“Đất vàng” chưa đấu giá đã “nóng”!
Theo Quyết định số 1827/QĐ-UBND ngày 7/10/2021 về việc điều chỉnh bổ sung kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, khu đất 680,7m2 là trụ sở cũ của Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Hòa dự kiến sẽ được đem ra đấu giá. Theo phê duyệt, dự kiến giá khởi điểm là 9,5 tỷ đồng. Theo quan sát, khu đất trên tọa lạc tại mặt đường Tỉnh lộ 206, qua trung tâm đô thị với mặt cắt đường rộng 33m là trục đường chính đô thị.
Mặc dù chính quyền huyện Quảng Hòa đang làm các bước đúng quy trình để có thể tiến hành đưa ra đấu giá theo kế hoạch đã đề ra, tuy nhiên, hiện nay việc tổ chức đấu giá chưa biết đến thời điểm nào sẽ thực hiện. Nguyên nhân là do người dân cho rằng, phần diện tích đất nêu trên có thuộc quyền quản lý, sử dụng của gia đình họ và cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn?
Bà Bế Thị Phành (SN 1957, trú tại phố Hòa Nam, thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) cho biết, gia đình bà có diện tích đất rộng khoảng 1.575,12m2 tại khu Cốc Đứa. Khu đất này có nguồn gốc do bố mẹ chồng bà khai phá và quản lý sử dụng từ trước những năm 1958. Đến năm 1959, gia đình bà đưa đất canh tác vào Hợp tác xã Trường Xuân, xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa.
Năm 1985, trước khi bố mẹ chồng mất có để lại cho vợ chồng bà quản lý và sử dụng. Năm 1988, Hợp tác xã Trường Xuân giải thể, gia đình bà vẫn tiếp tục sử dụng thửa đất nêu trên. Năm 1993, gia đình bà có bán (790m2) cho các em họ là 4 hộ gia đình bao gồm: Lý Thị Hồng với diện tích 196m2, Lý Ích Thành với diện tích 322m2, Hà Thị Tuyên diện tích 196m2, Phan Thị Chinh diện tích 76m2 và các hộ gia đình này đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Tổng diện tích đất của gia đình tôi còn lại là 785,12m2. Sau đó, tôi cho bà Lý Thị Hồng mượn để canh tác, sử dụng trồng cây rau lang và cây bon để chăn nuôi lợn. Năm 1997 - 1998, Nhà nước thu hồi của gia đình tôi 55m2 để làm đường Tỉnh lộ 206. Năm 2018, Nhà nước tiếp tục thu hồi 24,36m2 (đoạn 1) và 7,56m2 (đoạn 2) để làm mương thoát nước. Tổng cộng diện tích đất bị thu hồi làm đường, làm mương là 86,92m2 và 2 lần tôi đều được nhận tiền bồi thường. Điều này chứng minh việc chính quyền đã công nhận quyền sử dụng của gia đình tôi. Hiện đất của tôi còn lại là 698,2m2”, người dân trình bày.
Việc gia đình bà Phành bị thu hồi đất và được bồi thường thể hiện ở Bảng tổng hợp danh sách nhận tiền bồi thường đất đai phục vụ công trình khắc phục thoát lũ, phố Hòa Nam, thị trấn Quảng Uyên (do ông Lý Văn Trung - Chủ tịch UBND thị trấn Quảng Uyên ký tháng 1/2018). Theo đó, hộ gia đình bà Bế Thị Phành được nhận tổng số tiền bồi thường hơn 66 triệu đồng.
Theo phản ánh, trước đây Hạt Kiểm lâm Quảng Hòa được Hợp tác xã Trường Xuân cấp cho 1.000m2 đất (nguồn gốc đất do bà Phan Thị Phảy đang sử dụng - tiếp giáp đất bà Phành) để làm vườn ươm giống cây. Sau đó, trên phần đất này Điện lực huyện Quảng Hòa có làm trạm biến thế F2 với diện tích là 639m2, diện tích đất còn lại là 286m2 đã được Hạt Kiểm lâm dùng để xây dựng trụ sở cơ quan.
Tuy nhiên, đến năm 2017, gia đình bà tình cờ biết được vào năm 2012, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BL845966, diện tích 680,7m2 cho Hạt Kiểm lâm Quảng Hòa. Bà Phành cho rằng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng đã cấp sai diện tích cho Hạt Kiểm lâm, trong đó có cả diện tích đất của gia đình bà là 394,7m2.
“Tổng cộng diện tích Hạt Kiểm lâm được Hợp tác xã bàn giao là 1.000m2 đất. Hai cơ quan là Hạt Kiểm lâm và Điện lực huyện Quảng Hòa chỉ được sử dụng trong phạm vi 1.000m2 đất đã được cấp. Phần đất tiếp giáp phía ngoài (mặt đường tỉnh lộ 206) là đất của gia đình tôi đã sử dụng nhiều năm. Không hiểu căn cứ vào đâu mà Hạt Kiểm lâm lại cho rằng diện tích đất của nhà tôi thuộc quyền sử dụng của họ và sau đó họ đo đạc bản đồ, được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như vậy?”, người dân đặt câu hỏi.
