Aa

GS. Nguyễn Mại: "Khu vực FDI cần linh hoạt tiếp cận đa chiều sau đại dịch"

Thứ Sáu, 01/05/2020 - 10:30

Dịch Covid-19 đã tác động đến kinh tế quý I/2020: GDP tăng 3,82%, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,08%, công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%, dịch vụ tăng 3,2%; khu vực đầu tư nước ngoài cũng chịu tác động tiêu cực.

Korcham, Eurocham kiến nghị các ngân hàng thương mại gia hạn khoản nợ vay ngân hàng, giảm lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp FDI.

Xu hướng chuyển sản xuất sang Việt Nam tăng

Tập đoàn Yura có 3 doanh nghiệp ở Việt Nam và 10 doanh nghiệp tại Trung Quốc, sản phẩm của tập đoàn được cung cấp độc quyền cho nhiều hãng ô tô lớn như Kia, Huyndai. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp của Trung Quốc phải ngừng sản xuất, do đó Công ty TNHH Yura Việt Nam trong KCN Phú Thái đang phải tăng ca hết công suất để có đủ sản phẩm cung cấp cho đối tác.

Trước Tết, các dây chuyền sản xuất của công ty chỉ hoạt động khoảng 60% công suất nên công nhân làm trong giờ hành chính, nhưng từ sau Tết đến nay, máy móc chạy hết công suất, công nhân làm tăng ca hết thời gian theo quy định.

Tập đoàn Samsung đã chuyển nhà máy sản xuất smarphone từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận hưởng giá nhân công của nước ta chỉ bằng 1/3 của Trung Quốc, có tốc độ tăng trưởng kinh tế và công nghiệp khá cao; ngày 7 tháng 3 đã đình chỉ hoạt động nhà máy ở thành phố Kumi, gần tâm dịch Covid-19 Daegu, khi phát hiện một công nhân dương tính với Covid-19; sẽ chuyển dây chuyền sản xuất một số điện thoại thông minh cao cấp từ Hàn Quốc sang Việt Nam để tránh trường hợp xấu nhất.

Theo Reutes, trong 10 năm qua, Samsung đã chuyển phần lớn dây chuyền sản xuất smartphone sang Việt Nam; các nhà máy Samsung tại Việt Nam sản xuất trên 50% số điện thoại của cả tập đoàn và ít gặp gián đoạn.

Giải pháp cấp bách

Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương đã có chủ trương và thi hành một số giải pháp miễn giảm thuế, hạ lãi suất tiền vay, trợ cấp thất nghiệp, giảm thiểu thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp khi xuất khẩu qua biên giới… đã có tác động làm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy vậy, một số giải pháp như thuế, tín dụng, trợ cấp thất nghiệp chậm được triển khai làm cho số doanh nghiệp có nguy cơ ngừng hoạt động có xu hướng gia tăng.

Kiến nghị Chính phủ cần có chính sách và cơ chế hỗ trợ thích ứng với thực trạng sản xuất và kinh doanh của từng loại hình doanh nghiệp và từng ngành, nghề để xử lý kịp thời khó khăn mới xuất hiện.

Việc hạ thấp lãi suất tín dụng mới áp dụng cho khoản vay mới, trong khi nhiều doanh nghiệp dù khó khăn nhưng không thể vay thêm vì đến hạn trả nợ cũ. Đa số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không thể vay được khoản vay ưu đãi, lãi suất thấp vì không có tài sản thế chấp, trong khi có doanh nghiệp chỉ cần vay 300 - 500 triệu đồng để trả lương, làm vốn lưu động là có thể vượt quá khó khăn để khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn các ngân hàng thương mại phối hợp với các hiệp hội nghề nghiệp tại địa phương để nhận biết thực chất nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ - những doanh nghiệp có nguy cơ phá sản lớn nhất để xử lý từng trường hợp theo hướng giãn thời gian trả nợ đến hạn, không để rơi vào nhóm nợ xấu; thực hiện vay lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất vay đối với cả nợ cũ và tín dụng mới.

Korcham, Eurocham kiến nghị các ngân hàng thương mại gia hạn khoản nợ vay ngân hàng, giảm lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp FDI.

Bộ Tài chính cần ban hành kịp thời chủ trương giảm, miễn thuế đối với các ngành nghề, lĩnh vực chịu tác động khác nhau. Trong đó giảm thuế giá trị gia tăng có tác động thiết thực, kích thích nhu cầu tiêu dùng đối với thị trường trong nước, giảm thuế xuất khẩu hàng hóa làm tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới. Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng cần tính đến, nhưng chỉ có tác dụng đối với doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Thời gian miễn giảm thuế có thể đến cuối quý II hoặc cuối quý III.

