Liên ngành Sở Giao thông vận tải và Công an TP. Hà Nội vừa có tờ trình gửi UBND TP xin chấp thuận phương án tổ chức giao thông để vận hành thử nghiệm tuyến xe buýt nhanh BRT.
Theo phương án phân làn, phần đường dành riêng cho xe buýt nhanh sẽ được sơn vạch liền, kết hợp đinh phản quang tại các đoạn: Ba La - Quang Trung - Lê Trọng Tấn (Hà Đông) - đường trục Bắc Hà Đông - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - nút Giang Văn Minh - Cát Linh. Đoạn đường phân làn dành riêng cho xe buýt này có chiều dài khoảng 12,2 km.
Các đoạn không bố trí làn dành riêng cho xe buýt bao gồm: Yên Nghĩa – ngã 3 Ba La; Giang Văn Minh - Kim Mã và Kim Mã - Giảng Võ, với chiều dài khoảng 2,5 km.
Các nút giao trên tuyến được tổ chức đi lại bằng hệ thống đèn tín hiệu, điều chỉnh chu kỳ đèn theo nguyên tắc ưu tiên cho hướng vận hành của xe BRT.
Theo đó tờ trình, Hà Nội sẽ hạn chế các phương tiện khác dọc hành lang BRT, cấm xe tải, ô tô chở hàng khối lượng chuyên chở từ 500kg trở lên, xe khách, hợp đồng... hoạt động trong giờ cao điểm (sáng: 6h-9h, chiều 16h30-19h30) trên tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông, đoạn từ Lê Trọng Tấn đến nút Tố Hữu - Vạn Phúc. Xe chở học sinh, cán bộ công nhân viên và xe xử lý sự cố được hoạt động bình thường.
Riêng xe taxi sẽ bị cấm hoạt động trong giờ cao điểm (sáng: 6h-9h, chiều 16h30-19h30) trên tuyến đường Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương. Trường hợp xe chở bệnh nhân cấp cứu, người già, người tàn tật, xe khắc phục sự cố được hoạt động bình thường. Các cơ quan, công ty, khách sạn, nhà hàng... trên hành lang BRT nếu có nhu cầu sử dụng xe taxi phải bố trí đầy đủ điểm đỗ và phải đăng ký logo phục vụ với Sở Giao thông vận tải.
Tại các trục đường giao cắt với tuyến đường BRT, các phương tiện trên hoạt động bình thường.
Ngoài ra, tất cả các phương tiện trên dọc tuyến đường hoạt động của BRT cũng bị cấm dừng đỗ. Các phương tiện chỉ được phép dừng đỗ đón trả khách trên các tuyến đường ngang giao cắt với hành lang vận hành BRT hoặc tại các vị trí có bố trí sảnh, vịnh đón trả khách nhằm hạn chế nguy cơ ùn tắc giao thông.
Đối với phương án tổ chức giao thông tại 2 cầu vượt (Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng và Lê Văn Lương - Láng): - Sẽ có tín hiệu đèn ưu tiên cho xe BRT lên cầu nhằm giảm xung đột với các loại phương tiện cơ giới khác.
- Cấm các phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ đi trên 2 cầu vượt trong giờ cao điểm (sáng: 6h-9h, chiều 16h30-19h30).
- Cấm toàn bộ xe tải, ô tô chở hàng với khối lượng chuyên chở từ 500kg trở lên, lưu thông trên 2 cầu vượt.
Các tuyến xe buýt thường cũng sẽ được điều chỉnh, chuyển tuyến đối với các tuyến đi trùng, bố trí các điểm dừng đón trả khách của xe buýt thường trên các trục ngang giao cắt với hành lang tuyến BRT nhưng phải đảm bảo hành khách tiếp cận, kết nối thuận tiện với tuyến BRT.
Hành khách sẽ tiếp cận các nhà chờ thông qua cầu đi bộ, vạch bộ hành tại các nút giao, đèn tín hiệu có nút bấm cho người đi bộ. Bố trí các điểm trông giữ phương tiện giao thông cá nhân (xe đạp, xe máy) trên hè gần khu vực nhà chờ hoặc các khu vực lân cận, đặc biệt là các khu vực có nhu cầu gửi xe lớn.
Tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - bến xe Yên Nghĩa (Hà Nội) có chiều dài 14,7 km, với 21 nhà chờ nằm trên giải phân cách giữa đường. Bắt đầu từ bến xe Kim Mã (quận Ba Đình) qua phố Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Lê Văn Lương kéo dài-trục phía bắc quận Hà Đông - Lê Trọng Tấn -Trần Phú - Ba La và kết thúc tại bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông).
Xe buýt BRT có sức chở 90 hành khách và dự kiến tần suất xe chạy 3 phút/chuyến. Tổng chi phí cho dự án trên 53,6 triệu USD, vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.
Theo Ban quản lý dự án, với tuyến xe buýt nhanh mới, hành khách đi từ Kim Mã đến Yên Nghĩa sẽ chỉ mất khoảng 30 phút, thay vì mất hơn một giờ như xe buýt thường hiện nay. Tuyến buýt nhanh BRT được khởi công từ năm 2013, dự kiến sẽ được đưa vào chạy thử vào giữa tháng 12 này.