Aa

Hà Nội: Khó kiểm soát sản phẩm không tem nhãn phụ tại các cửa hàng tiện lợi

Thứ Tư, 20/05/2020 - 07:10

Là nơi kinh doanh về dịch vụ tiêu dùng nhưng những thông tin cơ bản bằng tiếng Việt (tem nhãn phụ) về sản phẩm tại một số siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi bị “bỏ quên” khiến người tiêu dùng lo lắng khi mua sắm.

Theo ghi nhận của PV tại các điểm kinh doanh của các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi tại Hà Nội để tìm hiểu thông tin, hiện tại, các mặt hàng được bày bán tại hệ thống bán lẻ rất phong phú và đa dạng bao gồm: đồ dùng cá nhân, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ uống… Tuy nhiên, điều đáng nói là trên bao bì rất nhiều hàng hóa trong số này không hề được dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

Lo ngại sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng tại các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua, khi phải thực hiện giãn cách xã hội, người tiêu dùng hình thành một thói quen mới là mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini thay vì chợ truyền thống bởi đây là những nơi có triển khai các biện pháp phòng dịch như trang bị nước rửa tay cho khách hàng, yêu cầu vị trí cách 2m đối với khách hàng... nên cũng hạn chế phần nào khả năng lây nhiễm. Đó là lý do hệ thống bán lẻ này "nở rộ", "mọc lên như nấm sau mưa".

Tuy nhiên, bên cạnh các siêu thị lớn thực hiện nghiêm chỉnh việc kiểm soát chất lượng đầu vào thì các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi đang "phớt lờ" quy định, kinh doanh các mặt hàng, sản phẩm nhập ngoại không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.

Nhiều sản phẩm mỹ phẩm ngoại tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini trên địa bàn Hà Nội không thực hiện dán tem nhãn phụ đúng theo quy định của pháp luật.

Thông thường, người tiêu dùng nhận biết nguồn gốc, xuất xứ và loại sản phẩm được bày bán và lưu hành trên thị trường thông qua nhãn hiệu hàng hóa. Thế nhưng, hàng hóa không có nhãn phụ thì người tiêu dùng chẳng khác nào "mò kim đáy biển" trong bối cảnh thị trường hàng hóa đã và đang bị trà trộn nhiều hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng như hiện nay.

Sữa cho trẻ em cũng không có tem nhãn phụ, không rõ nguồn gốc xuất xứ

"Hậu Covid-19, gia đình tôi chuyển hẳn hành vi mua sắm sang các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi gần nhà để hạn chế việc tiếp xúc đông người nhưng lại gặp khó khăn khi mua các sản phẩm nhập khẩu tại đây bởi toàn tiếng nước ngoài, những thông tin cơ bản như công dụng, thành phần, xuất xứ cũng không có nên rất khó để lựa chọn, so sánh giữa các sản phẩm" - chị Khánh Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.

Các mặt hàng hóa mỹ phẩm không tem nhãn phụ của 1 siêu thị mini tại khu vực Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội)

Trước đó, ghi nhận của PV tại một trong số các cửa hàng của Keiko bày bán đa dạng trên 400 mặt hàng tiêu dùng, thời trang, mỹ phẩm, đồ dùng tiện ích gia đình, thực phẩm cho mẹ và bé,... Thế nhưng, dù bao bì sản phẩm được in “chi chít” chữ tiếng Nhật song trên các sản phẩm không hề được dán tem nhãn phụ thể hiện những thông tin cần thiết bằng tiếng Việt về thành phần, tính năng, cách sử dụng, cảnh báo, xuất xứ hàng hóa, nhà nhập khẩu mà thay vào đó là chỉ là một bảng thông tin nhỏ bên ngoài cạnh sản phẩm. 

Các sản phẩm Nhật tại Keiko không dán tem nhãn phụ theo đúng quy định

Với một người tiêu dùng, khi lựa chọn 1 sản phẩm thì những thông tin cơ bản là yếu tố đầu tiên cần tìm hiểu.

