Aa

Hà Nội đưa ra phương án ‘cứu’ dòng sông hơn 2.000 năm tuổi, Bộ Xây dựng nói gì?

Thứ Sáu, 17/01/2025 - 10:22

Bộ Xây dựng nhấn mạnh, Hà Nội cần xây dựng phương án vận hành và khai thác trạm bơm trong cả mùa khô lẫn mùa mưa, nhằm duy trì cảnh quan và môi trường của sông Tô Lịch.

Theo Báo Dân trí, Bộ Xây dựng mới đây đã có ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng công trình bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch, nhấn mạnh một số vấn đề cần được làm rõ và bổ sung.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát và làm rõ sự phù hợp của phương án đề xuất với Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được phê duyệt tại Quyết định số 847/QĐ-TTg ngày 14/7/2023.

Đồng thời, thành phố cần đối chiếu với các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hiện trạng sông Tô Lịch. Nguồn ảnh: Báo Đấu thầu

Hiện trạng sông Tô Lịch. Nguồn ảnh: Báo Đấu thầu

Theo quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Tô Lịch sẽ được cải tạo, xây dựng tuyến mương kết nối với sông Nhuệ từ trạm bơm Cổ Nhuế đến đầu sông Tô Lịch với lưu lượng thiết kế 5m3/s. Trong trường hợp phương án này được phê duyệt, Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ tiến độ triển khai dự án đầu tư trạm bơm tại khu vực Cổ Nhuế theo quy hoạch hiện hành.

Ngoài ra, các nội dung liên quan đến việc cập nhật dự án vào các đồ án quy hoạch liên quan cũng cần được cụ thể hóa nếu dự án được chấp thuận.

Hà Nội đề xuất xây dựng trạm bơm chìm với công suất từ 3-5m3/s nhằm bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch. Bộ Xây dựng yêu cầu làm rõ quy mô công suất cụ thể của trạm bơm để đảm bảo đáp ứng đồng thời nhu cầu bổ cập nước cho cả sông Tô Lịch và hồ Tây.

Về vị trí trạm bơm, Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội làm rõ cơ sở lựa chọn vị trí đặt trạm dưới chân cầu Nhật Tân, đồng thời đánh giá tác động của việc vận hành trạm bơm trong mùa nước kiệt đến các công trình lân cận, đặc biệt là cầu Nhật Tân.

Tuyến ống truyền tải nước dự kiến có đường kính D1200 chạy dọc vỉa hè đường Võ Chí Công, nơi có nhiều công trình hạ tầng hiện hữu. Do đó, tuyến ống có thể phải thiết kế sâu hơn để tránh xung đột với các công trình này. Bộ Xây dựng khuyến nghị cần lựa chọn vật liệu ống phù hợp, đảm bảo khả năng chịu tải, điều kiện thi công và tránh gia tăng tổng mức đầu tư.

Bộ Xây dựng nhấn mạnh, Hà Nội cần xây dựng phương án vận hành và khai thác trạm bơm trong cả mùa khô lẫn mùa mưa, nhằm duy trì cảnh quan và môi trường của sông Tô Lịch. Ngoài ra, cần xem xét bổ sung một số họng chờ tại các điểm phù hợp để cấp nước thô dự phòng cho các nhà máy xử lý nước sạch trong khu vực tuyến ống đi qua.

Cơ quan này cũng đề xuất nghiên cứu phương án bổ cập nguồn nước thô cho một số nhà máy nước ngầm như Cáo Đỉnh, Ngọc Hà, hỗ trợ chuyển đổi từ nguồn nước dưới đất sang nguồn nước mặt.

Sông Tô Lịch - một nhánh của sông Cái (nay là sông Hồng) từng có dòng chảy kết nối trực tiếp với Hồ Tây. Tuy nhiên, vào thời Nguyễn, sự thay đổi dòng chảy của sông Hồng đã khiến sông Tô bị cắt nguồn nước, dẫn đến tình trạng bồi lấp cửa sông.

Đến năm 1889, người Pháp quyết định lấp một phần sông Tô để xây dựng khu vực 36 phố phường nổi tiếng. Sau khi hai cửa sông bị chặn hoàn toàn, sông Tô mất đi sự liên kết với sông Hồng và Hồ Tây, dẫn đến tình trạng dòng chảy bị tắc nghẽn. Kể từ đó, con sông này dần trở thành nơi chứa lượng lớn nước thải đô thị, trong khi không có biện pháp khơi thông dòng chảy hiệu quả.

Qua hơn 2.000 năm lịch sử, từ một con sông rộng lớn mang giá trị tự nhiên và văn hóa, sông Tô Lịch nay biến thành một cống nước thải đen ngòm. Sự suy thoái này không chỉ làm Thủ đô mất đi một di sản quý giá mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân trong suốt nhiều thập kỷ.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top