Aa

GS. Nguyễn Minh Thuyết: “VinUni ra đời hợp thời điểm, ý nghĩa”

Thứ Tư, 18/04/2018 - 15:01

Ngôi trường mà tỷ phú Phạm Nhật Vượng xây dựng sẽ hấp dẫn giới trẻ. Đó là nhận định của GS. Nguyễn Minh Thuyết- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khi trao đổi về sự kiện Vingroup xây dựng ĐH VinUni.

Ra đời hợp thời điểm

- Giáo sư đánh giá như thế nào về giáo dục đại học tư thục hiện nay?

Gần đây những người trẻ tuổi ít vào trường đại học tư thục. Đại học tư thục gặp nhiều vấn đề về giáo trình, giảng viên, phương tiện dạy và học, cơ sở vật chất. Đó là chưa kể đến nguyên nhân rất quan trọng: phần lớn các trường đặt mục tiêu lợi nhuận cao hơn giáo dục.

- Trong bối cảnh ấy đại học tư thục VinUni ra đời liệu có hợp thời không, thưa giáo sư?

Nếu ở góc độ kinh doanh, vì lợi nhuận thì đầu tư đại học vào lúc tàn cuộc như thế này là quá muộn. Nhưng giữa lúc thanh niên quay lưng với chuyện kinh doanh giáo dục, mà tổ chức ra một trường Đại học phi lợi nhuận với mục đích trên hết là đào tạo nhân lực đáp ứng chuẩn mực cao thì lại rất hợp thời điểm.

Dân ta hiếu học, rất muốn con em được học tập ở môi trường đào tạo chất lượng cao. Nhiều gia đình đã chi kinh phí rất lớn để cho con đi du học. Việc hợp tác với 2 đại học danh tiếng thế giới (Cornell và Pennsylvania) sẽ là lợi thế để sinh viên không phải ra nước ngoài mà vẫn được học giáo trình, giảng viên của trường hàng đầu thế giới.

- Giáo sư đánh giá thế nào về hướng đi của VinUni khi họ tuyên bố sẽ tập trung đào tạo 3 khối ngành Kinh doanh, Công nghệ và Sức khỏe mà không phải những khối ngành giáo dục khai phóng như Luật, Xã hội học…?

Cả 3 khối ngành Công nghệ, Sức khỏe và Kinh doanh mà VinUni đào tạo đều rất cần cho sự phát triển của đất nước. Công nghệ đã được xác định là lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm để nước ta đi tắt đón đầu. Người Việt Nam thông minh nhưng sáng tạo kỹ thuật, công nghệ còn rất yếu, chủ yếu là sử dụng công nghệ sẵn có của nước ngoài, lắp ráp, chế tác cho nước ngoài. Nay nếu đào tạo được thế hệ sinh viên làm chủ dược công nghệ, sáng tạo ra sản phẩm công nghệ có hàm lượng chất xám cao, đáp ứng được nhu cầu của xã hội thì rất ý nghĩa.

Sức khỏe là nhu cầu căn bản nhưng đào tạo ngành này rất kén người. VinUni tuyển đầu vào tốt thì có cơ hội thành công lớn, vì có sự hợp tác đào tạo của trường Pennsylvania và đặc biệt là Vingroup đã có hệ thống bệnh viện để sinh viên học tập kinh nghiệm và thực hành.     

Kinh doanh thì khỏi cần nói nhiều, vì ai cũng hiểu gia đình, đất nước có mạnh hay không là nhờ có giỏi làm ăn, kinh doanh hay không. Vấn đề là VinUni chọn đào tạo ngành nào và tận dụng lợi thế khác biệt như thế nào (từ đối tác là đại học Cornell và được rèn rũa tại các công ty thuộc Vingroup) để cho “ra lò” những nhân viên quản lý kinh doanh xuất sắc.

Tôi nhìn thấy lợi thế của VinUni là có hệ sinh thái với nhiều ngành nghề khác nhau. Sinh viên VinUni sẽ được va đập, học tập thực tiễn trong chính các công ty của Vingroup. Người học cũng sẽ được đào tạo theo giáo trình của giáo viên ở 2 đại học top 20 thế giới. Nếu đủ điều kiện tốt nghiệp, họ đương nhiên đạt chuẩn toàn cầu nên có lợi thế không chỉ làm việc cho chính Vingroup mà còn có cơ hội thuận lợi để làm cho các công ty toàn cầu.

Câu chuyện học phí và hiệu quả

- Nhưng một số phụ huynh và giới trẻ cũng đang quan ngại về mức học phí. Chuẩn cao của quốc tế thì học phí chắc không thể rẻ được, giáo sư nghĩ sao về việ này?

Dần dần, phụ huynh và giới trẻ sẽ nhận ra thực chất của câu chuyện học phí và hiệu quả. Hiện nay,  một trường đại học của Mỹ có học phí trung bình là 40.000-50.000USD/sinh viên/năm, còn đại học ở nước ta chỉ khoảng 200 - 300USD/sinh viên/năm. Như vậy thì đại học lấy đâu ra kinh phí để đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo? 

Theo thống kê thì nước ta hằng năm có tới 200.000 sinh viên tốt nghiệp bị thất nghiệp. Vậy, học phí họ trả hằng tháng có thể là thấp nhưng như vậy là rẻ hay đắt? Đồng tiền bỏ ra hiệu quả hay không hiệu quả? Nhưng quý hơn cả đồng tiền là thời gian, là cơ hội. Nếu chỉ quan tâm đến học phí rẻ hay đắt mà không tính đến thời gian bị lãng phí hay không lãng phí, cơ hội được tận dụng hay bị bỏ qua thì có thể sẽ bị trả giá đắt, trả giá bằng tương lai.

Vấn đề ở đây là chọn trường chất lượng tốt, ra trường có công ăn việc làm, thu nhập cao hay chọn trường để học nhàn, học phí vừa phải, ra trường có tấm bằng nhưng cơ hội việc làm thấp? Đây là chuyện đầu tư cho tương lai nên cần tính tổng chi phí so với cơ hội việc làm, thu nhập, cơ hội thăng tiến…

- Là người tâm huyết, am hiểu giáo dục nước nhà, ông có ngạc nhiên khi ông Phạm Nhật Vượng mở đại học với mục tiêu, tham vọng lớn như vậy?

Tôi đã chứng kiến nhiều thất bại khi mở trường hoặc điều hành trường đại học tư thục, kể cả thất bại của những người giỏi, tâm huyết, trong đó có bạn tôi. Vì vậy khi nghe tin ông Phạm Nhật Vượng đầu tư lớn (5.000 tỷ đồng - PV) lập trường đại học phi lợi nhuận, lại hợp tác với 2 trường đại học trong top 20 thế giới để đào tạo nhân sự chất lượng cao, tôi rất mừng.

Thực tiễn trong nước và kinh nghiệm thế giới cho thấy, trường đại học thành công cần hội đủ các yếu tố: vốn lớn; quản lý tốt; đội ngũ giảng dạy giỏi; phi lợi nhuận. Những điều này tôi đang thấy hội tụ ở dự án VinUni của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

- Xin cảm ơn giáo sư!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top