GS. Phan Văn Trường: Phát triển không chỉ là tăng trưởng đơn thuần

GS. Phan Văn Trường: Phát triển không chỉ là tăng trưởng đơn thuần

Thứ Ba, 18/07/2023 - 06:12

Chúng tôi rất vui khi có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với GS. Phan Văn Trường, cố vấn của Chính phủ Pháp về Thương mại quốc tế trong dịp ông tới Hà Nội công tác, bởi trong lịch trình dày đặc đến từng phút, ông vẫn dành cho chúng tôi một khoảng thời gian quý giá. 

Có nhiều điều tôi nhận ra sau cuộc trò chuyện với vị giáo sư đáng kính, rằng dù bạn là ai, hãy cứ đối đãi với cộng đồng này, địa cầu này, bằng thái độ và tinh thần của một “công dân vũ trụ”. 

Điều thứ hai, sứ mệnh của doanh nhân Việt Nam, ngoài đóng góp cho nền kinh tế quốc gia, còn là đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế toàn cầu; ngoài trách nhiệm giữ gìn nước Việt Nam tươi đẹp, tráng kiện, còn là trách nhiệm bảo vệ địa cầu chung của muôn loài. Điều đó không thể lạc nhịp khỏi vòng tròn năng lượng mạnh mẽ và đẹp đẽ mà vũ trụ đã tạo ra. 

Nhưng trước hết, hãy là một công dân, mang trái tim nhân ái và tinh thần trách nhiệm với xã hội, trước khi nghĩ đến chuyện toàn cầu. Và dù bạn là ai, thì vẫn có thể đối đãi với cộng đồng này, địa cầu này, bằng thái độ và tinh thần của một doanh nhân xã hội.

“Khi đó Thế giới và Vũ trụ sẽ lại hài hòa, con người sẽ lại tìm được điều kiện để phát triển, chứ không chỉ tăng trưởng đơn thuần”, GS. Phan Văn Trường chia sẻ.

“Tôi ngồi đây để tạo ra một xã hội ân cần với nhau”

PV: Ông đã từng nói: “Thế giới được vận hành dựa trên những nguyên tắc mà nếu tuân thủ nó thì dù bạn là ai, bạn cũng có chỗ đứng”. Soi chiếu với doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh khó khăn hiện nay, ông có bình luận và gợi mở gì?

GS. Phan Văn Trường: Cuộc chơi nào cũng có luật chơi mà nếu không tuân thủ, nghĩa là chúng ta không thuộc cộng đồng đó. Theo tinh thần tích cực là tuân thủ hết các điều khoản và có đóng góp vào luật chơi đó, chứ không chỉ rút tỉa điều mình cần. Tôi đã gặp nhiều bạn trẻ và cả những bạn không còn trẻ nữa, nói rằng họ chỉ tham gia để nhận chứ không biết cho đi cái gì. Nếu như vậy, chúng ta sẽ không khai thác được các cơ hội một cách đúng nghĩa.

Liệu có phải chúng ta nghèo quá nên không có gì để cho đi? Chúng ta nghèo vật chất, nhưng không nghèo văn hóa. Tôi chỉ có một lời khuyên, đi đâu cũng hãy cho hết mình, cống hiến hết mình cho cộng đồng chung là nhân loại trên trái đất này. Hãy hòa mình và trao đổi tối đa để hai bên cùng nhận được những giá trị mà tự mình chưa có hoặc không có.

Tôi đã dùng văn hóa Á Đông để quản trị một công ty nước ngoài, là tập đoàn đa quốc gia của Pháp. Toàn thể nhân viên rất vui khi lần đầu tiên, họ có sự dẫn dắt của một người Á Đông, bằng phương pháp rất Á Đông, đó là quản trị, tạo động lực bằng tình thương, sự kính trọng và những giá trị tâm linh. Tôi đã nói với họ rằng: “Tôi ngồi đây không phải để quản lý các bạn và để chỉ tạo ra lợi nhuận, tôi ở đây để tạo ra một xã hội ân cần với nhau”. Chúng ta làm việc với nhau 8 giờ mỗi ngày, thậm chí nhiều hơn, thì trước hết hãy thương yêu nhau. Tôi vẫn nghĩ, chỉ khi sống trong tình thương, dù là với gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp, cấp trên, chúng ta mới thấy cuộc sống thoải mái và ý nghĩa.

