Hạn chế xe máy gắn với cải thiện hạ tầng giao thông
Tại hội nghị các cử tri đã phản ánh băn khoăn liên quan đời sống dân sinh, như hạn chế lưu hành xe máy, xử lý môi trường các hồ, vấn đề phát triển du lịch...
Cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) băn khoăn về lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân ở TP, bởi hạ tầng giao thông quá kém, thiếu đồng bộ, quỹ đất thiếu... “Phương tiện công cộng chưa tốt, thái độ phục vụ thiếu văn hóa. Mật độ dân số tăng cao. Nếu cấm phương tiện xe máy, dân nghèo sẽ ra sao?”, ông Toán chia sẻ.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, đề án của thành phố phấn đấu đến 2030, hạn chế phương tiện cá nhân ở lõi đô thị. Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh đề án là hạn chế phương tiện cá nhân chứ không cấm hẳn và đề án sẽ được thực hiện theo lộ trình khoa học.
Theo Chủ tịch UBND TP, để phát triển hệ thống giao thông công cộng, từ nay đến 2020, Hà Nội sẽ có thêm từ 1.000 đến 1.500 xe buýt, với nhiều loại hình như buýt mini, buýt phục vụ du lịch... Đến năm 2030, hệ thống phương tiện công cộng phải đáp ứng phục vụ 50-70% hành khách và khi đó, mới hạn chế dần việc lưu thông xe máy.
Ngoài ra, TP chủ trương xây dựng 6 tuyến đường sắt đô thị. Qua kêu gọi đầu tư, đã có 3 nhà đầu tư nước ngoài, 6 nhà đầu tư trong nước đăng ký đầu tư vào các tuyến đường này theo hình thức TPP, bảo đảm nhanh hiệu quả, hơn sử dụng nguồn vốn ODA. Các dự án này sẽ được tạo điều kiện tối đa để sớm triển khai, hoàn thành đi vào hoạt động, giảm áp lục hạ tầng, phục vụ Nhân dân, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định.
Có khách sạn trong nội thành mới đông khách
Làm rõ ý kiến cử tri về việc xây dựng khách sạn trong nội thành, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, đang có chủ trương xây dựng 40 khách sạn với số lượng phòng đảm bảo thêm từ 20-30 nghìn phòng trong vòng 3-4 năm tới.
Từ đầu năm 2017 đến nay, tất cả các khách sạn trong thành phố đã kín phòng cho đến hết năm 2018. Theo ông Nguyễn Đức Chung, việc các khách sạn kín phòng như vậy là tín hiệu vui mừng.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố đang thương thảo với các tập đoàn lớn trên thế giới để đưa các giải thể thao về nước, trên cơ sở đó thu hút khách du lịch. Bởi theo ông Chung muốn thu hút được khách du lịch phải tăng cường các dịch vụ du lịch, các khu vui chơi giải trí.
Vì vậy, ông Chung cho rằng không thể cấm việc xây dựng khách sạn trong khu vực nội thành.
“Chúng ta phải khuyến khích bởi vì chỉ có khách sạn trong nội thành mới có thể đông khách, không thể đưa khách sạn ra xa được. Khách sạn lưu trú phải đặt ở nơi du khách thuận tiện ăn, chơi nhất”, ông Nguyễn Đức Chung nêu quan điểm.
Xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Liên quan đến không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, qua vận hành, TP đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực và những ý kiến góp ý… Qua 43 tuần thí điểm triển khai không gian đi bộ Hoàn Kiếm, TP thống kê có 3 buổi nắng nóng và 3 buổi mưa cuối tuần, do vậy, thời gian tới tiếp tục triển khai như hiện tại.
Mục tiêu của TP là việc tổ chức không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm thời gian qua để từng bước, không chỉ là điểm văn hóa đặc biệt, mà còn biến nơi đây thành “sản phẩm du lịch”, thu hút du khách, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh và cho biết, thời gian qua, TP nghiêm túc, tiếp thu các ý kiến góp ý của người dân, nhà khoa học, chuyên gia trên các lĩnh vực…, qua đó nghiên cứu tổng hợp, để quản lý, khai thác thật hiệu quả; đồng thời giao UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng quy chế hoạt động trong năm nay để thực hiện mục tiêu trên…
Liên quan xử lý môi trường các hồ, Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung cho biết, dự án (DA) cải tạo hồ Hoàn Kiếm, được triển khai khai từ những năm trước, nay TP tiếp tục triển khai, giao cho các đơn vị chức năng nghiên cứu, lập đề án; lấy ý kiến các chuyên gia chuyên ngành, tổng hợp điều chỉnh, bổ sung, trình Thành ủy…
Tới đây, khi xử lý, mỗi ngày hồ Hoàn Kiếm sẽ được bơm thêm 1.000 m3 nước, mực nước cao hơn hiện tại từ 50 cm trở lên, bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định. Bên cạnh đó, quần thể khu vực này, sẽ quy hoạch vỉa hè; nâng tầm các sản phẩm du lịch, phục vụ du lịch; lắp hệ thống chiếu sáng, tổ chức các hoạt động giải trí, văn hóa…
“TP đang nghiên cứu và sẽ sớm triển khai mô hình về xe đạp công cộng để phục vụ du lịch và các nhu cầu đi lại của người dân”, Chủ tịch UBND TP thông tin và khẳng định, đây là bước cụ thể hóa Chương trình 08 của Thành ủy, xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. Ngoài hồ Hoàn Kiếm, TP cũng sẽ nghiên cứu triển khai xử lý môi trường các hồ khác, như Hồ Tây, hồ Thiền Quang… đều theo mục tiêu trên./.