Aa

Giá đất Đông Anh sau cơn “sốt” giờ ra sao?

Thứ Sáu, 02/07/2021 - 08:00

Giá nhà đất tại huyện Đông Anh thời gian gần đây liên tục chứng kiến những đợt “sốt”, bởi đây là một trong những địa bàn đã được TP. Hà Nội đẩy mạnh phát triển hạ tầng để trở thành quận giai đoạn 2021 - 2025.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thị trường bất động sản (BĐS) ở Đông Anh tạm thời “án binh bất động”, đáng chú ý một số khu vực còn ghi nhận có sự giảm sâu về giá.

Giá đất quay đầu giảm

Đầu quý I/2021 khi có thông tin TP. Hà Nội đẩy nhanh tiến độ lập đồ án quy hoạch đô thị 2 bên sông Hồng để trình Chính phủ và các Bộ ngành thông qua, một số xã ven sông thuộc địa bàn huyện Đông Anh như: Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Xuân Canh, Đông Hội... hàng ngày tấp nập đoàn người đến tìm mua đất, với mục đích đón đầu quy hoạch chờ đất tăng giá. Đáng quan ngại, trong đó không ít cò đất, dân buôn lướt sóng đã cùng bắt tay nhau để thổi giá đất kiếm lời từ sự cả tin và hiệu ứng đám đông của người dân.

Theo đó, đất nền gần với trục đường lớn và dự án đã được phê duyệt được dao từ 35 - 40 triệu đồng/m2, cá biệt một số địa điểm lên tới 60 triệu đồng/m2, nhưng đến thời điểm hiện tại tất cả hoạt động mua bán BĐS đã không còn sôi nổi như thời điểm cách đây gần 3 tháng, một số người cần vốn kinh doanh phải bán đất đã buộc phải đưa giá về mức ngang bằng với thời điểm trước khi xảy ra sốt đất trong quý I.

Nhà đất tại huyện Đông Anh nhiều khu vực quay đầu giảm giá.
Nhà đất tại huyện Đông Anh nhiều khu vực quay đầu giảm giá.

Trong vai một người đi tìm mua đất, liên hệ với anh Phương (số điện thoại: 09835899xx) một môi giới nhà đất tại xã Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội), được giới thiệu một mảnh đất diện tích 50m2, cách dự án Trung tâm triển lãm quốc gia chừng hơn 200m dao với giá 30 triệu đồng/m2 (đã có hoa hồng của chủ nhà cho môi giới).

“Mảnh đất này vào tháng 3 vừa rồi đã có người trả trên 40 triệu đồng/m2 rồi, lúc đó đang sốt đất không bán, nhưng bây giờ chủ đất đang cần vốn kinh doanh nên buộc phải hạ giá. Mảnh này không chốt nhanh, một hai ngày nữa là người khác mua ngay” - anh Phương quả quyết.

Khảo sát thực tế, vào thời điểm cuối quý II/2021, giá nhà đất trên địa bàn huyện Đông Anh đã “giảm nhiệt” nhiều so với thời điểm cuối năm 2020 và quý I/2021. Không chỉ ở những khu vực ven sông khi rộ lên thông tin TP đẩy nhanh hoàn thiện đồ án quy hoạch 2 bên sông Hồng, mà những xã vùng trong, như: Vân Hà, Liên Hà, Việt Hùng, Uy Nỗ, Cổ Loa... sau khi hưởng ứng tăng giá nhà đất do huyện Đông Anh chuẩn bị thành quận, đến nay cũng đã bắt đầu ghi nhận quay đầu giảm giá.

Đại diện UBND xã Vân Hà (huyện Đông Anh) cho biết, Vân Hà là một trong những xã có nghề gỗ nổi tiếng, giá nhà đất ở khu vực này luôn cao hơn so với các khu vực khác trong huyện, đặc biệt là nhà đất ven trục đường Vân Hà, Nguyễn Thực, Dục Tú... Thời điểm cách đây 2 năm, đất dự án được đấu giá từ 40 - 60 triệu đồng/m2 tùy từng vị trí, cao nhất ghi nhận mức 65 triệu đồng/m2.

