Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tại cuộc họp về tình hình triển khai một số dự án đầu tư kéo dài, chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng trên địa bàn thành phố.
Theo đó, với Dự án xây dựng Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, các Sở Xây dựng, Tài chính và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố phối hợp, thực hiện quyết toán theo hạng mục hoàn thành; hoàn thành trong tháng 12/2024. Riêng đối với hạng mục trạm biến áp thực hiện việc thanh quyết toán sau.
Về chuyển đổi các hạng mục A2, A3, A4 sang nhà ở xã hội cho thuê, Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố khẩn trương thực hiện lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, tổ chức thẩm định, trình HĐND thành phố xem xét, thông qua chủ trương đầu tư tại phiên họp đầu năm 2025. Trên cơ sở đó, hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp tòa A2, A3 trong năm 2026, hoàn thành đầu tư xây dựng tòa A4 chậm nhất trong năm 2027.
Trước đó, ngày 30/10, chủ trì cuộc họp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, dù nguyên nhân chủ quan hay khách quan, các dự án chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng trên địa bàn thành phố cũng đã có dấu hiệu lãng phí, nhất là lãng phí về thời gian.
Cần đồng bộ hạ tầng và có mô hình quản trị phù hợp
KTS. Trần Huy Ánh - Uỷ viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội nhận định, sau hơn 10 năm, chỉ có 2 trong số 6 tòa nhà cao tầng có sinh viên thuê ở nhưng với số lượng học sinh rất ít cho thấy việc khai thác ký túc xá này chưa hiệu quả.
"Các tòa nhà bị bỏ hoang rất lãng phí, trong khi nguồn lực của thành phố thì hạn hẹp, nhu cầu của sinh viên về ký túc xá rất lớn nhưng nơi cần thì không có, nơi có lại trở thành vô nghĩa như vậy. Tìm cách hoá giải tình trạng lãng phí đang diễn ra tại ký túc xá bỏ hoang này là điều nên làm, nhưng cần phải tính toán tới quy trình chuyển đổi công năng, tính toán việc vận hành, quản trị công trình sao cho hợp lý. Việc chuyển đổi công năng ký túc xá sinh viên thành nhà ở xã hội phải tính đến rất nhiều yếu tố phù hợp với nhu cầu cuộc sống của cư dân đô thị, đặc biệt là những tiện ích điện, đường, trường, trạm đi kèm", KTS. Trần Huy Ánh nói.
Cùng với việc đồng bộ hạ tầng thì cũng cần nghĩ tới mô hình quản trị phù hợp, vừa đảm bảo về kinh tế, vừa đảm bảo về xã hội, tiết kiệm ngân sách nhà nước và tránh lãng phí. Việc chuyển đổi hạ tầng phụ trợ và các khu chức năng đủ để trở thành các căn hộ khép kín, tiện nghi sẽ là bài toán không dễ với các nhà quản lý, nhưng nếu chuyển đổi được thì sẽ khai thác hiệu quả hơn công trình, tránh lãng phí những tòa nhà nghìn tỷ ở Thủ đô./.