"Tôi là một người khá khó tính khi mua hàng, đặc biệt là những mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe, da mặt... Tôi khá bất ngờ khi những sản phẩm mỹ phẩm tại các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi mặc dù được quảng cáo rầm rộ là hàng ngoại, hàng nhập khẩu nhưng sản phẩm toàn chữ nước ngoài, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tôi không hiểu có những công dụng thành phần gì nên luôn "cạch" những sản phẩm như thế này" - chị Hồng Vân (Ba Đình, Hà Nội) lo lắng.

Tình trạng ngang nhiên bán các sản phẩm không tem nhãn phụ đã diễn ra trong một thời gian khá dài. Một số các siêu thị lớn đã nhanh chóng khắc phục sau khi bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt; còn lại với số lượng lớn các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi như hiện nay thì việc kiểm soát đang là một bài toán tương đối khó bởi chính bản thân các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh chưa ý thức được trách nhiệm đối với người tiêu dùng trong việc cung cấp các sản phẩm hàng hóa bảo đảm chất lượng, tuân thủ, chấp hành đúng các quy định của pháp luật.

Các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi có đang "phớt lờ" cơ quan chức năng?

Theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa có quy định: "Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc”.

Việc không dán nhãn phụ bằng tiếng Việt đối với các sản phẩm tại các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi rõ ràng đã vi phạm Nghị định 89/2006/NĐ-CP về ghi tem nhãn đối với sản phẩm hàng hóa đã được cụ thể hóa trong các quy đinh của pháp luật. Hơn thế nữa, các sản phẩm không có tem nhãn phụ gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ, thành phần, cách sử dụng và bảo quản, nhận biết hàng thật, hàng giả, hàng chính hãng, hàng nhập lậu…, đồng thời gây khó khăn trong công tác quản lý thị trường cho cơ quan chức năng.

Sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải có tem nhãn phụ theo quy định của pháp luật

Tại điểm b khoản 1 mục 1 Thông tư 09/2007/TT-BKHCN đã quy định "Nhãn phụ phải được gắn trên hàng hoá hoặc bao bì thương phẩm của hàng hoá và không được che khuất nội dung của nhãn gốc. Nội dung ghi trên nhãn phụ không được làm hiểu sai lệch nội dung của nhãn gốc". Trong đó, bao bì thương phẩm thì bao gồm hai loại là bao bì trực tiếp và bao bì ngoài.  Bao bì trực tiếp là bao bì chứa đựng hàng hoá, tiếp xúc trực tiếp với hàng hoá, tạo ra hình khối hoặc bọc kín theo hình khối của hàng hoá; bao bì ngoài là bao bì dùng để bao gói một hoặc một số đơn vị hàng hoá có bao bì trực tiếp.

Các cơ quan chức năng đã xử phạt rất nhiều cơ sở kinh doanh không dán tem nhãn phụ nhưng với số lượng siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi mọc lên như nấm, việc thanh tra, giám sát đang bị khó kiểm soát (Ảnh: internet)

Khi cố tình vi phạm các quy định này, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa nhập khẩu có thể phải chịu mức phạt đến 80 triệu đồng tùy thuộc vào giá trị hàng hóa vi phạm theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 26 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng:

b) Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

2. Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này theo mức phạt sau đây:

g) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng…

Tại Khoản 7, Điều 3, Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về các mặt hàng được coi là hàng lậu bao gồm: Hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật; Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm theo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường;

Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;

Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

Việc các sản phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài không có nhãn phụ không chỉ gây khó khăn cho khách hàng trong việc tìm hiểu thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ sản phẩm, thời gian sản xuất và hạn sử dụng cũng như các thành phần của sản phẩm mà còn gia tăng tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng...

Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có quy định rất rõ ràng về việc dán tem nhãn phụ cho các sản phẩm nhập khẩu, thế nhưng các siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi đang "phớt lờ" để vượt mặt cơ quan chức năng? Có hay không, việc cơ quan chức năng đang “thờ ơ” trước tình trạng cơ sở bày bán sản phẩm không rõ nguồn gốc? 

Trên tinh thần thượng tôn người tiêu dùng, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top