Theo quy trình triển khai dự án, thời gian vận hành thử 3 - 6 tháng và là giai đoạn cuối cùng trước khi đưa dự án vào khai thác vận tải thương mại. Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, nhưng trước mắt khai thác vận tốc 35km/giờ với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến. Tổng thầu Trung Quốc chịu trách nhiệm hoàn toàn về công tác vận hành thử nghiệm.
Hiện tại, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng, hoàn thiện hệ thống điện, thông tin tín hiện, các tác nghiệp điều khiển và hệ thống đường ray cũng như hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tàu lăn bánh…
Dự án này sẽ có hơn 600 nhân sự tham gia vào việc vừa đào tạo tại hiện trường, vừa tiếp nhận dự án để sau này quản lý, vận hành và khai thác. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ban quản lý dự án, trong giai đoạn đầu thử nghiệm không có người Việt Nam tham gia vào công tác vận hành. Sau này, nhân công người Việt đã được đào tạo sẽ được đưa vào tiếp nhận và vận hành từng bước.
Hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ đưa vào khai thác thương mại trước Tết Âm lịch 2019, dự kiến giá vé khoảng 10.000 đồng/lượt.
Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào năm 2008 với tổng mức đầu tư ban đầu là 553 triệu đô la Mỹ và dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 6/2014; chạy thử từ tháng 10/2014 đến tháng 6/2015, từ ngày 30/6/2015 chính thức khai thác thương mại. Tuy nhiên, đến năm 2016, tổng mức đầu tư của dự án đã tăng lên hơn 868 triệu USD, nghĩa là đội vốn lên tới hơn 315 triệu USD, tương đương khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 198 triệu USD. Sau nhiều lần bị lùi tiến độ, Bộ GTVT đã có chỉ đạo yêu cầu bằng mọi giá hoàn thành dự án trong năm 2018. Ngày 9/8/2018, đoàn tàu ở dự án đường sắt trên cao đầu tiên tại Việt Nam chạy thử nghiệm từ ga Cát Linh (quận Đống Đa) đi Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội). |