Sau khi dừng đề án thí điểm và ban hành nghị định 10, không ít ý kiến cho rằng các hãng xe công nghệ như Grab đang gặp nhiều bất lợi, thậm chí sẽ phải dừng hoạt động từ ¼ tới. Tuy nhiên, phía Grab nhìn nhận đây là thời điểm lý tưởng và khẳng định vẫn tiếp tục rót 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong vòng 5 năm tới.
Dân số Việt Nam còn trẻ và khá cởi mở, người Việt rất hào hứng với các sản phẩm mới, công nghệ mới. Có đến 90% người trẻ tại Việt nam sở hữu từ 1 đến hơn 1 điện thoại thông minh và các sản phẩm cốt lõi mà Grab đã phát triển trong thời gian qua như vận tải, giao nhận hàng hóa, thanh toán điện tử qua ví Moca đang được đón nhận rất tốt.
Với khoản đầu tư 500 triệu USD trong vòng 5 năm tới, Grab sẽ sử dụng để triển khai các dịch vụ mới tại Việt Nam và mở rộng mạng lưới các dịch vụ kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn và thanh toán điện tử, đồng thời phát triển các giải pháp mới về công nghệ di động, công nghệ tài chính và logistics. Khoản đầu tư này một lần nữa thể hiện cam kết lâu dài của Grab trong việc mang đến những lợi ích kinh tế và xã hội lớn hơn cho Việt Nam thông qua ứng dụng công nghệ.
Giúp hàng triệu người có thêm thu nhập
Kể từ khi hoạt động tại Việt Nam vào năm 2014, đến nay Grab đã trở thành siêu ứng dụng dẫn đầu trên thị trường và là lựa chọn hàng đầu của người dân cho các dịch vụ kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn. Tổng giá trị thanh toán qua ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab đạt mức tăng trưởng đến 150% trong nửa đầu năm 2019, với số lượng người dùng tương tác hàng tháng tăng đến hơn 70%. Tới nay, Grab đã giúp cải thiện cuộc sống của hàng trăm ngàn đối tác tài xế với tổng với thu nhập tích lũy gần 1 tỷ USD.
Với khoản đầu tư 500 triệu USD, Grab muốn góp phần giảm nghèo cho các cộng đồng dân cư trên khắp các tỉnh thành cả nước, giúp hàng triệu người Việt Nam có thêm thu nhập khi các đối tác tài xế, đối tác giao nhận và đối tác kinh doanh có thể trở thành những doanh nghiệp siêu nhỏ hợp tác trên nền tảng Grab.
Grab cũng đặt mục tiêu hợp tác với các tổ chức tài chính để cung cấp dịch vụ tài chính cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, giúp họ tiếp cận với các sản phẩm tín dụng và bảo hiểm để phát triển và đảm bảo sinh kế của mình.
Các hoạt động này sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người hiện đang không có việc làm, nghèo và cận nghèo, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, đồng thời tạo cơ hội cho họ có được mức thu nhập cao hơn và đạt được doanh thu cao hơn.
Grab kỳ vọng các hoạt động này sẽ đóng góp tích cực vào mục tiêu quốc gia về việc giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống thấp dưới mức 4%.
Xây dựng môi trường bền vững cho tương lai
Cùng với mục tiêu cải thiện cuộc sống cho người dân, với khoản đầu tư 500 triệu USD, Grab muốn góp phần xây dựng lực lượng lao động có kỹ năng, phù hợp với chiến lược tạo ra 10 kỳ lân công nghệ vào năm 2030 của Chính phủ. Grab cũng góp phần nâng cao hiểu biết cho người dân về tài chính và kỹ thuật số, qua đó đóng góp một phần vào mục tiêu quốc gia là có được 65-70% dân số hiểu biết về hai lĩnh vực này.
Thêm vào đó là góp phần tạo ra một môi trường bền vững cho tương lai. Grab cam kết hướng tới một tương lai di chuyển chia sẻ, liền mạch và thông minh cho Việt Nam, bao gồm các giải pháp bổ trợ cho hệ thống giao thông công cộng hiện có và thay đổi thói quen người dân từ sở hữu phương tiện cá nhân sang sử dụng phương thức di chuyển chung như GrabBus, một dịch vụ di chuyển đáp ứng nhu cầu đi lại của đông đảo người dân.
Grab cũng đặt mục tiêu hợp tác với chính quyền thành phố và các cơ quan hoạch định chính sách để tận dụng dữ liệu, từ đó giúp quy hoạch đô thị tốt hơn và giảm thiểu các khó khăn như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Grab cũng sẽ đặt tính bền vững vào trung tâm hoạt động kinh doanh của mình, ví dụ như hướng đến mục tiêu giảm chất thải nhựa cho dịch vụ giao nhận thức ăn GrabFood.
Khoản đầu tư 500 triệu USD này cũng này thể hiện cam kết chặt chẽ và sâu rộng của Grab cho thị trường Việt Nam. Nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng cùng với số lượng người trẻ quen dùng điện thoại thông minh ngày càng gia tăng là những điều kiện chín muồi giúp Việt Nam dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật số.
Khi Grab ngày càng mở rộng các dịch vụ giao nhận thức ăn, giao nhận hàng hóa và thanh toán điện tử trên khắp cả nước, Grab mong muốn có thể nắm bắt và đầu tư vào các cơ hội mới trong lĩnh vực công nghệ tài chính, công nghệ di động và logistics để mang đến nhiều giá trị to lớn và sáng tạo hơn cho khách hàng và đối tác Grab.