Khi tôi chia sẻ và thực hành điều đó, kết quả rất bất ngờ là mọi người đều có động lực làm việc, vì họ cảm nhận được tình thương, sự trân trọng từ phía người chủ tịch tập đoàn là tôi. Đơn giản chỉ thế thôi!

Trong khi đó, tôi thấy những doanh nghiệp khác của Mỹ, Anh hay Pháp quản trị dựa trên những giá trị vật chất, thứ có thể đong đếm được và luôn sòng phẳng. Vậy thì điều mà người quản trị nhận được cũng rất sòng phẳng, nghĩa là công sức nhân viên bỏ ra và vật chất nhận lại phải tương đương. Vật chất là một động lực cống hiến, nhưng nếu chỉ như vậy, rất tiếc là họ đã bỏ qua một động lực rất lớn, là sức mạnh của giá trị tinh thần, của tình thương. Mà sức mạnh này to lớn và có giá trị hơn vật chất, nhất là trong những thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn.

Câu chuyện của GS. Phan Văn Trường khiến tôi nghĩ đến một doanh nhân, người mà những thăng trầm của cuộc đời ông đã nhẹ đi phần nào nhờ sự nâng đỡ của tinh thần, tình thương. Những năm 2015 - 2016, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức rơi vào khó khăn. Từ người giàu nhất sàn chứng khoán và có chuyên cơ riêng đầu tiên ở Việt Nam, bầu Đức trở thành người gánh khoản nợ hàng chục nghìn tỷ đồng, Hoàng Anh Gia Lai mất thanh khoản và có thời điểm, 8 tháng không có tiền trả lương cho nhân viên… Nhưng lúc bĩ cực nhất, vẫn không ai rời bỏ ông, ngoại trừ một số người rời đi vì lý do cá nhân. Điều gì giữ họ ở lại, nếu không phải là tình nghĩa và niềm tin một ngày Hoàng Anh Gia Lai sẽ lại vươn lên dưới sự dẫn dắt của người lãnh đạo họ yêu quý?

PV: Có thể thấy, văn hóa Á Đông của chúng ta hỗ trợ rất nhiều cho con người, doanh nghiệp Việt Nam khi phát triển ra thế giới. Chúng ta không nên tự ti, mà hãy tự tin vào vẻ đẹp và sức mạnh của văn hóa Á Đông, để từ đó, biết phát huy và áp dụng những giá trị đó khi hội nhập quốc tế?

GS. Phan Văn Trường: Văn hóa không phải là tổng số kiến thức chúng ta đã học ở trường lớp hay đọc thuộc lòng trong các cuốn sách về văn hóa, truyền thống dân tộc, tính nhân văn hay những gì tương tự như vậy.

Văn hóa là làm thế nào để người với người đối xử với nhau một cách nhân văn, truyền cho nhau tình thương và cho nhau cảm nhận chúng ta cùng là loài người. Có lẽ, đó là văn hóa ân cần, văn hóa bảo vệ và gìn giữ tài nguyên quý giá nhưng có giới hạn mà vũ trụ đã ban tặng. Địa cầu này không nhiều hơn những gì có sẵn, vậy nên, hãy khai thác, sử dụng tiết kiệm và tái tạo tài nguyên. Chúng ta sẽ đi sai đường nếu không tôn trọng văn hóa và những gì vũ trụ mang lại.

Nền văn hóa nào trên địa cầu này cũng rất đẹp vì tiêu biểu cho một tư duy, phong cách sống truyền thống mà bất cứ dân tộc nào dù đông đảo hay thưa thớt cũng phải mất hàng vạn năm để xây dựng. Những khác biệt về văn hóa, phong cách cũng như nếp nghĩ, sự đa dạng về truyền thống, phong tục phải làm cho chúng ta tự hào rằng mình đã sáng suốt không chọn đi trên lộ trình của sự đồng hóa. Chẳng có gì để mặc cảm khi chúng ta khác biệt. Người Việt chúng ta biết yêu, biết nhận và trao trọn tình yêu nên sẽ tạo ra một mẫu công dân, hay doanh nhân toàn cầu phiên bản Việt đầy văn hóa, từ bi và trách nhiệm.

