Hà Nội còn 891 công trình vi phạm trật tự xây dựng
Tính đến hết tháng 10/2018, trên địa bàn Hà Nội còn tồn tại 891 công trình vi phạm trật tự xây dựng, chiếm 5,33%.
Sở Xây dựng vừa tổ chức kiểm tra 83 công trình trong số 98 công trình chung cư có tranh chấp, khiếu kiện. Số còn lại dự kiến sẽ kiểm tra nốt trong tháng 12/2018. Đáng chú ý, trong năm qua, thành phố không để xảy ra các công trình vi phạm mang tính chất bức xúc, vi phạm nghiêm trọng.
Đó là một trong những nội dung mà Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục đưa ra tại Hội nghị lần thứ 16 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội diễn ra mới đây.
Ông Dục khẳng định, năm 2018 so với năm 2016 và 2017, vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố đã giảm rõ rệt. Cụ thể, năm 2016 còn tồn tại 13,9% vi phạm trật tự xây dựng với với con số 2.469 công trình/19.138 công trình vi phạm. Đến hết năm 2017, trên địa bàn có 1.916 công trình/17.422 công trình vi phạm, giảm 2% so với năm 2016.
"Ông trùm" khu công nghiệp Idico đang tìm kiếm cơ hội mới?
Sau 1 năm niêm yết trên UPCoM, dường như Idico không mấy hấp dẫn nhà đầu tư. Tới đây, ông trùm khu công nghiệp sẽ chuyển niêm yết sang HNX để thanh khoản thêm nhộn nhịp hay để gọi vốn đầu tư?
Tổng công ty Idico – CTCP (IDC - UPCoM) đang lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua việc niêm yết cổ phiếu IDC trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Thời gian thực hiện dự kiến vào đầu tháng 12/2018.
Còn nhớ khoảng thời gian này năm ngoái, Idico đã cổ phần hóa khi đưa ra đấu giá công khai hơn 55 triệu cổ phiếu và thu về 1.324 tỷ đồng. Sau đó, cổ phiếu IDC chính thức được giao dịch trên UPCoM từ ngày 24/11/2017 với giá tham chiếu 23.940 đồng/cp. Sau gần 1 năm giao dịch, cổ phiếu có giá đang xuống dưới 19.000 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản trên thị trường khá thấp, khối lượng giao dịch thường vài nghìn đến 500.000 cổ phiếu.
So với tiềm năng sẵn có về các ngành phát triển khu công nghiệp, thủy điện, giao thông, cổ phiếu IDC niêm yết trên Upcom có vẻ chưa làm nổi bật được giá trị doanh nghiệp.
Nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM cùng "ế"
Theo báo cáo của Savills, tại Hà Nội, trong quý III/2018, chỉ số giá nhà ở giảm nhẹ dưới 1 điểm theo quý và theo năm, đạt 104,5. Tỷ lệ hấp thụ trung bình đạt 23% với khoảng 6.300 căn đã bán, giảm 16% theo quý nhưng tăng 11% theo năm.
Hạng B dẫn đầu thị trường với 51% thị phần số căn bán được hay tỷ lệ hấp thụ đạt 22%, trong khi đó hạng C tiếp tục hoạt động tốt với 33% số căn bán được. Hạng A ghi nhận tăng trưởng số lượng giao dịch cao nhất tới 232% theo quý và 40% theo năm.
Từ nay đến năm 2020, hạng C dự kiến sẽ chiếm 46% nguồn cung tương lai do giá bán hợp lý, thu hút đông đảo người mua. Quận Hoàng Mai với 23% thị phần sẽ cung cấp nguồn cung tương lai lớn nhất.
Trong khi đó tại TP.HCM, trong quý III/2018, chỉ số giá nhà ở đạt 97, tăng 1 điểm theo quý và 3 điểm theo năm.
Tuy nhiên, tổng lượng giao dịch đạt mức thấp nhất trong 6 quý liên tiếp gần đây với 10.000 căn hộ bán, giảm 30% theo quý và 13% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ đạt 53%, giảm 3 điểm phần trăm theo quý và tăng 21 điểm % theo năm.
TP.HCM chỉ đạo "khẩn" các ngành thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
UBND TP.HCM vừa giao các sở-ngành chức năng sớm giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản; đồng thời đề xuất giải quyết các điểm nghẽn hiện nay của thị trường bất động sản.
Đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương, UBND TP.HCM sẽ kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương hướng giải quyết.
Sở Tài nguyên và Môi trường được giao giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến sẽ chủ trì họp giao ban hàng quý để tháo gỡ ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động.
Mới đây, hàng loạt khó khăn về thủ tục, pháp luật quy định đến đầu tư - kinh doanh dự án nhà ở được các doanh nghiệp phản ánh tại cuộc họp giữa Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và các sở, ngành TP.HCM với hơn 200 doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh bất động sản trong và ngoài nước trên địa bàn thành phố.
Áp trần lãi vay theo Nghị định 20: Mũi tên chưa trúng đích?
Tại sao chỉ các doanh nghiệp trong nước có ý kiến về Nghị định 20 của Bộ Tài chính mà doanh nghiệp nước ngoài, nhóm doanh nghiệp từng có nhiều nghi vấn về trốn thuế, lại không? Phải chăng, việc doanh nghiệp ngoại ý kiến chẳng khác gì "lạy ông con ở bụi này"?
Theo Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico), mục tiêu ban đầu của Nghị định 20 nhằm hạn chế việc chuyển thu nhập của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đến một doanh nghiệp khác (trong cùng tập đoàn đa quốc gia) tại vùng lãnh thổ/quốc gia có thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp thấp hơn so với Việt Nam để tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế phải nộp.
Tuy nhiên, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc khống chế chi phí lãi vay được trừ 20% trên lợi nhuận thuần trước lãi và khấu hao lại là các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, những doanh nghiệp đang đầu tư vào những ngành trọng điểm cần số vốn rất lớn. Như vậy là hoàn toàn trái với mục tiêu ban đầu khi ban hành Nghị định.
Hơn nữa, các doanh nghiệp trong nước vốn ít, phần lớn phải vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tài chính khác. Đây là phần vốn vay độc lập không thuộc các hoạt động giao dịch liên kết.