Doanh nghiệp khai thác, chế biến đá vôi gấp 4 lần quy hoạch
Những năm qua, Hà Nam được coi là một trong những địa phương có ngành công nghiệp khai thác đá sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) phát triển nhờ sự ưu đãi của thiên nhiên.
Từ năm 2014, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành quy hoạch về công nghiệp khai thác đá sản xuất VLXD. UBND tỉnh cũng không khuyến khích khai thác khoáng sản và chỉ lựa chọn doanh nghiệp có đầu tư chế biến sâu, hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, nguồn lợi từ hoạt động khai thác khoáng sản là rất lớn nên việc khai thác diễn ra ngày càng rầm rộ với quy mô lớn. Trên thực tế, số mỏ hiện tại đang hoạt động đã gấp hơn 4 lần so với số mỏ trong quy hoạch mà UBND tỉnh Hà Nam đưa ra từ năm 2014.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và và Môi trường tỉnh Hà Nam, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng 130 doanh nghiệp khai thác chế biến khoáng sản đá vôi, tập trung ở 2 huyện Thanh Liêm và Kim Bảng. Trên địa bàn xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng có đến 25 doanh nghiệp khai thác đá vôi đang hoạt động.
Ngoài việc đóng góp nguồn thu cho ngân sách tỉnh, an sinh xã hội, các doanh nghiệp khai thác đá còn giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều người lao động ở địa phương.
Môi trường ô nhiễm nghiêm trọng
Đi kèm với những lợi ích kể trên, tại các địa bàn có hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản ở Hà Nam cũng xuất hiện tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hơn ai hết, những người dân sinh sống ở thôn Hồng Sơn, xã Thanh Sơn là những người thấu hiểu điều này nhất, khi nhiều năm nay họ phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường do các công ty khai thác đá gây ra.
Theo phản ánh của người dân thôn Hồng Sơn, trong quá trình hoạt động, sản xuất nghiền đá, bột đá… Công ty TNHH Trung Kiên và Công ty TNHH Vận tải Hồng Hà không có các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thường xuyên gây bụi, tiếng ồn ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, nhưng vẫn chưa được các cơ quan chức năng xử lý triệt để.
Từ thôn Hồng Sơn nhìn lên phía mỏ đá nơi Công ty TNHH Trung Kiên khai thác và chế biến khoáng sản, có thể thấy rõ những ngọn đồi đã bị phá hủy hệ thống cây xanh, thực bì… Thay vào đó là màu vàng, trắng, xám xịt, bụi mù mịt của những quả núi bị khai thác nham nhở. Những ngọn núi ngày nào giờ đây trở thành một đại công trường phá núi khai thác tài nguyên. Việc này dẫn đến những hệ luỵ nghiêm trọng về môi trường, hệ sinh thái, phá vỡ cảnh quan và khiến người dân địa phương bức xúc, xót xa.
Theo người dân, trước đây trên địa bàn ngoài Công ty Trung Kiên và Công ty Hồng Hà còn có 2 công ty khác cũng sản xuất đá, bột đá. Thế nhưng, sau khi người dân phản ánh vì bị ảnh hưởng, 2 công ty này đã chuyển đi nơi khác. Hiện chỉ còn Công ty Trung Kiên và Hồng Hà đang hoạt động, chưa chuyển đi nơi khác khiến người dân bức xúc.
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường do khai thác đá gây ra, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương, yêu cầu phải di dời 2 công ty này ra khỏi địa bàn, trả lại môi trường sống cho người dân khu vực xung quanh.
Ông Phạm Hữu Thành, Bí thư Đảng uỷ xã Thanh Sơn cho hay, người dân địa phương đã nhiều lần phản ánh về tình trạng hoạt động gây ô nhiễm môi trường tại 2 công ty nói trên.
“Từ thời Chủ tịch nhiệm kỳ trước, người dân đã kiến nghị yêu cầu di dời 2 công ty này ra khỏi địa bàn vì hoạt động gây bụi, ồn, ô nhiễm môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã nhiều lần thành lập các đoàn về kiểm tra và mời địa phương chứng kiến. Doanh nghiệp cũng cam kết không để vật liệu lấn chiếm ra ngoài hành lang đường, lề đường và cam kết thực hiện những biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, ông Phan Hữu Thành cho biết.
Theo ông Nguyễn Bình Minh, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, từ trước tới giờ tại các buổi tiếp xúc cử tri, người dân cũng liên tục ý kiến về 2 công ty này. Chính quyền tỉnh, huyện xét đề nghị của công dân cũng đã nhiều lần thành lập đoàn kiểm tra, xã cũng có phối hợp cùng đoàn.
Được biết, Công ty TNHH Trung Kiên được UBND tỉnh Hà Nam cấp giấy phép khai thác khoáng sản VLXD thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại mỏ núi Cuối Hồ Trứng, xã Thanh Sơn tại giấy phép số 47/GP-UBND ngày 12/8/2013.
Tại mục 4, Điều 2 giấy phép nêu rõ, Công ty TNHH Trung Kiên phải thực hiện đầy đủ nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Dự án cải tạo phục hồi môi trường của dự án đầu tư khai thác mỏ đá vôi làm VLXD thông thường tại mỏ núi Cuối Hồ Trứng, xã Thanh Sơn cùng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện việc ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định. Thế nhưng, sau khi đi vào hoạt động khai thác đá, thực tế doanh nghiệp đã không thực hiện như cam kết.
Trước sự việc trên, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam cần khẩn trương vào cuộc, kiểm tra, xử lý việc hoạt động gây ô nhiễm môi trường, bụi và tiếng ồn… của Công ty Trung Kiên và Công ty Hồng Hà, trả lại môi trường sống trong lành cho người dân./.