Điều đáng nói, theo thông tin ban đầu thì diện tích 680,7m2 “đất vàng” trụ sở cũ của Hạt Kiểm lâm Quảng Hòa dự kiến sẽ được đem ra đấu giá quyền sử dụng đất trong quý IV/2022. Việc này khiến cho người dân địa phương xôn xao mỗi khi có đoàn công tác về thực địa, kiểm tra hiện trạng mảnh đất. Người dân cho biết, với thông tin chính quyền địa phương sẽ tổ chức đấu giá khu "đất vàng" đã thu hút nhiều cá nhân và doanh nghiệp quan tâm. Ngoài khu đất nêu trên, nhiều trụ sở cũ của các cơ quan trên địa bàn tỉnh Cao Bằng sau di dời theo kế hoạch cũng sẽ được đem ra đấu giá trong năm 2022.
Cần xác minh làm rõ quy trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Người dân cho rằng, quá trình sử dụng đất từ trước tới nay họ không tranh chấp với ai và được sử dụng ổn định, lâu dài. Liên quan đến vụ việc nêu trên, có nhiều người dân, cán bộ thị trấn Quảng Uyên, Hợp tác xã, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm các thời kỳ đó xác nhận việc gia đình bà Phành đã quản lý sử dụng khu đất nêu trên và Hạt Kiểm lâm Quảng Hòa trước đây chỉ được giao 1.000m2 đất, thuộc diện tích đất của gia đình bà Phan Thị Phảy.
Được biết, người dân cũng đã có đơn đề nghị giải quyết gửi đến nhiều cơ quan chức năng như: UBND tỉnh Cao Bằng, UBND huyện Quảng Hòa, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, UBND thị trấn Quảng Uyên. Cho rằng các cơ quan này chưa đưa ra câu trả lời thỏa đáng, bà Phành đã nộp đơn khởi kiện đến Toà án Nhân dân tỉnh Cao Bằng.
Hiện, vụ án hành chính đã được Tòa án Nhân dân tỉnh Cao Bằng thụ lý, chờ đưa ra xét xử.
“Tôi đề nghị Tòa án giải quyết yêu cầu UBND tỉnh Cao Bằng hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BL845966, diện tích 680,7m2 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng cấp cho Hạt Kiểm lâm vào năm 2012. Đồng thời, buộc Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Uyên (nay là huyện Quảng Hòa) phải trả lại diện tích đất 394,7m2 (một phần đất được cho là của bà Phành) cho tôi”, bà Phành cho hay.
Về việc này, theo ông Lý Viết Mao - Chủ tịch UBND thị trấn Quảng Uyên, khu đất trụ sở cũ của Hạt Kiểm lâm Quảng Hòa sẽ được đem ra đấu giá. Trước đó, xã đã tiếp nhận đơn của gia đình bà Phành đề nghị hòa giải vụ việc, tuy nhiên sau đó bà Phành rút đơn và nộp đơn khởi kiện hành chính ra Tòa án.
Liên quan đến việc vướng mắc trong việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trụ sở cũ Hạt Kiểm lâm Quảng Hòa, trả lời với Reatimes, ông Nguyễn Thành Hải - Chủ tịch UBND huyện Quảng Hòa (tỉnh Cao Bằng) cho biết, sau khi sáp nhập huyện (sáp nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên thành huyện Quảng Hòa), theo phương án xử lý tài sản để tránh lãng phí các trụ sở thì huyện cũng đã đề xuất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được tỉnh đồng ý chuyển Hạt Kiểm lâm về trụ sở xã đã để thực hiện việc sáp nhập và bố trí sử dụng tài sản hợp lý.
“Việc đó đã thực hiện xong và huyện đã báo cáo tỉnh xin bán đấu giá khu đất này. Khi đặt vấn đề đấu giá thì người dân nghe tiếng và đã có đơn. Hiện Tòa án đang giải quyết đơn của bà Phành và chuẩn bị đưa ra xét xử”, ông Hải cho hay.
Ông Hải cũng cho biết, tỉnh đã phê duyệt phương án đấu giá khu đất trên. Hiện, UBND huyện Quảng Hòa vẫn đang làm song song hồ sơ, thủ tục cần thiết đấu giá theo đúng quy định, đồng thời chờ phê duyệt của tỉnh và phán quyết của Tòa án.
“Nếu tòa tuyên bác bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đương nhiên mình phải hủy bỏ đấu giá”, ông Hải khẳng định.
Đại diện Hạt Kiểm lâm Quảng Hòa cũng cho hay, hiện chỉ nắm được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho đơn vị này từ thời điểm năm 2012. Còn việc ban đầu Hạt Kiểm lâm được đơn vị nào giao đất, với diện tích bao nhiêu, tại vị trí nào thì đơn vị này chưa cung cấp được. Đây cũng là vấn đề mà người dân đặc biệt quan tâm, có lẽ đó là chìa khóa để mở “nút thắt” trong vụ việc trên.
Có thể nói, việc chính quyền tỉnh Cao Bằng phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của tỉnh và thực hiện việc chuyển giao tài sản, phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất đối với một số khu đất trước đây là trụ sở các cơ quan Nhà nước là rất kịp thời và đúng quy định. Việc này phù hợp với chủ trương chung, một mặt sẽ thu được nguồn ngân sách cho Nhà nước và tránh lãng phí tài nguyên đất đai, đồng thời làm đẹp bộ mặt đô thị cùng với nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.
Tuy nhiên nhiều cử tri cũng kiến nghị, khi người dân có đơn thư phản ánh, chính quyền địa phương cần xem xét, xác minh lại nguồn gốc đất, quá trình sử dụng và quy trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ trụ sở cơ quan Nhà nước. Từ đó, dư luận chờ đợi các cơ quan chức năng đưa ra phán quyết công tâm, đúng bản chất vụ việc và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!