Aa

Góp phần xây dựng nền báo chí giàu tính chiến đấu, nhân văn, hiện đại

Thứ Hai, 20/04/2020 - 17:00

Trải qua 70 năm xây dựng, trưởng thành (1950 - 2020), Hội Nhà báo Việt Nam - tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, không ngừng được củng cố, phát triển.

Trải qua 70 năm xây dựng, trưởng thành (1950 - 2020), Hội Nhà báo Việt Nam - tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, không ngừng được củng cố, phát triển, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng.

Đội ngũ hội viên, những người làm báo đã có đóng góp quan trọng trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay, không ngừng bồi đắp truyền thống vẻ vang của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khoá X ra mắt Đại hội lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, tháng 8/2015. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Góp sức vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước

Là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, Hội Nhà báo Việt Nam là đại diện của những người làm công tác thông tin, tuyên truyền, thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà báo trong tác nghiệp; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên.

Hội cũng giám sát việc tuân thủ luật pháp, quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách về thông tin, báo chí; thực hiện các hoạt động đối ngoại theo quy định của pháp luật.

Trở lại lịch sử 70 năm trước, sau một thời gian chuẩn bị, ngày 21/4/1950, Hội những người viết báo Việt Nam ra đời tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên do nhà báo Xuân Thủy - nhà ngoại giao, nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng làm Chủ tịch.

Tại Đại hội lần thứ 2, tổ chức vào năm 1959, Hội đã đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 7/7/1976, Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam hợp nhất với Hội Nhà báo Việt Nam, lấy tên chung là Hội Nhà báo Việt Nam.

Cho đến nay, hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Đảng, sự ủng hộ, tạo điều kiện của Nhà nước, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương.

Trải qua 10 kỳ đại hội, Hội ngày càng phát triển, trưởng thành, là nơi đoàn kết, tập hợp, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo, với đội ngũ hội viên ngày càng đông đảo, chất lượng ngày một nâng cao, phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhân dân ta.

Tính đến tháng 2/2020, Hội có 25.038 hội viên đang sinh hoạt tại 294 đơn vị cấp hội, gồm: 63 Hội nhà báo tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội, 212 chi hội trực thuộc Trung ương. Bằng các sản phẩm báo chí, đội ngũ những người làm báo cả nước đã góp phần đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, tham gia hiệu quả bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; góp sức vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh, nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo luôn được Hội chú trọng, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cũng được tăng cường.

Từ 2015 đến nay, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội tổ chức được 539 lớp học cho 15.394 học viên với nhiều loại hình đào tạo. Giải Báo chí Quốc gia ngày càng có quy mô lớn, thu hút được nhiều tác phẩm báo chí tiêu biểu thuộc tất cả các loại hình báo chí tham gia, uy tín của Giải ngày càng được khẳng định và nâng cao.

Việc động viên, khen thưởng, bảo vệ quyền lợi, chính đáng và hợp pháp của nhà báo được đẩy mạnh. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, hoạt động kiểm tra các cấp của Hội Nhà báo Việt Nam đã tiếp nhận hơn 5.000 đơn thư liên quan đến nhà báo, hội viên. Hơn 90% đơn thư nói trên được nghiên cứu, phân loại và xử lý, vụ việc tồn đọng hoặc chậm xử lý không có.

Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đã chỉ đạo Ban Kiểm tra và các đơn vị chức năng của Hội thành lập Hội đồng xử lý kỷ luật các cấp, chủ động và kịp thời can thiệp, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên - nhà báo, kiên quyết đấu tranh và lên án các hành vi sai trái, cản trở các nhà báo hoạt động đúng pháp luật.

Hội báo toàn quốc luôn được các cấp hội hưởng ứng, là nơi giao lưu, để những người làm báo trao đổi nghề nghiệp hữu ích. Công tác đối ngoại đạt được những kết quả tích cực trong công tác tăng cường thông tin, giao lưu báo chí giữa Việt Nam và quốc tế, phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Hoạt động văn hóa, thể thao, an sinh xã hội của tổ chức Hội và các cơ quan báo chí là hoạt động thường xuyên, hiệu quả, tạo thành phong trào sôi nổi, có sức lan tỏa trong đời sống xã hội...

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

Tuy có những thuận lợi nhất định nhưng tổ chức Hội cũng gặp không ít khó khăn. Trước hết, sự bùng nổ thông tin qua phát triển mạng xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của hoạt động báo chí. Bên cạnh đó, do ngân sách còn hạn hẹp, nhiều Hội Nhà báo tỉnh, thành phố bị cắt giảm kinh phí, biên chế, các cơ quan báo chí hầu hết phải tự chủ thu chi nên hoạt động của các cấp Hội gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị chủ quản chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp Hội Nhà báo hoạt động. Ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, hội viên chưa cao, vẫn còn tình trạng hội viên, người làm báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức người làm báo...

2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội X, Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2015 - 2020, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam tập trung tâm triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có tổ chức đại hội nhiệm kỳ các cấp Hội, hướng tới Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đại hội thi đua yêu nước Hội Nhà báo Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020; khai trương Bảo tàng Báo chí Việt Nam… Các sự kiện, hoạt động đã được Ban Thường vụ Hội xây dựng Kế hoạch gửi các cấp Hội, các cơ quan báo chí để triển khai thực hiện nhưng do tình hình dịch COVID-19 hiện có diễn biến phức tạp, khó lường nên Hội Nhà báo Việt Nam đã điều chỉnh thời gian cho phù hợp với tình hình thực tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các nhà báo Thông tấn xã Việt Nam dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, sáng 9/8/2015, tại Hà Nội. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Mới đây, ngày 8/4/2020, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới. Đây là Chỉ thị rất quan trọng với Hội Nhà báo Việt Nam và giới báo chí cả nước. Trong đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp Hội Nhà báo Việt Nam tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho người làm báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; củng cố, xây dựng hệ thống tổ chức Hội thống nhất, chặt chẽ; phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực.

Chỉ thị cũng yêu cầu tổ chức Hội cũng cần quan tâm hơn nữa việc bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên, của người làm báo; có hình thức động viên khen thưởng xứng đáng, kịp thời đối với các đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động báo chí, công tác hội, nhất là các tổ chức hội, hội viên trực tiếp hoạt động ở những lĩnh vực, địa bàn có nhiều khó khăn. Ngoài ra, Chỉ thị số 43 cũng lưu ý người làm báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam cần nhận thức sâu sắc trách nhiệm, ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tinh thần cống hiến, tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, vì lợi ích của đất nước và nhân dân...

Thời gian tới, để xây dựng đội ngũ những người làm báo Việt Nam ngang tầm đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tăng cường công tác giáo dục, thực hiện tốt Luật Báo chí, các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm báo cho hội viên; chú trọng xây dựng hệ thống tổ chức Hội nhà báo Việt Nam thống nhất, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương hoạt động theo Điều lệ chung.

Đặc biệt, các cấp Hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực. Hội cũng phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển, quản lý báo chí, đội ngũ người làm báo; quan tâm hơn nữa việc bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của hội viên, của người làm báo.../.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top