LTS: Danh từ “Doanh nhân” là để gọi những chủ doanh nghiệp mới xuất hiện ở nước ta chừng mấy thập niên gần đây. Bắt đầu từ năm 2004, ngày 13/10 hàng năm được chọn làm “Ngày Doanh nhân Việt Nam”, theo quyết định số 990/QĐ-TTG, Thủ tướng Phan Văn Khải ký ban hành ngày 20/9/2004. Quyết định chọn ngày 13/10 làm “Ngày Doanh nhân Việt Nam” của Thủ tướng Chính phủ là theo đề nghị của các Hiệp hội doanh nghiệp và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Doanh nhân Việt Nam, từ xa xưa, đến cận đại và thời đại hiện nay, đã dần dần khẳng định vị trí và đóng góp của mình vào công cuộc phát triển chung của đất nước. Đằng sau sự thay đổi lớn lao ấy, vẫn còn rất nhiều những ý kiến trái chiều, nhưng dấu ấn và xu thế phát triển là không thể phủ nhận. Những thay đổi ấy làm cho chúng ta vững tin vào chính nội lực phát triển của đất nước. Nhiều Doanh nhân hàng đầu của Việt Nam đã lọt vào bảng xếp hạng những tỷ phú của thế giới, góp vào thế giới những thành tựu mới về phát triển kinh tế, rất đáng ngưỡng mộ. Và càng vui hơn khi những tên tuổi hàng đầu ấy lại là những doanh nhân có phẩm chất và năng lực nền tảng, có hoài bão, kiên định việc dốc hết vốn liếng của mình để đầu tư phát triển ở ngay tại đất nước của mình. Họ mang lại niềm tự hào cho người Việt Nam. Họ là những Doanh nhân có tinh thần dân tộc. Chúng ta đã có thể gọi họ là những Doanh nhân dân tộc của Việt Nam. Nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) khởi đăng loạt bài: Doanh nhân và niềm tự tôn dân tộc, như một lời tri ân với những doanh nhân chân chính, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước, là thêm một dịp thể hiện sự kỳ vọng vào đội ngũ tinh hoa này sẽ tiếp tục tiến lên, vượt qua những thách thức, đóng góp vào công cuộc chung! Đồng thời, cũng là dịp để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà báo và các doanh nhân đưa ra những góp ý, kiến giải để tiếp tục xây dựng một đội ngũ doanh nhân dân tộc đích thực. Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả! |
PV: Cách đây gần 20 năm, trong bản đề án chống lạm phát gửi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, ngoài giải pháp đề xuất lãi suất dương, ông còn đặt ra giải pháp như tăng tỷ trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Giải pháp đó đã được triển khai và thực hiện ra sao, thưa ông?
GS. TSKH. Võ Đại Lược: Lúc bấy giờ, tôi có đề nghị khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm xuống đến mức rất thấp (số liệu lúc bấy giờ tôi đề nghị còn khoảng 15%). Bởi một nền kinh tế thị trường không thể thiếu đi vai trò đóng góp chủ đạo của khu vực kinh tế tư nhân. Ngay khi đề xuất, một số vị lãnh đạo đã không tán thành. Cho nên, rốt cuộc, đề án khả thi như vậy nhưng khi thực hiện thì đồng chí Đỗ Mười nói với tôi rằng, chỉ cần một giải pháp cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chứ còn tăng tỷ trọng doanh nghiệp tư nhân là điều không khả thi.
Tuy nhiên, sau khi giải pháp tăng lãi suất dương để kiềm chế lạm phát thì tình trạng các doanh nghiệp Nhà nước đình đốn, tự giải tán diễn ra phổ biến. Cho nên, không cần nói thu hẹp thì qua đợt chống lạm phát năm 1989 -1991, khu vực doanh nghiệp Nhà nước tự giải thể rất mạnh. Và sau này, khi tiến hành cổ phần hóa số doanh nghiệp quốc doanh còn giảm mạnh nữa. Tôi nhớ thời điểm đó, khu vực doanh nghiệp Nhà nước, hợp tác xã chiếm 95% GDP, tức là khu kinh tế tư nhân, gia đình chỉ chiếm 5 - 6%. Đến năm 1995, chính đồng chí Đỗ Mười là người đồng ý chủ trương giải thể bớt quốc doanh, hợp tác xã.
Cho đến nay, khu vực quốc doanh của chúng ta còn chiếm khoảng 28% cơ cấu GDP cả nước nhưng nếu cộng cả số lượng doanh nghiệp trong công an và quốc phòng thì con số đó còn cao hơn. Nếu cộng thêm với các ngân hàng quốc doanh nữa thì con số đó phải chiếm khoảng 34 - 40%. Đó là một tỷ trọng còn rất lớn, trong khi doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 18 - 19% GDP, còn khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lại rất nhỏ, khoảng 10%. Vài năm gần đây, tỷ trọng doanh nghiệp tư nhân giảm xuống dưới 10%.
