Hàng loạt doanh nghiệp “bức hại” môi trường bị điểm danh
Không ít các doanh nghiệp tại Hà Nam từng bị báo chí phản ánh về các sai phạm trong hoạt động kinh doanh, xử lý chất thải với hậu quả là ô nhiễm môi trường nặng nề, ảnh hưởng về lâu dài tới sức khỏe của người dân và cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng nhiều lần bị cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam “điểm danh” và ra các văn bản xử phạt, yêu cầu tạm dừng hoạt động.
Cụ thể, qua số liệu thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT) giai đoạn 2013 - 2017 cho thấy, tình trạng DN vi phạm quy định pháp luật về môi trường tại Hà Nam diễn ra khá phổ biến.
Theo đó, tháng 10/2013, Bộ TNMT đã có kết luận số 3902/KLTTr-BTNMT việc chấp hành các quy định pháp luật về tài nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam, Bộ đã kiến nghị tỉnh Hà Nam chấn chỉnh tình trạng vi phạm về môi trường tại 20 DN.
Tháng 12/2016, sau 3 năm, Bộ TNMT thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện Kết luận số 3902/KLTTr-BTNMT thì phát hiện 10/20 DN vẫn chưa chấp hành các quy định của pháp luật, không nghiêm túc thực hiện kiến nghị của cơ quan thanh tra.
Đơn cử: Chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư sông Đà - Việt Đức chưa nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính, khai thác vượt công suất, thực hiện giám sát môi trường định kỳ không đúng quy định, thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường không đúng quy định, không thực hiện đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa báo cáo xác nhận hoàn thành công trình xử lý về môi trường, biện pháp bảo vệ môi trường trước khi đi vào vận hành chính thức, không bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại theo đúng quy định, chuyển giao đất thải nguy hại cho đơn vị không có chức năng xử lý.
Công ty Cổ phần Khoáng sản Lộc Hạ khai thác không đúng theo thiết kế mỏ, lắp đặt thêm 1 trạm nghiền công suất 120 tấn/giờ nhưng không được nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa báo cáo xác nhận hoàn thành công trình xử lý môi trường, biện pháp bảo vệ môi trường trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức.
Công ty Cổ phần Khai thác, chế biến khoáng sản Thông Đạt thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường không đúng quy định đối với mỏ Thung Bầu, chưa thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ và cải tạo mỏ Đồng Cân và Thung Bầu, chưa lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết cho khu vực văn phòng và chế biến đá công suất 350 tấn/giờ.
Công ty TNHH Xuân Tường không thực hiện giám sát môi trường theo đúng quy định đối với khu vực mỏ Bầu Quanh, chưa báo cáo xác nhận hoàn thành công trình xử lý môi trường, biện pháp bảo vệ môi trường trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức đối với mỏ Bầu Quanh, không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với khu vực mỏ Đồng Cần theo quy định, không lập dự án cải tạo phục hồi môi trường đối với mỏ Đồng Cân…
Điểm qua một vài doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Nam có thể thấy, suốt 3 năm kể từ khi Bộ TNMT ban hành kết luận, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục vi phạm, phớt lờ các quy định của pháp luật về môi trường. Rõ ràng, UBND tỉnh Hà Nam vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức tới việc thực hiện kết luận thanh tra của bộ ngành, vẫn còn biểu hiện buông lỏng quản lý trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn để tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường vẫn xảy ra khá phổ biến.
Từ đầu năm 2020 đến nay, những cái tên như: Công ty TNHH Savina Hà Nam; Công ty Cổ phần Amaccao... gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường qua các hoạt động sản xuất kinh doanh tại Hà Nam là những cái tên “đáng được chú ý”.
Tháng 3/2020, qua các phản ánh trên báo chí, Sở TNMT tỉnh Hà Nam đã thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty Cổ phần Amaccao. Kết luận thanh tra chỉ rõ: Công ty Cổ phần Amaccao tại Hà Nam không chấp hành các nội dung, quy định, điều khoản tại Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Đối với những hành vi huỷ hoại môi trường gây ra, Công ty Amaccao bị xử phạt 270 triệu đồng; đình chỉ hoạt động 4,5 tháng để thực hiện xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định.
Qua kiểm tra, Công ty Cổ phần Amaccao chưa xây lắp đủ công trình bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt (chưa xây dựng bể xử lý nước thải 160 m3; ao sinh học 1500 m2); chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường nhưng đã đi vào hoạt động; không thực hiện đầy đủ, thiếu tần suất giám sát các nội dung chương trình quan trắc, giám sát môi trường nước, môi trường không khí theo quy định, yêu cầu của Báo cáo ĐTM; xả nước thải có chứa thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, thông số pH vượt 1,008 lần...
