Aa

Grab có thể khởi kiện khi bị đánh tráo khái niệm dịch vụ?

Thứ Bảy, 13/04/2019 - 02:52

Nếu các doanh nghiệp taxi truyền thống và các Hiệp hội cố tình đánh tráo khái niệm dịch vụ về hoạt động GrabTaxi và GrabCar thì Grab có thể khởi kiện tại tòa án Việt Nam hoặc trọng tài quốc tế.

Chuyên gia cho rằng, khi bị các đối thủ đánh tráo khái niệm giữa dịch vụ Grabtaxi và Grabcar để chơi xấu, Grab có thể kiện ra tòa

Chuyên gia cho rằng, khi bị các đối thủ đánh tráo khái niệm giữa dịch vụ Grabtaxi và Grabcar để chơi xấu, Grab có thể kiện ra tòa

Nhìn từ góc độ luật cạnh tranh quốc tế với các công văn trình tố và hồi đáp của các hiệp hội taxi, hiệp hội vận tải gửi Chính phủ trong thời gian qua nhằm vào mô hình xe công nghệ Grab khi dự thảo nghị định 86 (NĐ 86) chưa ngã ngũ, nhiều luật sư cho rằng: Nếu các doanh nghiệp taxi truyền thống và các Hiệp hội cố tình đánh tráo khái niệm dịch vụ về hoạt động GrabTaxi và GrabCar, đưa thông tin sai sự thật về nghĩa vụ đóng thuế của Grab…, doanh nghiệp có thể khởi kiện tại tòa án Việt Nam hoặc trọng tài quốc tế.

Ðánh tráo khái niệm?

Thực tế, theo quy định GrabCar được triển khai hoạt động tại Việt Nam trong khuôn khổ Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ kết nối và quản lý hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng đã được Bộ Giao thông Vận tải ban hành tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 (Quyết định 24) tại 5 tỉnh, thành phố được thí điểm theo Đề án 24 là: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh. Trong khi đó, dịch vụ GrabTaxi được hoạt động và mở rộng trên cả nước theo quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử. Với dịch vụ này, Grab là ứng dụng cung cấp sàn giao dịch thương mại điện tử và đã hoàn thành thủ tục đăng ký loại hình tương ứng có phạm vi hoạt động toàn quốc với Bộ Công Thương, trên tinh thần tuân thủ hướng dẫn của Bộ GTVT và các Sở GTVT địa phương.

Mặc dù vậy, nhưng trên thực tế, một số hãng taxi truyền thống và các Hiệp hội dường như đang “hiểu nhầm” hoặc cố tình “đánh tráo” khái niệm giữa hoạt động GrabTaxi và GrabCar để tố doanh nghiệp này vi phạm luật. Mới đây nhất, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Bộ Tư pháp và Bộ GTVT đề nghị sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Trong CV này, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho Grab đang ngày càng “phớt lờ” các quy định của Bộ GTVT tại Quyết định 24, tuỳ tiện mở rộng phạm vi thí điểm từ 5 tỉnh, thành phố lên 15 tỉnh, thành phố … chứ không phải chỉ làm dịch vụ kết nối giữa nhà vận tải với hành khách như quy định tại Quyết định 24.

Phản ứng lại nội dung này, Grab đã gửi công văn, yêu cầu Hiệp Hội vận tải ô tô Việt Nam đính chính thông tin, vì theo Grab, các cáo buộc này có phần đánh tráo khái niệm và đang gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và tiền bạc trong hoạt động kinh doanh của Grab.

Thiệt hại doanh nghiệp, phải kêu ai?

Trao đổi vấn đề trên về khía cạnh pháp lý, luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Đây là hành vi cố tình đưa thông tin sai sự thật bởi hoạt động Grabtaxi và Grabcar hoàn toàn khác nhau. Việt Nam đã là thành viên WTO và nhiều hiệp định thương mại khác nếu cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm thì có thể bị kiện tại Việt Nam và thậm chí tại tòa án, trọng tài quốc tế”.

Cũng theo luật sư Hùng tại Việt Nam có nhiều chiêu trò cạnh tranh "không đẹp” trực tiếp và gián tiếp đánh đối thủ bất chấp pháp luật, gây áp lực với các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, gây mất trật tự xã hội, mất niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài vì vậy Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương có vai trò, trách nhiệm xử lý, giải quyết các vấn đề này. Ngoài ra, tòa án cũng có thẩm quyền giải quyết các vụ án tranh chấp về cạnh tranh hay hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Theo quy định doanh nghiệp, hiệp hội được quyền có ý kiến, đề xuất nhưng không được dùng các thủ đoạn, phương pháp, lôi kéo… để gây áp lực hay can thiệp vào các quyết định quản lý nhà nước. Việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đang cho thấy sự thiếu công bằng, đi ngược lại với luật cạnh tranh quốc tế.

Tại Khoản 4, Điều 3 Luật Cạnh tranh quy định: “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng”. Điều 39 Luật Cạnh tranh còn liệt kê một số hành vi cụ thể về hành vi cạnh tranh không lành mạnh như: Chỉ dẫn gây nhầm lẫn, xâm phạm bí mật kinh doanh, ép buộc trong kinh doanh, gièm pha doanh nghiệp khác, gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác, quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh, phân biệt đối xử của hiệp hội... luật sư Hùng dẫn chứng.

Đồng quan điểm về luật đề cạnh tranh, luật sư Võ Thanh Khương, Đoàn luật sư TP.HCM cũng cho rằng: “Nếu các cá nhân, tổ chức cố tình đưa thông tin sai sự thật bởi hoạt động Grabtaxi và Grabcar hoàn toàn khác nhau thì Công ty TNHH Grab có thể khiếu nại lên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia để yêu cầu giải quyết. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện một phần hoặc toàn bộ nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh tại toà án có thẩm quyền theo quy định của Luật Tố tụng hành chính”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top