Được biết, trong năm 2017, tổng diện tích sàn nhà ở phát triển mới của Hà Nội đạt hơn 11 triệu mét vuông, trong đó, NƠXH đạt 60.688m2, nhà ở tái định cư khoảng 164.640m2, nhà ở thương mại hơn 2,5 triệu mét vuông, nhà do dân tự xây khoảng 8,3 triệu m2. Theo đó, diện tích bình quân đạt 25,6m2/người; phấn đấu đến năm 2020 con số này là 26,3 m2/người.
Hiện tại, Hà Nội đang xây dựng các dự án NƠXH tập trung tại 5 khu: Tiên Dương (Đông Anh), Cổ Bi (Gia Lâm), Ngọc Hồi (Thanh Trì), Cổ Nhuế 2 (NƠXH cho cán bộ chiến sĩ Bộ Công an) và quận Bắc Từ Liêm.
Để bảo đảm các chỉ tiêu trong năm 2018, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản; nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch, quy mô các dự án bất động sản, tạo điều kiện đa dạng hóa sản phẩm; thực hiện việc kiểm tra, rà soát công tác phát triển nhà ở để điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Đặc biệt, để khắc phục những tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, năm 2018, Sở Xây dựng Hà Nội đã có chỉ đạo xử lý dứt điểm các đối tượng ở nhà tái định cư chưa nộp tiền mua nhà. Đồng thời, tiếp tục kiểm tra, đôn đốc UBND các cấp và các chủ đầu tư, đơn vị được giao quản lý vận hành nhà chung cư đẩy nhanh tiến độ tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị theo quy định.
Sở cũng sẽ tổ chức đấu giá cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại các chung cư tái định cư; các diện tích kinh doanh dịch vụ tại tầng 1 và diện tích khác thuộc các nhà chung cư thương mại phải bàn giao lại cho Thành phố sau khi đã được xác lập sở hữu Nhà nước.
Xoay quanh câu chuyện NƠXH, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, ở các nước diện tích nhà ở cũng rất nhỏ, gói gọn trong 30m2, với giá 300 - 400 triệu đồng. Tuy nhiên các dự án NƠXH đó được giao cho các tổ chức xã hội đứng ra làm và chỉ bán cho các đối tượng đặc biệt như người lao động, người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó tại Việt Nam, NƠXH là nhà ở do Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng để cho các đối tượng quy định tại Luật Nhà ở được thuê hoặc thuê mua.
"Dường như mô hình NƠXH tại Việt Nam còn đang bị nhầm lẫn với các phân khúc khác", ông Trần Ngọc Hùng nêu ý kiến.
Ông Hùng nói thêm: “Chính sách phát triển NƠXH là tốt giúp nhiều người có thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận nhà ở. Nhưng thực tế là chúng ta chưa có cơ chế chính sách kiểm soát về NƠXH nên mới có tình trạng lách luật mua bán NƠXH. Mặc dù các hiện tượng như trên chưa nhiều, khó phát hiện, nhưng nếu không có các chính sách chặt chẽ, tình trạng trục lợi NƠXH sẽ gia tăng”.
Ông Hùng cũng diễn giải, TP. Hà Nội hoàn toàn có thể xây dựng được loại nhà giá rẻ như ở Bình Dương nhưng cần chọn địa điểm cho phù hợp. Ví dụ, có thể chỉ áp dụng các mô hình NƠXH, nhà ở giá rẻ tại các khu công nghiệp lớn xung quanh Hà Nội như Sóc Sơn, Đông Anh thì mới phù hợp.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nên khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng loại nhà giá rẻ, diện tích nhỏ cho người nghèo theo cơ chế cạnh tranh và không miễn bất cứ khoản thuế nào cho chủ đầu tư. Đến khi tiền thuế thu về Nhà nước sẽ tạo thành một quỹ để hỗ trợ riêng cho người mua nhà được vay với lãi suất thấp trong thời gian dài. Ông Hùng nhấn mạnh: "Chúng ta không thể chỉ đưa ra một gói hỗ trợ và khi gói đó hết thì lại đợi chờ, bởi đó chỉ là giải pháp tạm thời không phải lâu dài".
“Loại hình này chỉ xây dựng khoảng 5 tầng thôi vì nếu làm cao hơn thì phải đầu tư thêm về mạng lưới điện, nước, thang máy,… chắc chắn sẽ không có giá rẻ. Đã đến lúc Hà Nội cần nhận thức rõ ràng hơn về các mô hình nhà ở giá rẻ, NƠXH thì nhiều người thu nhập thấp mới có nhiều cơ hội tiếp cận với nhà ở hơn”, ông Hùng nói thêm.