Trong danh mục các dự án dừng triển khai, dừng thực hiện gồm 2 dự án đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa ký hợp đồng; 11 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi và 69 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trong số này có dự án dự án xây dựng đường trục kinh tế Bắc Nam tỉnh Hà Tây (cũ) với quy mô 20km của Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường. Công ty cổ phần Bitexco (Bitexco Group) cũng bị dừng thực hiện thủ tục dự án đường 70 đoạn từ Văn Điển đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (đường nối Quốc lộ 1A cũ và đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ). Dự án Đường vành đai 5 qua địa bàn xã Sơn Tây, quy mô 10km đang được Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hoàng Dương thực hiện thủ tục dự án cũng nằm trong danh sách này…
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian vừa qua, TP. Hà Nội nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư về việc tham gia đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố theo hình thức đầu tư đối tác công tư PPP, loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Về chủ trương, UBND thành phố luôn hoan nghênh các nhà đầu tư có mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021), đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT dừng triển khai dự án mới, dừng thực hiện dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cho biết thêm, năm 2020, Tập thể lãnh đạo UBND thành phố đã họp về việc rà soát các dự án đầu tư theo hình thức PPP của thành phố, theo đó UBND thành phố chỉ đạo (tại Thông báo số 192/TB-UBND ngày 27/2/2020): Đối với các dự án chưa giao nhà đầu tư (kể cả dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn nhà đầu tư) giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho các nhà đầu tư đề xuất dự án, nhà đầu tư đăng ký tham gia thực hiện dự án việc dừng công tác chuẩn bị đầu tư.
Năm 2021, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố đã báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy về việc triển khai thực hiện các dự án PPP và chuyển đổi một số dự án sang hình thức đầu tư công trên địa bàn thành phố, theo đó Ban Cán sự Đảng UBND thành phố có ý kiến (tại Báo cáo số 164-BC/BCSĐ ngày 24/3/2021): Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, thông báo cho các nhà đầu tư dừng công tác chuẩn bị đầu tư; rà soát từng dự án cụ thể, tham mưu đề xuất UBND thành phố xem xét, chuyển đổi sang hình thức đầu tư công đối với những dự án cần thiết, cấp bách theo quy định; Ban Thường vụ Thành ủy đã có ý kiến chỉ đạo thực hiện tại Thông báo số 198-TB/TU ngày 29/3/2021.
Căn cứ quy định hiện hành và các chỉ đạo nêu trên, 82 dự án do cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư đề xuất thuộc trường hợp dừng triển khai, dừng thực hiện. Việc thanh toán chi phí chuẩn bị dự án (nếu có) thực hiện theo quy định tại khoản 11 Điều 91 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Hình thức đầu tư PPP theo hợp đồng BT được pháp luật Việt Nam cho phép thực hiện chính thức từ năm 1998, tại Nghị định 62 ngày 15/8/1998 của Chính phủ.
Bản chất kinh tế của BT là cách thức Nhà nước huy động khu vực tư nhân cùng chia sẻ gánh nặng trách nhiệm thu xếp, bố trí nguồn vốn để đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong lúc nguồn vốn của Nhà nước chưa bố trí được.
Đây được coi là giải pháp hữu hiệu, là "phao cứu sinh" để hoàn thiện và kết nối đồng bộ cơ sở hạ tầng. Thực tế cho thấy, hàng loạt dự án, công trình kết cấu hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội ra đời từ hình thức đầu tư này đã phát huy hiệu quả, làm thay đổi bộ mặt của nhiều địa phương, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Hơn 20 năm dự án BT được áp dụng tại Việt Nam, dù chưa có thống kê chính xác về số lượng dự án đã được triển khai ở từng địa phương nhưng qua những kết quả rà soát của Kiểm toán Nhà nước thấy rằng, rất nhiều dự án bộc lộ những bất cập, sai phạm. BT trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, thất thoát đất đai một cách khó kiểm soát. Điều đáng nói là hệ thống quy phạm pháp luật điều chỉnh dự án BT từ năm 2013 trở về sau đã dần hoàn thiện và tương đối đầy đủ, chặt chẽ nhưng bất cập vẫn chồng bất cập./.
Giới chuyên gia và dư luận kỳ vọng, tất cả tồn tại, hạn chế, thất thoát tài sản Nhà nước đối với hình thức đầu tư BT sẽ chấm dứt khi triển khai Nghị định 69/2019/NĐ-CP từ ngày 1/10/2019, quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao.
Nghị định này như một sợi dây thắt chặt hơn yếu tố pháp lý cho dự án BT nhưng thực tế, câu chuyện những khu đất vàng được định giá bèo thông qua hình thức BT để dễ dàng rơi vào tay doanh nghiệp vẫn tiếp tục xảy ra. Các dự án BT đã trở thành "mật ngọt" khiến nhiều doanh nghiệp dù không có kinh nghiệm, năng lực triển khai dự án, thậm chí yếu kém về tài chính vẫn tiên phong nhận "trọng trách" xây dựng đường sá?
Thực tế cũng cho thấy, hàng loạt lô đất vàng nghiễm nhiên rơi vào tay doanh nghiệp với giá không thể rẻ hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, Nhà nước đã phải trả một cái giá quá đắt cho các dự án xây dựng hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Và cũng vì lẽ đó, nhiều con đường BT được mệnh danh là “đắt nhất hành tinh”.
Trước những bất cập, thất thoát ngày càng lộ rõ, vấn đề dừng lại hay tiếp tục dự án BT đã được đặt ra và có nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP và loại bỏ dự án BT ra khỏi loại hình này.
Theo đó, kể từ thời điểm luật này có hiệu lực (1/1/2021), sẽ không còn bất cứ dự án nào được đầu tư bằng hình thức BT. Thậm chí, điều 101 của Luật này cũng quy định, các hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư dừng thực hiện kể từ ngày 15/8/2020.