Tháng 9/2020, Chánh thanh tra Sở TNMT đã ban hành Quyết định số 20/QĐ-XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Công ty TNHH Savina Hà Nam. Theo đó, Sở TNMT đã tổng hợp các hình thức xử phạt với số tiền 354,9 triệu đồng, đình chỉ hoạt động của Công ty 4,5 tháng để xây lắp bổ sung công trình bảo vệ môi trường. Điều đáng nói là Công ty này đã hoạt động gần 6 năm, gây ô nhiễm môi trường bằng việc xả thải trực tiếp, gây bức xúc trong nhân dân.
Tuy nhiên, dù đã quá thời hạn theo quyết định xử phạt, Công ty Savina Hà Nam vẫn chưa nộp tiền xử phạt, chưa khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm theo yêu cầu tại quyết định xử phạt nêu trên. Vì lẽ đó, ngày 29/9, Chánh thanh tra Sở TNMT tỉnh Hà Nam Lại Văn Minh có Công văn số 61/TTr gửi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu Tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Hà Nam đề nghị ngân hàng phối hợp cung cấp thông tin về số tiền và phong toả tài khoản của Công ty TNHH Savina Hà Nam để có căn cứ ban hành quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền tại tài khoản theo quy định.
Doanh nghiệp nhờn luật hay chính quyền thiếu sát sao?
Các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường không chỉ gây bức xúc trong nhân dân mà còn làm "nóng" nghị trường một số kỳ họp HĐND tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên, việc buông lỏng quản lý, thiếu giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quyết định xử phạt của chính quyền khiến dư luận hoài nghi về sự "chống lưng" nào đó khiến doanh nghiệp coi thường, không chấp hành quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, việc xử phạt và đình chỉ hoạt động đối với Công ty Savina Hà Nam do gây ô nhiễm môi trường chỉ sau khi báo chí phản ánh đặt ra câu hỏi về việc tại sao các ngành chức năng tỉnh Hà Nam lại “vào cuộc” chậm trễ đến vậy, khi mà doanh nghiệp này đã có hành vi sai phạm tính bằng “năm”? Liệu rằng, Công ty Savina Việt Nam chỉ là trường hợp “cá biệt”, hay còn những sai phạm khác, của doanh nghiệp khác mà cơ quan chức năng đang chậm trễ vào cuộc?
Có thể thấy rằng, việc ra quyết định xử phạt hàng trăm triệu đồng của UBND tỉnh Hà Nam nhưng không có sự đôn đốc thực hiện, kiểm tra, giám sát đối với những doanh nghiệp vi phạm đang khiến cho các doanh nghiệp này ngày một “nhờn luật” và trở thành một tiền lệ xấu, gây bức xúc cho người dân và đặc biệt là tác hại về lâu về dài tới đất đai, nguồn nước và không khí.
Hệ quả nhãn tiền của ô nhiễm môi trường này là mới đầu tháng 9 vừa qua, trên sông Châu đoạn chảy qua địa phận các xã Đinh Xá (TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), xã Tiên Sơn (Thị xã Duy Tiên) xảy ra tình trạng cá chết nổi trắng sông, người dân nuôi cá thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, đây không phải là lần đầu tiên những hộ dân tại Hà Nam phải trắng tay vì tình trạng ô nhiễm tại nguồn nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy gây ra.
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc vừa công bố vào ngày 20/8/2020, lưu vực sông Nhuệ - Đáy (LVS) có chất lượng nước mặt kém nhất các LVS khu vực phía Bắc.
Lưu vực sông Nhuệ - Đáy chạy qua 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hoà Bình, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Đây là LVS có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Hiện trên LVS này có tới 62% số điểm quan trắc cho kết quả WQI <50 ở mức xấu đến rất xấu, trong đó 31% số điểm quan trắc cho giá trị WQI <25, nước bị ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý trong tương lai.
Trên sông Đáy, đoạn chảy qua Hà Nội và Hà Nam, phần lớn các điểm quan trắc ghi nhận môi trường nước sông ở mức kém (WQI: 26-50), nước sông chỉ có thể sử dụng được cho mục đích giao thông thủy và các mục đích tương đương khác.
Quan trắc 185 điểm trên 5 lưu vực sông, có 15 điểm bị ô nhiễm nặng. Trong đó, lưu vực sông Nhuệ - Đáy chiếm tới 13 điểm. Đây là LVS có chất lượng môi trường nước sông kém nhất trong số các LVS khu vực phía Bắc. Trung bình, mỗi năm các dòng sông Nhuệ, sông Đáy, sông Châu của Hà Nam đón nhận khoảng từ 10 đến 12 đợt ô nhiễm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe và gây thiệt hại không nhỏ về sản xuất nông nghiệp.
Ai cũng biết rằng hậu quả của ô nhiễm nước là vô cùng nghiêm trọng, khi mà những hóa chất độc hại này sẽ từ từ thấm xuống đất, nhiễm bẩn nguồn nước khác và để lại di chứng đến hàng trăm năm. Liệu rằng, có nên đánh đổi môi trường sống và sức khỏe của thế hệ mai sau lấy những chỉ số tăng trưởng kinh tế như lúc này?