Tổng diện tích của khu tập thể gần 400m2, cao 4 tầng mái lợp ngói, với gần 100 căn hộ rộng từ 6 - 12m2. Mỗi tầng có một nhà vệ sinh chung nên các gia đình phải cơi nới thêm bếp ăn, nhà tắm,… Các hộ dân tại đây đang sống trong cảnh chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng tự nhiên, ngày mưa phải dùng đến xô chậu để hứng nước.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết hiện nay có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các chung cư cũ, đặc biệt là khu căn hộ tại nội đô. Vì vậy, việc nhiều chung cư cũ được rao bán với giá cao không phải là điều bất thường.
Theo ông Điệp, các nhà đầu tư thường nhắm đến các căn hộ tầng một, nằm trên các mặt phố lớn hoặc gần đường chính, những căn hộ này được cơi nới thêm để kinh doanh nên diện tích rộng hơn so với các tầng cao. "Khi có chính sách đền bù, chủ sở hữu không chỉ được nhận diện tích gấp đôi căn hộ đang sở hữu mà còn giữ quyền kinh doanh, khiến phân khúc này càng thu hút đầu tư. Nhu cầu ở và đầu tư nhà ở hiện nay rất lớn nhưng nguồn cung chưa đủ, đây là nguyên nhân dẫn đến việc giá nhà tiếp tục tăng. Nhiều chủ sở hữu chung cư cũ không muốn bán, hoặc ít bán vì kỳ vọng dự án cải tạo, mở rộng sẽ giúp họ giữ vị trí trung tâm".
Ông Điệp cũng nhận định khu vực Vọng Đức, gần hồ Hoàn Kiếm, có vị trí đắc địa và giá trị cao. Giá bán ở đây có thể lên đến 1-2 tỷ đồng/m2. Những căn hộ trong các khu vực đắc địa thường rất ít người bán, không chỉ do giá cao mà còn vì tâm lý chờ đợi các dự án cải tạo. Nhiều cư dân tại đây là công nhân, viên chức từng được cấp nhà ở và không muốn chuyển đi do quen thuộc với khu vực, diện tích căn hộ quá nhỏ để bán, hoặc khó tìm nơi ở mới nếu bán đi, đồng thời mong đợi chính sách cải tạo.