PV: Gần 2 thập kỷ trôi qua, mặc dù tỷ trọng của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đóng góp trong cơ cấu kinh tế đã có sự thay đổi đáng kể song vẫn còn khiêm tốn. Một nền kinh tế thị trường sẽ đi về đâu nếu khu vực doanh nghiệp tư nhân chưa có tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế?
GS. TSKH. Võ Đại Lược: Một nền kinh tế thị trường mà khu vực doanh nghiệp tư nhân nhỏ bé, lép vế, không nhận được nhiều ưu đãi so với doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp FDI là một điều không bình thường với thị trường. Nếu cứ giữ cơ cấu thành phần kinh tế như vậy, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân, của nền kinh tế cả nước sẽ kém. Vì doanh nghiệp Nhà nước khả năng cạnh tranh thấp, nhưng lại nắm các ngành độc quyền. Còn doanh nghiệp FDI không chịu sự ràng buộc nhiều từ phía Việt Nam, lại được trải thảm đỏ nên khả năng cạnh tranh rất tốt.
Một nền kinh tế thị trường mà vai trò của doanh nghiệp tư nhân thấp thì đó là nền kinh tế thị trường méo mó.
PV: Thực tế, chủ trương của Nhà nước đã và đang khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia đóng góp, xây dựng và phát triển kinh tế. Nhưng đến nay, khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa thực sự bứt phá đúng như tiềm năng vốn có của nó. Nguyên nhân là đâu, thưa ông?
GS. TSKH. Võ Đại Lược: Tôi cho rằng, doanh nghiệp tư nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn từ cơ chế, chính sách. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam phải vay với lãi suất 10%/năm, và có khi hơn. Vậy thì làm gì để tạo ra khoản lợi nhuận cao hơn 10% khi bao nhiêu chi phí chồng lên nhau. Chưa kể, vấn đề lạm phát gia tăng càng đẩy doanh nghiệp tư nhân vào thế khó.
Một doanh nghiệp Trung Quốc chỉ vay với lãi suất 4 - 5% còn ở Việt Nam, lãi suất lên tới 10%. Tất yếu, sự cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam là thấp. Rồi doanh nghiệp tư nhân còn phải đối mặt với tình trạng thủ tục hành chính rắc rối, nạn tham nhũng.
Một đất nước mà tầng lớp doanh nhân có tới hàng nghìn người như ông Phạm Nhật Vượng trên tất cả các ngành công nghiệp, nông nghiệp thì chắc chắn rằng quốc gia đó sẽ rất phát triển.
Với một môi trường đầu tư kinh doanh như hiện nay thì chỉ có một số doanh nghiệp lớn vẫn có thể vươn lên như Vingroup, FLC,… Nhưng con số đó sẽ ít, còn đa số các doanh nghiệp nhỏ khó phát triển lớn mạnh trong bối cảnh như hiện nay.
Cũng bởi những rào cản khó khăn, trong vòng 8 tháng đầu năm 2018, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động chủ yếu thuộc về khu vực tư nhân. Điều đó chứng tỏ môi trường đầu tư đang chưa thực sự cởi mở cho khối doanh nghiệp này. Trong khi, doanh nghiệp FDI lại tăng mạnh. Mà một nền kinh tế thị trường, người ta phải nhìn vào sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.
PV: Thưa ông, khách quan nhìn nhận rằng, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp lớn bắt đầu đứng lên xây dựng đất nước. Điển hình gần đây nhất là Vingroup, khi bước đầu thành công trong việc đưa hình ảnh của hãng ô tô thương hiệu Việt mang tên Vinfast ra thị trường thế giới. Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực của những doanh nhân Việt trong việc khẳng định vị trí của mình?
GS. TSKH. Võ Đại Lược: Hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân lớn đều rơi vào lĩnh vực bất động sản như Vingroup, FLC, Sun Group… Còn các doanh nghiệp tư nhân nhỏ, vừa vẫn còn đang tiếp tục khẳng định mình. Tôi cho rằng, việc lấn sân của Vingroup sang lĩnh vực ô tô là tín hiệu đáng mừng. Nhưng điều tôi hơi tiếc là các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp chế biến còn rất khiêm tốn.
Đến bây giờ, chúng ta đã có tỷ phú Phạm Nhật Vượng và một số tỷ phú khác. Đây đã là tín hiệu đáng mừng trong đội ngũ doanh nhân. Một đất nước mà tầng lớp doanh nhân có tới hàng nghìn người như ông Phạm Nhật Vượng trên tất cả các ngành công nghiệp, nông nghiệp thì chắc chắn rằng quốc gia đó sẽ rất phát triển.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!