Tuy nhiên, quy hoạch cây xanh trên đường phố cần song hành với quy hoạch đô thị và triển khai bài bản hơn.
Giá trị to lớn
Hà Nội ngày càng có nhiều tuyến đường xanh mát, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa tạo cảnh quan cho đô thị. Trong đó có những tuyến đường đã trở thành biểu tượng đẹp của Thủ đô như đường Hoàng Diệu, nối liền 2 phố Phan Đình Phùng và Nguyễn Thái Học, có đến ba hàng cây xà cừ cổ thụ. Kể cả trong những ngày nắng nóng nhất, đoạn đường này vẫn là dịu mát và đẹp đến nao lòng người qua lại.
Tương tự, tuyến đường Võ Chí Công nằm trên Vành đai 2, dài 4,2km, được trồng cây xanh với nhiều tầng, tán. Trên cùng là Bàng lá nhỏ, hoặc Giáng hương cao từ 4 - 6m, cắt tỉa gọn gàng, cành tán vuông tròn xanh mơn mởn. Bên dưới là các tầng thấp và cây bụi như: Hoa giấy, Điệp vàng…. Bố cục của các loại cây trồng xen kẽ tạo cảm quan giữa đại lộ này là một dải xanh dịu mát, điểm xuyết sắc hoa lung linh, rực rỡ theo từng mùa.
Hoặc như đường Võ Nguyên Giáp kết nối đến sân bay Nội Bài, được trồng hàng cây Chà là ở dải phân cách giữa, 4 tầng dưới là Xoài, Hoa ban xen kẽ với cây Long não và Hoa giấy… Tuyến đường nối cửa khẩu quốc tế này tạo nên ấn tượng đầu tiên trong mắt người dân cũng như khách nước ngoài là Thủ đô Hà Nội khang trang mà vẫn đẹp dịu mát.
Ông Lê Minh Phát - Tổ trưởng Tổ dân phố số 14, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, cho biết: “Việc trồng nhiều cây xanh vừa tạo cảnh quan đẹp cho đô thị, vừa có tác dụng chắn bụi, giảm tiếng ồn, bảo vệ môi trường sống trong lành, nên người dân rất phấn khởi. Chúng tôi mong rằng, nơi nào ở Hà Nội cũng có những tuyến đường xanh, không gian xanh như vậy”.
Anh Đỗ Anh Dũng (phường Xuân La, quận Tây Hồ) chia sẻ, trước đây, cây xanh trên các tuyến đường khá hỗn độn, có tuyến cùng lúc trồng mấy loại cây như: Bằng lăng, Sấu, Điệp vàng… Cây không được chăm sóc chu đáo, dáng cong nghiêng, cành lá loà xoà, thậm chí còn gây bất tiện cho người và xe cộ khi tham gia giao thông.
“Tuy nhiên, vài năm vừa qua, hệ thống cây xanh của Hà Nội đã có những chuyển biến rất rõ rệt, tích cực. Thành phố đẹp hơn, xanh mát hơn nhờ các hàng cây đều tăm tắp, màu sắc phong phú, đẹp quanh năm. Một số tuyến đường còn trở thành “điểm hẹn” cho giới trẻ đến chụp ảnh, hoặc diễn ra hoạt động văn hoá, văn nghệ. Hà Nội bây giờ đã thật sự đẹp hơn rất nhiều” – anh Đỗ Anh Dũng nói.
Quy hoạch và thử nghiệm bài bản
Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định, diện tích mặt đất Hà Nội đang ngày càng bị thu hẹp trước tiến trình đô thị hoá, hiện đại hóa, ảnh hưởng không nhỏ đến không gian dành cho cây xanh, nhất là trên các tuyến đường. Mặt khác, do không gian sinh trưởng hẹp nên cây trồng không thể phát triển tối đa như trong môi trường tự nhiên. Nhiều nơi rễ cây lớn trồi lên khỏi mặt đất, hoặc có thể đâm sâu, lan rộng dưới bề mặt đường, nguy cơ phá hỏng hạ tầng ngầm bên dưới.
Bên cạnh đó, lượng chất thải từ sản xuất, sinh hoạt, đổ ra môi trường đất và nước ngày càng nhiều do gia tăng dân số cơ học cũng như phát triển sản xuất, kinh doanh. Ví dụ như xà phòng, dầu gội, dầu mỡ…. không được thu gom đầy đủ, ngấm xuống đất, lan vào nước ngầm, ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng lâu dài của cây.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc trồng cây trên các tuyến đường đô thị ở một số nơi chưa phù hợp. Theo GS.TS. Ngô Quang Đê, việc quy hoạch cây xanh của thành phố chưa rõ ràng. Hà Nội nên quy hoạch mỗi đường là một loại cây, phân bố làm sao để bốn mùa đều có những tuyến đường hoa nở. Điều này sẽ giúp TP. Hà Nội luôn luôn trong trạng thái cây xanh mát, hoa khoe sắc. Như hiện nay, Hà Nội đang rất thiếu những loại cây nở hoa trong mùa Đông, cần nghiên cứu, trồng nhiều hơn các loài cây phù hợp với khí hậu lạnh, mà vẫn cho vẻ đẹp tự nhiên.
GS.TS. Ngô Quang Đê phân tích, cây xanh là một thể sống, có sự trao đổi chất với môi trường bên ngoài, khác xa so với các kiến trúc máy móc. Nó có thể thay đổi theo mùa vụ, theo tuổi, khí hậu, đất đai. Vì thế, việc cây xanh được trồng như thế nào, trồng ở đâu cần tính toán, nghiên cứu tỉ mỉ. Nếu đưa một loại cây từ miền Nam ra miền Bắc trồng mà không có nghiên cứu, các yếu tố như: khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp sẽ khiến cây khó phát triển.
Bởi vậy, cần trồng thử nghiệm để quan sát xem mỗi loại cây có phù hợp với thời tiết, đất đai ở Hà Nội hay không, sau đó trồng thử nghiệm trong vườn. Thời gian thử nghiệm có thể để cây phát triển tối thiểu từ 2 - 3 năm kết hợp với cắt tỉa, tạo hình dáng cho cây ngay từ đầu, rồi mới cho trồng hàng loạt cây trên các tuyến đường lớn.
Bên cạnh đó, mỗi loại cây cần phù hợp với vị trí được trồng. Ví dụ, trên một tuyến đường hẹp nên chọn cây dáng tầm trung, tán nhỏ, ít cành, nhánh, để đảm bảo không gian lưu thông thoáng đãng. Còn tuyến đường lớn cần chọn cây tán rộng để giúp giữ ẩm trong không khí làm giảm sức nóng của bề mặt nhựa. GS.TS. Ngô Quang Đê khẳng định, để có một thành phố xanh, khi quy hoạch kiến trúc chung cần kết hợp với nhiều nội dung khác, đặc biệt cần tham vấn các nhà sinh vật học, chuyên gia về cây để có thể chọn lựa, phân vùng cây một cách hợp lý với mỗi khu vực.
"Chúng ta đã bỏ qua quy hoạch cây xanh, chú trọng hơn vào quy hoạch “đất xanh”. Chính điều đó đã làm nên hiện tượng đường phố được trồng rất nhiều cây, nhưng lại chưa tạo nên một tổng hoà với lớp nang bài bản"
- GS.TS. Ngô Quang Đê