Aa

Hà Nội: Cần siết chặt quản lý trật tự xây dựng, xử lý nghiêm sai phạm

Thứ Năm, 25/06/2020 - 08:35

Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng trên địa bàn để hạn chế những hệ lụy phát sinh.

Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Bộ Xây Dựng chỉ ra những vấn đề sai phạm về trật tự xây dựng đô thị hiện nay

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, các sai phạm tập trung chủ yếu là xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng... rồi tự do mua bán, chuyển nhượng.

Điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao trong cộng đồng dân cư; sự quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; không cấp được Giấy chứng nhận sở hữu cho người mua căn hộ do vi phạm về thiết kế và mật độ xây dựng dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện giữa người mua và người bán...

Đặc biệt, việc gia tăng mật độ dân số tại các đô thị sẽ gây ách tắc giao thông, không bảo đảm vệ sinh môi trường, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương, phá vỡ quy hoạch, làm mất mỹ quan, thiết kế của đô thị.

Những công trình có chiều cao "khủng" nằm trong ngõ 45 Võng Thị, phường Bưởi, quận Tây Hồ. 

Nhằm hạn chế tối đa tình trạng vi phạm trong hoạt động xây dựng, đặc biệt là các vi phạm về quy định quy hoạch, cấp Giấy phép xây dựng, thi công và quản lý chất lượng đối với nhà ở riêng lẻ có thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ kiểu khép kín... Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường phổ biến, tuyên truyền quy định của pháp luật về những nội dung liên quan. Đồng thời, các tỉnh, thành phố cần căn cứ vào quy định của pháp luật về quy hoạch, cấp Giấy phép xây dựng chỉ đạo, đôn đốc cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn thực hiện nghiêm túc. 

Cụ thể, quy định của Luật Xây dựng 2014, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng..

Phường Bưởi, quận Tây Hồ nhà "vượt tầng" là tình trạng phổ biến hiện nay.

Đồng thời, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng trên địa bàn, đặc biệt đối với việc xây dựng nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở nhưng không phép, sai phép, lấn chiếm không gian, xây dựng không đúng với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xây dựng nhà ở không bảo đảm chất lượng...

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương chủ động giải quyết vướng mắc, khiếu kiện, tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện các quy định về quy hoạch, cấp Giấp phép xây dựng, thi công xây dựng, quản lý chất lượng công trình nhà ở trên địa bàn.

Với những nội dung cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, các địa phương cần tổng hợp, báo cáo về Bộ Xây dựng để xem xét sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Hà Nội - Quản lý trật tự xây dựng đô thị là nhiệm vụ trọng tâm 

Mặc dù đã có những quy định rõ ràng bằng các văn bản pháp luật và sự chỉ đạo sát sao của các Bộ, Ban, Ngành song trên thực tế, các vi phạm trong hoạt động xây dựng đã và đang tiếp tục diễn ra trên địa bàn các địa phương, trong đó Thành phố Hà Nội được coi là điểm nóng về vi phạm trật tự xây dựng đô thị. 

Trước thực trạng đã và đang diễn ra ngang nhiên nhiều năm nay, năm 2020, cùng với việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp ngăn chặn đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cấp chính quyền và sở, ngành chức năng phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, coi quản lý trật tự xây dựng đô thị là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cơ quan, đơn vị, gắn với phòng chống tham nhũng và cải cách hành chính.

Đồng thời, thành phố yêu cầu các địa phương phải nghiêm túc xem xét kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm và chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND TP Hà Nội về tình hình trật tự xây dựng cũng như tiến độ xử lý các vi phạm tồn đọng...

Với việc siết chặt quản lý trật tự xây dựng đô thị và xử lý tổ chức cá nhân để xảy ra vi phạm, tháng 5/2020, bà Nguyễn Thị Nắng Mai - Phó chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm, ông Nguyễn Kim Vinh - Phó chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm bị UBND TP Hà Nội yêu cầu kiểm điểm vì sai phạm trong giao đất và cấp sổ đỏ cho người dân phường Thụy Phương. 

Cũng trong tháng 5/2020, ông Nguyễn Xuân Lưu, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân bị UBND TP Hà Nội vạch rõ trách nhiệm về việc không xử lý công trình vi phạm xây dựng trái phép và không thực hiện chỉ đạo của thành phố, để sai phạm tồn tại nhiều năm trên địa bàn quận gây bức xúc cho người dân. 

Ông Nguyễn Xuân Lưu - Chủ tịch UBND và ông Đặng Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân phải kiểm điểm vì để những sai phạm về trật tự xây dựng tồn tại nhiều năm mà không xử lý.

Cũng trong thời gian này, dư luận xôn xao trước sự việc Công viên nước Thanh Hà (Quận Hà Đông) bị phá bỏ, Thanh tra thành phố Hà Nội đã kết luận trách nhiệm quản lý Nhà nước về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, trật tự xây dựng dẫn đến sai phạm của chủ đầu tư Công viên nước Thanh Hà. 

Theo đó, trách nhiệm cao nhất thuộc về cá nhân ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông, ông Đào Quang Vinh Hiển, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị không tham mưu ngăn chặn và thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm... Thanh tra thành phố kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND quận Hà Đông tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến tồn tại, sai phạm trong việc để xảy ra xây dựng trái phép và tổ chức cưỡng chế Công viên nước Thanh Hà.

Mặc dù đã có những quy định siết chặt quản lý trật tự xây dựng, thế nhưng theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay trên địa bàn Hà Nội, quận Tây Hồ cũng là một trong những điểm nóng về vi phạm trật tự xây dựng đô thị khi mà việc người dân lấn chiếm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng, xây nhà trên đất nông nghiệp, đất bãi, lấn chiếm hành lang thoát lũ vẫn diễn ra ngang nhiên, kéo dài từ năm này qua năm khác không được xử lý hoặc xử lý kém hiệu quả.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top