PV: Ông nghĩ sao về xu hướng doanh nghiệp xã hội, doanh nhân xã hội hiện nay?

GS. Phan Văn Trường: Tôi có viết một cuốn sách là “Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ”; trong đó, tôi cho rằng chúng ta phải hành xử mỗi phút, mỗi giây như là một công dân vũ trụ. Vũ trụ đã cho chúng ta một địa cầu tuyệt vời, nếu chúng ta không hành xử đúng đắn như là công dân vũ trụ thì rất đáng tiếc.

Có thể nền kinh tế nước ta chưa cho chúng ta cảm nhận được văn hóa phát triển doanh nghiệp xã hội; cho dù vẫn còn một bộ phận thiếu trách nhiệm, thì hiện thời tôi đã có thể thấy cao trào doanh nghiệp, doanh nhân xã hội rất tích cực khi mỗi doanh nhân, mỗi bạn trẻ khởi nghiệp đều nhận thức được việc không thể nào làm giàu bằng cách phá hoại trái đất này.

Địa cầu này không thể tồn tại và hệ sinh thái của thế giới sẽ bị hủy hoại nếu con người cứ mù quáng, miệt mài lao vào khai thác khoáng sản, tài nguyên để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng. Chính vì thế, tinh thần doanh nhân xã hội không chỉ là một xu hướng, mà còn phải hiểu như là sự tự giác tu thân của mỗi người, cùng hướng đến mục tiêu tốt lành là làm cho thế giới đẹp hơn, nhân ái hơn, hiền hòa hơn, đạo đức hơn.

Tôi có những người học trò khởi nghiệp từ cách đây 20 năm, cũng có người đến lúc giàu lên thì bắt đầu dừng lại và hưởng thụ, nhưng có những người bảo rằng, đến đây rồi họ mới tìm thấy đầy đủ công cụ để làm những điều tốt hơn cho xã hội hay để giúp đỡ những bạn trẻ khởi nghiệp phía sau, khiến tôi rất ngưỡng mộ. Những người muốn dừng lại cũng không có gì đáng trách, nhưng tôi nghĩ, mỗi chúng ta nên có bổn phận đóng góp xây dựng đất nước.

“Bền vững chính là đi làm cái gì hợp lý nhất, đúng chức năng nhất” 

PV: Chúng ta đang ở trong thời kỳ, không riêng gì Việt Nam mà cả thế giới cùng hướng đến phát triển bền vững. Thử hỏi, tài sản gia tăng, GDP tăng cao liệu có còn nhiều ý nghĩa không nếu chúng ta tự tay hủy hoại “ngôi nhà” của mình mỗi ngày. Theo ông, con đường phát triển bền vững ở Việt Nam không thể thiếu điều gì?

GS. Phan Văn Trường: Đất nước Việt Nam vô cùng tươi đẹp. Đi từ Bắc xuống Nam, tôi thấy biết bao vẻ đẹp khác nhau, trù phú lắm, nhất là miền duyên hải. Nhưng chúng ta không đi tìm sự tự lực tự cường trong những vẻ đẹp đó. Từ bấy lâu nay, chúng ta đã đi theo mô hình sản xuất rẻ, nhận làm gia công cho thế giới, đón nhận và hài lòng với họ, nhưng đó không phải là tất cả. Nói về tự lực tự cường, chúng ta còn phải cố gắng.

Có lẽ phải định nghĩa chức năng của nước Việt Nam là gì, chức năng của dân tộc Việt Nam là gì? Trong một thế giới ngày càng ô nhiễm, hỗn độn và rối ren, nếu chúng ta gìn giữ được đất nước Việt Nam một cách tráng kiện, sạch sẽ, trong trẻo, thì đó là ân huệ cho những ai được đến Việt Nam. Ví dụ ở đất nước Bhutan, họ bảo chúng tôi chỉ có một thứ thôi, đó là chúng tôi không ô nhiễm nhưng các bạn phải trả tiền khi vào đất nước chúng tôi.

