Aa

Hà Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 8 toàn quốc trong năm 2023

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Bảy, 06/01/2024 - 06:05

Năm 2023, mặc dù tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi... nhưng tỉnh Hà Nam vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, đứng thứ 8 toàn quốc.

Theo UBND tỉnh Hà Nam, năm 2022, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của Hà Nam đạt 46.065 tỷ đồng. Năm 2023, con số này đã chạm mốc 50.201,9 tỷ đồng, tăng 9,41% so với năm 2022 và đưa Hà Nam trở thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 8 toàn quốc.

Với mục tiêu trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ cao của vùng vào năm 2030, trong chiến lược phát triển kinh tế những năm gần đây, UBND tỉnh Hà Nam đã đặc biệt ưu tiên đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, đường giao thông; rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng khai thác tối đa lợi thế về hạ tầng giao thông.

Do đó, năm 2023, tỉnh Hà Nam đã thu hút được 47 dự án đầu tư. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.156 dự án đầu tư còn hiệu lực. Trong đó, có 369 dự án FDI và 787 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký là 5.415,5 triệu USD và 168.894,4 tỷ đồng.

Hà Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 8 toàn quốc trong năm 2023- Ảnh 1.

Hà Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 8 toàn quốc trong năm 2023. (Ảnh: Báo Hà Nam)

Để tiếp tục giữ đà tăng trưởng nêu trên, ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai hiệu quả 3 khâu đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đó là, xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là hiện đại hóa nền hành chính, cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động.

Cụ thể, các cấp chính quyền cần tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đất đai, tạo quỹ đất sạch để bàn giao cho nhà đầu tư thực hiện các dự án có thu tiền sử dụng đất hoặc bàn giao mặt bằng sạch cho các địa phương tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Trọng tâm là giải phóng mặt bằng để triển khai đầu tư các dự án thuộc Quy hoạch phân khu khu đô thị Bắc Châu Giang, thành phố Phủ Lý; khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, thể dục thể thao tại các xã Liên Sơn, Thi Sơn, huyện Kim Bảng; khu Đại học Nam Cao, khu đô thị khu vực phía Bắc đô thị Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân...

Riêng đối với lĩnh vực phát triển công nghiệp, tỉnh đã và đang chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, địa phương liên quan tập trung hoàn thiện thủ tục để hình thành và phát triển khu công nghệ cao Hà Nam tạo động lực tăng trưởng mới. Hoàn thiện thủ tục, hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án có vốn đầu tư lớn, dự án nhà ở công nhân và các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp… hoàn thiện thủ tục, sớm đi vào khởi công, đầu tư xây dựng.

Trên tinh thần, đồng hành cùng doanh nghiệp "vượt bão", lãnh đạo tỉnh Hà Nam cho biết sẽ tiếp tục tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực hiện hiệu quả kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2024 tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu, Singapore, Malaysia.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top