Hình ảnh tắc đường quen thuộc với Hà Nội.
Thành phố (TP) Hà Nội vừa đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng vừa hạn chế phương tiện cá nhân. Với quan điểm này, khi đưa đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông vào hoạt động, TP dự kiến thí điểm hạn chế xe máy đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương vì hai đường này đã có tuyến buýt nhanh đang hoạt động.
Lựa chọn chưa thuyết phục?
Tuy nhiên, khi dự kiến này được đưa ra lại chưa nhận được sự đồng thuận cao của người dân và các chuyên gia. Dù đồng tình với chủ trương hạn chế xe cá nhân của TP nhưng chị Trịnh Kim Thoa ở phố Ao Sen, quận Hà Đông lại cho rằng, “lưu lượng xe trên các tuyến đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương rất lớn, một tuyến buýt nhanh hay tàu điện trên cao theo trục hướng tâm chưa giải quyết được hết nhu cầu đi lại của người dân. Ngoài ra, Hà Nội có đông lao động làm nghề tự do, thường xuyên dịch chuyển trên đường phố, ngõ nhỏ để mưu sinh chứ không làm việc ổn định ở một nơi cố định. Vì vậy, nếu cấm xe máy ở hai tuyến phố cửa ngõ, nối trung tâm với khu vực phía Tây Nam thì những người kinh doanh buôn bán, nhà nông hay lao động tự do sẽ chịu nhiều tác động. Họ không thể mang số lượng lớn hàng hóa, nông sản lên xe buýt nhanh, tàu điện trên cao để đưa vào chợ trong nội đô tiêu thụ. Đây là thực tế cần được các cơ quan chức năng lưu tâm”.
Thêm một bất cập nữa được ông Khương Kim Tạo - nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ ra: Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương là hai tuyến giao thông huyết mạch kéo dài, cấm xe máy sẽ khiến phương tiện dồn sang các phố khác và có khả năng phát sinh thêm các điểm ùn tắc ở các tuyến phố lân cận.
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội thì băn khoăn: phương tiện cá nhân bao gồm cả xe máy và ô tô. Nếu Hà Nội chỉ cấm xe máy, không chú trọng hạn chế ô tô cá nhân thì khó giải quyết được vấn nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… Thực tế một trong những nguyên nhân khiến tình hình ùn tắc giao thông tại Hà Nội tăng dần trong những năm qua là do gia tăng lượng xe ô tô cá nhân, nhiều đoạn đường, ô tô lưu thông theo hàng 4, hàng 5. “Đừng chủ quan mặc nhiên cho rằng, cấm xe máy, không hạn chế ô tô, người dân sẽ đi phương tiện công cộng. Nhiều người, nhiều gia đình sẵn sàng mua ô tô nếu thấy việc di chuyển bằng các phương tiện công cộng không thuận tiện. Vì thế, nếu TP quyết tâm thực hiện cấm xe máy thì phải rõ ràng trong hạn chế xe ô tô cá nhân thì mới tạo sự thuyết phục ”.
Lộ trình thực hiện phải thực tế, khoa học
Ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông… đang là thách thức của TP. Hạn chế phương tiện cá nhân được ông Nguyễn Danh Liên đánh giá là giải pháp căn cơ và hiệu quả vì lợi ích của người dân và đưa Thủ đô tiến tới đích phát triển văn minh, hiện đại. Chủ trương này cũng nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân bởi hơn ai hết, người dân cảm nhận được những hệ lụy ảnh hưởng do quá tải giao thông gây ra. Tuy nhiên, để hạn chế phương tiện cá nhân, không chỉ đơn giản dùng mệnh lệnh hành chính mà cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với quyết tâm cao.
Ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng.
Theo ông Bùi Danh Liên, TP nên triển khai xây dựng những bãi đỗ xe máy công cộng, phục vụ những người dân ở xa những tuyến đường có vận tải công cộng, hoặc sử dụng những xe buýt nhỏ, xe lam làm nhiệm vụ kết nối, trung chuyển người dân tiếp cận nhanh hơn phương tiện giao thông hiện đại ở những đường chính như xe buýt nhanh, tàu điện trên cao; bố trí các điểm trông giữ xe, cho thuê xe đạp, xe đạp điện... Cùng với đó, nhanh chóng di dời các cơ sở sản xuất, trường học ra ngoại thành, hạn chế xây dựng những tòa nhà cao tầng trên các trục đường lớn… Thực hiện hạn chế xe cá nhân, theo kinh nghiệm của các nước đã thành công, không thể thực hiện nóng vội, cần thực hiện theo lộ trình từng năm, từng giai đoạn: thực hiện cấm theo giờ, theo ngày chẵn lẻ hoặc theo từng điểm giao thông… Sau mỗi giai đoạn thí điểm có tổng kết, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm; nếu hiệu quả thì tiếp tục nhân rộng, có bất cập nảy sinh thì kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Trong thời gian thực hiện theo lộ trình trên, Hà Nội song song đầu tư đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, kết nối đồng bộ hệ thống giao thông vận tải công cộng… để người dân thực sự hài lòng với phương tiện công cộng, tự nguyện bỏ xe cá nhân.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội nhận định: Phương tiện vận tải hành khách công cộng khó có thể so sánh mức độ thuận tiện như phương tiện cá nhân. Người dân hiện đã quá quen với việc “một bước lên xe máy”, triệt tiêu cả thói quen đi bộ trên quãng đường rất gần. Để thay đổi lối sống, dần dần bỏ phương tiện giao thông cá nhân thay thế bằng phương tiện giao thông công cộng đòi hỏi người tham gia giao thông phải có sự hy sinh nhất định vì lợi ích chung. Làm được như vậy, không chỉ cần thời gian mà TP cần đẩy mạnh tuyên truyền, phát động sâu rộng các hoạt động thể thao, rèn luyện thói quen đi bộ, đi xe đạp để chấp nhận những khoảng cách phải “đi bộ” đúng nghĩa; đảm bảo không gian vỉa hè thông thoáng, thuận tiện cho người đi bộ.