Cho phép các doanh nghiệp gặp khó khăn giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu đến cuối quý III hoặc quý IV.

Chính phủ cần hướng dẫn UBND tỉnh, thành phố có dư địa về ngân sách địa phương đề ra chính sách và cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn trong khung khổ pháp luật, để không làm nảy sinh tình trạng thiếu thống nhất trong cả nước, thậm chí vi phạm luật pháp nhà nước.

Đối với việc nhập cảnh của các chuyên gia trong các dự án đầu tư nước ngoài đề nghị cho phép áp dụng thống nhất như trường hợp của Tập đoàn Samsung: nhập cảnh theo hình thức đặc biệt vào Việt Nam sau khi có xét nghiệm âm tính, làm việc tại khu độc lập, tự cách ly, do UBND tỉnh bảo lãnh và giám sát. (công văn số1746/VPCP-QHQT ngày 6/3/2020 và công văn số 1849/VPCP-QHQT ngày11/3/2020).

Các chuyên gia, kỹ thuật nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được gia hạn Giấy phép lao động để tạm thay thế cho những người chưa được nhập cảnh.

Áp dụng thủ tục thông quan nhanh đối với nguyên vật liệu, hàng hóa nhập khẩu để sản xuất trong thời gian đang có dịch. Các doanh nghiệp tự kê khai và tự chịu trách nhiệm. Trong trường hợp kết quả hậu kiểm sau thông quan phát hiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý nghiêm minh.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Ban Quản lý KCN, KKT cần làm việc với nhà đầu tư xin giãn tiến độ thực hiện dự án do khó khăn dịch bệnh, kéo dài thời hạn nộp tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án để xử lý theo pháp luật hiện hành; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để xử lý.

Giải pháp sau khi hết dịch

Khó dự báo thời điểm thế giới kết thúc đại dịch Covid-19, do đó để chủ động trong các tình huống, kể cả tình huống xấu nhất, nước ta cần nghiên cứu với cách tiếp cận đa chiều từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, quan hệ đa phương và song phương để đề ra chủ trương, giải pháp ứng phó.

Từ diễn biến dịch Covid trên thế giới vào đầu tháng 4, có thể dự báo Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đang có chuyển biến tích cực, sản xuất kinh doanh trong nước, xuất nhập khẩu hàng hóa từng bước được phục hồi có tác động đối với quan hệ thương mại và đầu tư với Việt Nam.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã có số công nhân đến làm việc đạt trên 90%, trong khi thị trường Mỹ và EU có khó khăn thì ASEAN trở thành thị trường chính của nước này, do đó cần hướng dẫn các doanh nghiệp định hướng mới khi khôi phục quan hệ du lịch, thương mại với doanh nghiệp và FDI với nhà đầu tư Trung Quốc.

Mỹ và nhiều nước ở châu Mỹ đang phải đối mặt với dịch Covid-19 thời kỳ cao điểm, có thể kéo dài đến cuối quý II, tác động tiêu cực đến xuất nhập khẩu và FDI của nước ta. CPTPP trải qua hơn một năm nhưng các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội, nay lại gặp dịch, do đó các nước châu Mỹ như Canada, Mexico gặp khó khăn khi thực hiện CPTPP (Canada đã kiến nghị hoãn thực thi USMCA-NAFTA mới) do đó cần hướng dẫn các doanh nghiệp tìm hướng đị thích hợp với tình hình quý II, đồng thời chuẩn bị đón cơ hội mới khi dập tắt dịch, khôi phục quan hệ thương mại và đầu tư vào nửa cuối năm.

EU áp dụng biện pháp cách ly, hạn chế đi lại ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh bình thường; do đó mặc dù CPTPP đã thực hiện được hơn một năm, EVFTA có thể có hiệu lực từ đầu tháng 7 nhưng để tận dụng cơ hội mới sau khi dịch đã qua thì cần hướng dẫn doanh nghiệp tìm hiểu kỹ đối tác đang có quan hệ thương mại để biết được tình hình cụ thể (tồn tại, khó khăn, phá sản), tìm kiếm đối tác mới đáng tin cậy để mở rộng xuất nhập khẩu với EU.

GS. TSKH. Nguyễn Mại

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top