Ảnh minh họa.
Theo báo cáo tính đến hết 31/12/2015, kế hoạch vốn bố trí cho các dự án là 3.711.928 triệu đồng. Các dự án được đầu tư trên địa bàn thành phố tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý quy hoạch, kế hoạch, quản lý chất lượng công trình, quản lý vốn và chi phí đầu tư.
Việc phân loại nguồn vốn đầu tư bao gồm: Sử dụng nguồn vốn trung ương đầu tư do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý có 1 dự án là dự án nạo vét cải tạo sông Đáy. Đến nay, dự án đã triển khai và cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, nạo vét sông từ hạ lưu đập Đáy từ K0+000 đến K8+700 và xây dựng cầu Hiệp Thuận với kinh phí đầu tư lần lượt là hơn 348,6 tỷ đồng và hơn 349 tỷ đồng.
Nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách TP Hà Nội phần kinh phí tương đương 100% giá trị xây lắp công trình cho 2 dự án (dự án Nâng cấp đê Vân Cốc (K2+030 đến K8+800), huyện Phúc Thọ và dự án Xử lý tổng thể khu vực kè Thanh Am và sạt lở đầu cầu Đuống); phần vốn còn lại sử dụng ngân sách thành phố để đầu tư. Hai dự án đã khởi công năm 2015 với số vốn bố trí lần lượt là 95,751 tỷ đồng và 366,47 tỷ đồng và hiện nay đang thực hiện theo đúng tiến độ và kế hoạch vốn được giao đáp ứng mục tiêu nâng cấp cải tạo công trình đê Vân Cốc theo tiêu chuẩn đê cấp I và gia cố bờ sông khu vực xung yếu Thanh Am, cầu Đuống.
Nguồn vốn đầu tư bằng Trái phiếu Chính phủ là 271,952 tỷ đồng bố trí đầu tư xây dựng 2 công trình gia cố nền đê Sen Chiểu và công trình xử lý cấp bách kè hộ chân chống sạt lở bờ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Còn lại 36 dự án với tổng kinh phí khoảng hơn 9.554,6 tỷ đồng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội.
KIỀU CHÂU