Aa

Hà Nội: Cứ 100.000 dân sẽ có khoảng 200 người mắc sốt xuất huyết

Thứ Sáu, 18/08/2017 - 16:07

Hà Nội đã tiến hành phân 3 mức độ vùng dịch tễ căn cứ trên số ca bệnh, tỷ lệ mắc trên 100.000 dân, mật độ muỗi, bọ gậy, phân lập virus...

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 90.626 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong.

Trong đó, số trường hợp nhập viện là 76.846 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016 (54.003/17), số ca mắc tăng 67,8%, số ca tử vong tăng 07 trường hợp.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết cộng dồn từ ngày 1/1 đến hết ngày 16/8 đã có 17.365 ca mắc, Hà Nội có số ca mắc tuyệt đối, đứng 2 cả nước (sau TPHCM).

Trong tuần, Hà Nội ghi nhận 3.440 trường hợp mắc sốt xuất huyết, so với tuần trước số ca mắc giảm 7 trường hợp, có xu hướng chững lại. Tỷ lệ số ca mắc trên 100.000 dân là 196,6.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội báo cáo về tình hình SXH của thành phố trong tuần.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội báo cáo về tình hình SXH của thành phố trong tuần.

Hiện thành phố phân loại mức độ cảnh báo dịch sốt xuất huyết theo 3 màu: Đỏ, cam và vàng, trong đó, đến 12 nơi đang ở mức báo động đỏ.

Cụ thể: Quận Đống Đa (2.922), Hoàng Mai (2.920), Hai Bà Trưng (1.564), Thanh Xuân (1.409); Cầu Giấy (1.063); Hà Đông (1.063); Thanh Trì (907); Ba Đình (875); Nam Từ Liêm (650); Thanh Oai (566); Thường Tín (435); Hoàn Kiếm (423).

Trước đó, khi tình hình sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã yêu cầu “hạ hỏa” dịch bằng cách phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng bằng máy phun công suất lớn ở các địa điểm như chợ, trường học, lán trại... kết hợp với phun thuốc bằng máy đeo vai vào từng nhà, tuyên truyền mạnh về việc diệt loăng quăng, bọ gậy bằng lật úp các dụng cụ chứa nước.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, trước tình hình thời tiết diễn biến thất thường, cùng với mùa tựu trường đang cận kề, do đó chưa thể khẳng định dịch SXH sẽ giảm.

Đồng thời, việc phun thuốc diệt muỗi sẽ không thể dập dịch hoàn toàn nếu vẫn tồn tại ổ loăng quăng, do đó cần tiếp tục công tác diệt bọ gậy phối hợp đồng bộ với phun thuốc tại các trường học, rạp chiếu phim, công trình xây dựng...

Ông Hạnh cũng chia sẻ, thực tế nhiều người vẫn không hợp tác, không cho cán bộ phun hóa chất diệt muỗi trong nhà. Thực tế, chỉ 90% các hộ trong chiến dịch được phun, còn 10% là “hộ dân đi vắng, trong nhà có con nhỏ” không muốn phun.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo Hà Nội phải tiếp tục làm bền vững chiến dịch phun hóa chất và diệt loăng quăng, bọ gậy để hạ nhiệt sốt xuất huyết.

"Về điều trị bệnh nhân, dứt khoát phải phân loại bệnh, không cần thiết thì không cho nhập viện để tránh lây chéo, tránh quá tải”, Tư lệnh ngành Y tế nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top