Thế nhưng chúng ta không khai thác điều đó mà thực hiện gia công nhiều hơn. Bạn hình dung xem, người ta vẽ con cá sấu trên áo thun thôi nhưng họ được hưởng 90%, còn chúng ta làm ra cả cái áo, nhưng chỉ nhận về 3%. Tôi nghĩ nhiều doanh nhân cũng đang đau đáu về vấn đề đó. Nhưng trách nhiệm có lẽ không thuộc về Chính phủ hay chủ doanh nghiệp, mà đi hẳn vào văn hóa làm kinh tế của chúng ta.

Trong khi đó, dân tộc, đất nước chúng ta tuyệt vời lắm. Có ở đâu mà thức ăn phong phú, đa dạng và tốt như ở Việt Nam? Thế giới bảo ăn rau, ăn cá là tốt nhất, thì Việt Nam không thiếu. Thậm chí chúng ta còn vô địch thế giới về thảo mộc. Chức năng của chúng ta đấy, nhưng tại sao chúng ta không tập trung để phát triển lớn mạnh?

Tôi mở ra Cầy Nền (tháng 5/2019) dựa trên ý tưởng doanh nghiệp khởi nghiệp muốn phát triển bền vững cần gắn kết mình trong hệ sinh thái, chứ không nên phát triển đơn độc. Do đó, Cấy Nền là một hệ sinh thái kết nối và tương hỗ lẫn nhau hoàn toàn miễn phí trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, pháp lý, tài chính, farmstay, truyền thông, coaching, nghệ thuật…

Ở đó có các lớp học ngắn ngày, miễn phí, để mọi người cùng thảo luận, chia sẻ các đề tài về khởi nghiệp. Trong Cấy Nền, mọi người được kết nối, tương hỗ lẫn nhau, trên tinh thần bình đẳng, hônbf nhiên, thẳng thắn và tích cực. Trong hệ sinh thái này, không có sự phân biệt giàu nghèo, chức vụ, ai cũng có thể vừa làm thầy vừa làm trò.

Cấy Nền cũng có những nhóm làm việc dựa trên thảo dược và du lịch sinh thái. Chúng ta phải thực sự chứng minh được bản chất sinh thái của vòng tròn năng lượng, vòng tròn nuôi dưỡng mình muốn thành lập, để từ đó thực sự xây dựng được nền kinh tế phát triển bền vững.

PV: Những điều ông chia sẻ là trách nhiệm không của riêng ai, là trách nhiệm của tất cả công dân Việt Nam, nhưng doanh nhân là một trong những bộ phận quan trọng đứng ra thực hiện điều đó?

GS. Phan Văn Trường: Trong phát triển thì yếu tố bền vững là quan trọng nhất. Nhưng chúng ta cũng phải thông cảm cho người doanh nhân. Họ là những người có trách nhiệm và vì thế họ sẽ hành xử theo luật pháp. Hệ thống pháp luật của chúng ta còn khá trẻ, nhiều đạo luật chưa hình thành, chứ không phải chúng ta không muốn thực hiện phát triển bền vững.

Chúng ta cũng ghi nhận có những doanh nghiệp Việt Nam đã tiên phong khai thác những cái mới và tạo ra giá trị cho xã hội. Chúng ta cũng làm nông nghiệp công nghệ cao, tạm gọi là 4.0 nhưng có lẽ không nên mang tư duy “tăng trưởng mãi” mà hãy tiến tới sự đơn giản hơn, là sản xuất những gì thơm ngon và tốt lành cho sức khỏe.

Bạn thấy không, Iphone mỗi ngày đều có thể cập nhật, tức là tạo thêm giá trị, vậy thì chúng ta cũng nên xây dựng văn hóa tạo thêm giá trị mới từ những giá trị có sẵn, chứ đừng đi tìm và khai thác những cái cũ để làm ra thu nhập cổ điển nữa. Trong khi đó, đối với những người tiên phong, thấy đâu có giá trị thì họ dấn thân vào để tìm và tạo ra giá trị mới. Điều này góp phần giúp cho xã hội văn minh hơn.

