và lưu truyền cho các thế hệ mai sau".
Ngoài ra, để bảo tồn làng nghề truyền thống, tỉnh Vĩnh Long đã hoàn thành Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu lò gạch, gốm Mang Thít, cũng như Cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng Nông nghiệp Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Qua đó, hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng làng nghề cùng đồng thuận giữ gìn, phát triển, để có thể vừa bảo tồn, vừa đánh thức tiềm năng, mở ra triển vọng kết nối, nâng tầm du lịch của Vĩnh Long, các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long với các nước trong khu vực và thế giới.
Những bàn tay nâng "Khát vọng Xanh" là thông điệp, là sự kêu gọi chung tay hành động của toàn xã hội vì "Một trái đất Xanh". Con đường Kinh tế xanh là chìa khoá mở lối tương lai vì cuộc sống hạnh phúc của con người, vì một xã tiến bộ và phát triển bền vững. Nhân dân Vĩnh Long tự hào, chung tay phát triển kinh tế xanh, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bền vững./.