Aa

Hà Nội: Gỡ "nút thắt" giải phóng mặt bằng

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Chủ Nhật, 01/04/2018 - 06:01

UBND TP. Hà Nội cho biết, thời gian tới sẽ áp dụng cơ chế đặc thù, không bắt buộc người dân phải nhận nhà tái định cư khi giải phóng mặt bằng. Hà Nội đang kỳ vọng những bất cập trong cơ chế, chính sách được tháo gỡ kịp thời để bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Hiện nay, các thành phố lớn đặc biệt quan tâm chuyện đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm. Để gỡ những "nút thắt" này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân... Tuy nhiên, đến nay TP. Hà Nội vẫn loay hoay, tiến độ giải phóng mặt bằng một số dự án, công trình trọng điểm còn chậm so với kế hoạch đề ra.

Trong bối cảnh đó, áp lực phát triển hạ tầng, tăng dân số cơ học, tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường ở Hà Nội ngày càng gay gắt hơn. Chính vì thế đã gây trở ngại lớn cho sự phát triển nhanh và bền vững của Hà Nội

Năm 2017, toàn thành phố triển khai 1.727 dự án, thu hồi đất với diện tích 7.258ha, liên quan đến 87.311 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Kết quả thực hiện giải phóng mặt bằng (tính đến ngày 29-12-2017): Đã phê duyệt 32.175 phương án với số tiền bồi thường, hỗ trợ 14.268 tỷ đồng; đã chi trả 12.144 tỷ đồng cho 27.588 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; nhận bàn giao mặt bằng 1.058ha đất tại 326 dự án. 

Trong buổi trả lời cử tri quận Long Biên ngày 28/11/2017, Bí thư Hoàng Trung Hải cho biết Hà Nội phải tạo ra tuyến vận tải hành khách công cộng thuận lợi, bởi hiện mới chỉ đạt 10% trên tổng số 55% nhu cầu đi lại của người dân. Riêng năm 2017, thành phố bổ sung 300 xe buýt mới, đã kết nối các tuyến buýt đến tất cả các huyện ngoại thành.

Bí thư Hà Nội cũng mong người dân chia sẻ, thấu hiểu với thành phố bởi ngoài bảo đảm quyền lợi cho người dân thì khi thi công các tuyến đường giao thông, vướng mắc lớn nhất là giải phóng mặt bằng. Nếu từng người dân không sẵn sàng chia sẻ, không vì cái chung thì không bao giờ làm nhanh được.

Từ đầu tháng 10 vừa qua, đơn vị chức năng đã đưa máy móc, thiết bị phá dỡ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án đường vành đai 2.

Tháng 10/2017, đơn vị chức năng đã đưa máy móc, thiết bị phá dỡ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án đường vành đai 2 (Ảnh: Trần Kháng).

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội chia sẻ, hiện nay nhiều tuyến đường của TP. Hà Nội được gọi là “đắt nhất hành tinh” bởi trong quy hoạch những năm 1998 chưa triển khai đồng bộ kết nối. Nhiều tuyến đường quy hoạch dang dở đến 20 năm có khi vẫn chưa làm xong. Trong khi đó, giá đất lại điều chỉnh theo hàng năm khiến đội giá kinh phí giải tỏa.

Trong bối cảnh đó, dân cư trong khu vực đã quy hoạch không kiểm soát được mà ngày càng tăng cao, đất bị chia tách hộ, mua đi bán lại cho những người có nhu cầu mua nhà hoặc thừa kế tài sản. Thêm nữa là sau giải phóng mặt bằng, giá trị đất mặt phố tăng lên chóng mặt, nhiều người lại xây nhà định cư siêu mỏng, siêu méo vì nhiều mục đích khác nhau. Kết quả là giá đất càng tăng, chuyện giải tỏa đền bù lại càng khó khăn hơn. Tóm lại gốc của vấn đề là ở quy hoạch sau giải phóng mặt bằng chưa có.

Ông Nghiêm phân tích, Luật Thủ đô có hiệu lực từ tháng 7/2013 đã nói rõ là khi mở đường phải đồng thời nghiên cứu hai bên tuyến đường đó. Từ đó, phải tùy theo khu vực cụ thể mà có thể lấy từ chỉ giới đỏ vào thêm 50 hoặc 100m. Khi giải phóng mặt bằng, ngoài giải phóng trong ranh giới tuyến đường thì nên giải phóng cả không gian hai bên tuyến đường để đảm bảo xây dựng.

“Có một sự thật là muốn giải phóng mặt bằng để xây các dự án thì buộc phải có quỹ nhà tái định cư cho người dân để họ có cuộc sống ổn định. Thế nhưng, thời gian cứ trôi, còn chúng ta vẫn chưa làm được theo luật đã nói, nhà “siêu mỏng siêu méo” vẫn còn đó, nhà tái định cư chưa xong, đền bù cho dân chưa thỏa đáng nên họ do dự không di dời”, ông Nghiêm nhấn mạnh./.

Hiện, toàn thành phố đang thực hiện 52 công trình trọng điểm, trong đó có 39 công trình liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất, phải thực hiện, hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020. Thời điểm này, mới có 15 công trình đủ thủ tục và đang triển khai; 24 công trình phải triển khai, nhưng còn ở giai đoạn hoàn thiện các thủ tục pháp lý...
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top