Về đất đai, để tránh khai thác xô bồ, cần có quy hoạch tích hợp bài bản cho cả nước: Đâu là vùng công nghiệp, đâu là vùng du lịch... Nghĩa là phải xem lại chức năng từng vùng miền là gì, cũng như quay lại câu chuyện, chức năng của nước Việt Nam là gì? Vũ trụ đã cho chúng ta mảnh đất tuyệt vời như thế, hãy cất công tìm hiểu, xem với mỗi vùng, mỗi mảnh đất nên làm gì để hợp lý nhất?

Bởi vì bền vững chính là đi làm cái gì hợp lý nhất, đúng với chức năng của nó nhất.

Không riêng gì doanh nhân, loài người chúng ta đang dần nhận thức về sự cần thiết của một nền kinh tế mới, bớt tham lam, tiết kiệm hơn, nhân văn hơn và chỉ cần tạo vừa đủ giá trị khi thực sự cần thiết. Đó là một nền kinh tế thân thiện hơn với môi trường, thuận hòa hơn với tự nhiên.

PV: Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông!

Bước ra thế giới, chúng ta có gì để cho đi?

Có nhiều câu chuyện bước ra thế giới tràn đầy cảm hứng của doanh nhân Việt Nam, nhưng xin bắt đầu từ bước chân sang Nga của bà Thái Hương – Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH. Tháng 9/2018, nhà máy chế biến sữa tươi sạch có quy mô và công nghệ hiện đại nhất nước Nga đã được TH khởi công ở tỉnh Kaluga, nhưng từng bước đi vững chãi đã bắt đầu từ năm 2015.

Chia sẻ về lý do chọn nước Nga, bà Thái Hương cho biết, đó là thời điểm phù hợp để đầu tư cũng như tri ân nghĩa tình nước Nga, cả trong quá khứ và hiện tại đối với Việt Nam. TH đưa sang Nga mô hình chăn nuôi bò sữa công nghệ cao vốn đã áp dụng thành công tại Việt Nam. Nước Nga cũng sẵn sàng giao cho Tập đoàn TH hàng chục nghìn héc-ta đất và hỗ trợ vốn vay lãi suất ưu đãi. Thiện chí của hai bên, tình yêu nước Nga và quyết tâm của bà Thái Hương đã phủ màu xanh của cỏ mombasa, cao lương và ngô cho những cánh đồng hoang vùng Kaluga, Moscow. Và người dân Nga được hưởng nguồn sữa hoàn toàn từ thiên nhiên ngay trên vùng đất của mình.

Không một doanh nhân vị kỷ nào có thể đi được con đường dài của hội nhập và phát triển. Bà Thái Hương cũng vậy, nếu sang Nga chỉ với mục đích duy nhất là lợi nhuận, liệu TH có phát triển lớn mạnh, bền vững và nhận được nhiều tin yêu của nhân dân Nga?

Theo GS. Phan Văn Trường, doanh nghiệp đi nhanh nhất là doanh nghiệp hồn nhiên, nhưng phải là sự hồn nhiên có đạo đức, chính xác và có văn hóa. Cuộc sống không cần đứng thứ nhất, mà quan trọng là chúng ta tạo ra giá trị gì cho xã hội. Đặc biệt, vòng tròn năng lượng, nơi mọi nỗ lực của các cá nhân được cộng hưởng, nhân lên sẽ tạo ra vòng tròn nuôi dưỡng. Đây mới là điều cốt yếu, bởi không ai có đủ dụng cụ, nhiên liệu, nhân lực, trí tuệ để thực hiện bất kỳ điều gì một mình. Tất cả phải cùng chung tay xây dựng thế giới theo nguyên lý của một hệ sinh thái.

TH đã mang tinh thần đóng góp, chia sẻ đến với nước Nga. Như GS. Phan Văn Trường chia sẻ với chúng tôi: “Liệu có phải chúng ta nghèo quá nên không có gì để cho đi? Chúng ta có thể nghèo vật chất, nhưng không nghèo văn hóa. Tôi chỉ có một lời khuyên, đi đâu cũng hãy cho hết mình, cống hiến hết mình cho cộng đồng chung là nhân loại trên trái đất này. Hãy hòa mình và trao đổi tối đa để hai bên cùng nhận được những giá trị mà tự mình chưa có hoặc không có”.

Thu Ngà
Ảnh nhân vật: Tùng Dương
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top