“Đến hiện nay, một số dự án tổ chức đấu giá đất (lô trong) gần trục đường lớn đi qua địa bàn xã đang được xây dựng ở mức bình quân là 30 triệu đồng/m2, cao nhất là 40 triệu đồng/m2. Nhà đất trong khu dân cư không nhiều giao dịch, do người dân đã ổn định làm nghề” - đại diện UBND xã Vân Hà thông tin.

Tăng cường kiểm soát từ địa phương

Theo đánh giá, thị trường BĐS huyện Đông Anh từ hàng chục năm nay liên tục tăng giá là do đây là địa bàn có vị trí đẹp, hạ tầng đã và đang được đầu tư bài bản, hơn nữa Đông Anh còn được hưởng lợi từ hạ tầng quốc gia với trục giao thông quan trọng Nhật Tân - Nội Bài.

Bên cạnh đó, huyện còn là địa bàn đứng chân của hàng loạt “siêu dự án” như: Công viên Kim Quy, Công viên phần mềm, Trung tâm triển lãm quốc gia... Chính việc có nhiều dự án hạ tầng, đô thị lớn được đầu tư xây dựng đã tạo thời cơ "thổi giá” đất trong thời gian qua của cò đất. Đáng quan ngại, các đối tượng còn lợi dụng tâm lý khách hàng, không nắm rõ thông tin quy hoạch, thậm chí còn làm giả đề xuất xin tìm hiểu, lập quy hoạch dự án của các doanh nghiệp BĐS, tung tin gây nhiễu loạn thị trường, kiếm lời bất chính.

“Thời gian qua, rất nhiều thông tin trên mạng xã hội nói về việc TP. Hà Nội đã hoàn thiện đồ án quy hoạch xây dựng đô thị 2 bên sông Hồng, nhiều đối tượng đã dựa vào thông tin đó đẩy mua đi, bán lại và làm tăng giá nhà đất trên địa bàn. Nhưng thực tế đến thời điểm này về phía chính quyền chúng tôi chưa nhận được văn bản chính thức nào về việc triển khai dự án này” - Chủ tịch UBND xã Đông Hội (Đông Anh) Đặng Xuân Thiện cho hay.

Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho biết, việc mua bán BĐS là giao dịch dân sự, giá bán dựa trên thỏa thuận của 2 bên, nên cơ quan Nhà nước rất khó có thể can thiệp. Tuy nhiên ở mỗi địa phương, cơ quan quản lý từ cơ sở cần phải nắm rõ những biến động về giao dịch BĐS, tìm hiểu nguyên nhân, từ đó vào cuộc, kiểm soát, để hạn chế tình trạng lừa đảo, mua bán nhà đất không đúng quy định định của pháp luật.

“Ở những khu vực có hạ tầng phát triển, kéo theo giá BĐS tăng làm cho giá trị tài sản xã hội tăng lên, đấy là điều tích cực. Nhưng những khu vực, chưa hoàn thiện hạ tầng mà giá đất đã tăng chóng mặt sẽ gây ra hệ lụy cho quá trình phát triển kinh tế tại địa bàn đó, vì vậy chính quyền phải vào cuộc, rà soát, đồng thời cũng công khai minh bạch những thông tin quy hoạch tránh việc tung tin, lợi dụng thông tin để thổi giá đất làm lợi bất chính, nhiễu loạn thị trường” - ông Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận.

Chính quyền các địa phương phải vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện dự án đầu tư, giao dịch đất đai... đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luât. Gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với những hiện tượng sốt đất… Quản lý các đối tượng tham gia chuỗi rao, chào bán, tổ chức giao dịch và cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, Nguyễn Văn Đính

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top