Trong chuyến thăm chính thức Singapore, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Singapore đã thống nhất lựa chọn 3 thành phố của Việt Nam, gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng sẽ là một phần trong mạng lưới các thành phố thông minh của ASEAN.
Đô thị thông minh gắn liền với công nghệ thông tin, truyền thông và mạng lưới thiết bị kết nối qua internet để làm nền tảng xây dựng đô thị đáng sống, với quy hoạch bền vững, quản lý đô thị hiệu quả, minh bạch và có tính cạnh tranh đô thị cao về mọi mặt.
Với tốc độ phát triển của đô thị thì những công nghệ tiến bộ sẽ giúp đô thị xây dựng các chiến lược thích ứng mới nhằm tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và năng lượng, nâng cao khả năng ứng phó và chống chịu với thách thức, phối hợp giải quyết các vấn đề ở quy mô lớn hơn, toàn diện hơn và kịp thời hơn.
Việt Nam hiện mới ở giai đoạn mới tiếp cận, chưa triển khai trên diện rộng một cách toàn diện về đô thị thông minh, chưa thực sự nắm bắt và kiểm soát được đầy đủ các vấn để rủi ro, hạn chế của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các vấn đề đô thị.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng còn thiếu rất nhiều những thành tố và chính sách để hình thành và phát triển đô thị thông minh.
Phát biểu tại Hội thảo “Xây dựng đô thị thông minh bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” diễn ra vào giữa tháng 7 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội là một trong số những siêu đô thị trên thế giới về diện tích và quy mô dân số. Cũng như nhiều siêu đô thị khác, Hà Nội đang gặp phải những thách thức đến từ tốc độ đô thị hóa nhanh, gồm các vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, ô nhiễm môi trường... Và những khó khăn, thách thức này có thể được giải quyết một cách căn bản nếu Hà Nội phát triển theo định hướng một đô thị thông minh.
Ông Ngô Đông Hải - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: “Chúng ta đưa trào lưu vào trong xu hướng phát triển kinh tế, có tác động đến phát triển các khu đô thị như khu đô thị trẻ theo nghĩa về quy mô, trình độ phát triển. Việc tiếp cận nền kinh tế số, đô thị thông minh giúp chúng ta không bị bỏ loại ra khỏi sân chơi, bắt kịp xu thế thế giới”.
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “Kỷ nguyên 4.0 được hiểu là kỷ nguyên số hóa. Tòa nhà thông minh hiểu là không gian sống thông minh cho tất cả mọi người. Thời gian tới, đô thị thông minh không chỉ dành cho giới trung lưu mà cho tất cả mọi người”.
Kiến trúc sư trưởng về Smart city của Tập đoàn Viettel Lê Quốc Hữu cho rằng, Hà Nội đã bắt đầu xây dựng một số thành tố của đô thị thông minh. Một số ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông đã được đưa vào lĩnh vực giao thông, y tế, hành chính công... Tuy nhiên, Hà Nội vẫn nên nhanh chóng xây dựng một kiến trúc tổng thể của đô thị thông minh, giúp thành phố có hệ thống thu thập, phân tích, quản lý dữ liệu đồng bộ.
Có thể thấy, phát triển theo định hướng đô thị thông minh là bước đi chiến lược, tất yếu của Hà Nội nhằm giải quyết những thách thức ngày càng gia tăng theo đà phát triển. Như nhiều chuyên gia nhận định, đã tới lúc Hà Nội phải lựa chọn và đưa ra những giải pháp đột phá nhằm xây dựng đô thị thông minh, nếu chậm trễ sẽ mất đi cơ hội phát triển tương xứng, đồng bộ với khu vực và thế giới.
Liên Hiệp Quốc ước tính vào năm 2050, cứ 10 người trên thế giới thì có 8 người sống ở các thành phố. Tốc độ đô thị hóa chóng mặt khiến các chuyên gia môi trường lo lắng, cảnh báo tương lai của hành tinh này sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tài xoay xở của các nhà quy hoạch đô thị.
Hà Nội đang tích cực hướng tới mô hình đô thị thông minh như một bước đi chiến lược với kỳ vọng thay đổi căn bản phương thức quản lý, ngày càng mang lại nhiều tiện ích, an toàn và sự phát triển ổn định, bền vững. Các chuyên gia cho rằng, muốn đạt được kỳ vọng đó, thành phố cần tập trung vào xây dựng, hoàn thiện 3 yếu tố cơ bản. Đó là: Cơ chế, chính sách; nguồn lực con người; hạ tầng kỹ thuật.
Đã tới lúc Hà Nội phải lựa chọn và đưa ra những giải pháp đột phá nhằm xây dựng đô thị thông