Aa

Hà Nội mưa lớn: Tại sao phố cổ “cạn”, đô thị mới lại thành sông?

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Chủ Nhật, 22/07/2018 - 06:05

Theo sự phát triển của đô thị hóa, hệ thống cấp thoát nước tại các tuyến phố mới đáng lẽ phải tốt hơn tuyến phố cổ. Tuy nhiên, chỉ vài ngày mưa vừa qua, trong khi khu vực phố cổ nước thoát nhanh thì những tuyến phố mới lại ngập lụt, nước dâng cao đến vài mét làm ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như tình hình giao thông tại Thủ đô.

Trong gần một tuần qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều trận mưa lớn kéo dài hàng giờ đồng hồ. Trong đêm ngày 20/7 và rạng sáng 21/7, tại hầu hết các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô đều có mưa vừa và mưa to khiến nhiều tuyến đường ngập trong biển nước. Điều đặc biệt, trong khi các tuyến phố cũ thuộc khu vực trung tâm, cụ thể là khu vực xung quanh phố cổ hệ thống thoát nước tương đối tốt thì những tuyến đường mới như Đại lộ Thăng Long, Phạm Hùng, Lê Trọng Tấn - Quang Trung (Hà Đông) ngập trong biển nước. Không những thế, có những khu đô thị mới như Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn - Geleximco cứ mưa là thành ốc đảo. Nguyên nhân của vấn đề này là do đâu? Reatimes đã có cuộc trao đổi nhanh với TS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội.

PV: Thưa TS. Đào Ngọc Nghiêm, vấn nạn ngập lụt đang trở thành nỗi ám ảnh với người dân Thủ đô, điển hình như tình trạng xảy ra ngày hôm qua 21/7, sau khi mưa lớn kéo dài suốt đêm, các tuyến phố như Phạm Hùng, Đại lộ Thăng Long, đường Lê Trọng Tấn, đoạn trước khu đô thị An Khánh đều ngập trong mênh mông biển nước. Theo ông, vì sao lại dẫn đến tình trạng này?

TS. Đào Ngọc Nghiêm: Như chúng ta đã biết, hiện 100% các đô thị của Việt Nam đều có quy hoạch chung, đặc biệt các đô thị lớn sau khi có quy hoạch chung thì đã có quy hoạch theo từng nhành như thoát nước, kỹ thuật hạ tầng…. Khi nào đảm bảo quy hoạch đồng bộ thì mới mới cho triển khai dự án xây dựng. Tuy nhiên thời gian vừa qua, quản lý xây dựng theo quy hoạch có vấn đề nên mới để xảy ra tình trạng ngập lụt ở chung cư cư mới, tuyến phố mới.

Một trong những vấn đề nan giải nhất không chỉ riêng Thủ đô mà ở các thành phố lớn khác là các chủ đầu tư mới chủ yếu quan tâm đến xây dựng công trình nhà ở, khách sạn,… trước chứ chưa chú trọng đến hạ tầng kỹ thuật giao thông và điện nước. Mặt khác sự kết nối giữa các khu đô thị hiện nay vừa thiếu vừa yếu, đặc biệt các khu có chung cư cao tầng với cùng và khu vực lân cận.

Tôi cho rằng, đây là trách nhiệm của các nhà quản lý quy hoạch. Đáng lẽ khi cho xây các khu đô thị thì cần gắn kết với quy hoạch vùng nhưng do vốn ngân sách hoặc do các điều kiện nên chưa thực hiện được kết nối. Hệ quả mới dẫn đến một số khu đô thị trở thành ốc đảo vào mùa mưa.

Ngoài ra, tôi cho rằng những biến động về môi trường đặc biệt là về mưa kéo dài nên các đô thị cũ hay mới cũng đều bị ảnh hưởng, chỉ là sự ảnh hưởng này có sự khác nhau.

Đô thị mới thành ốc đảo sau cơn mưa

Đô thị mới thành ốc đảo sau cơn mưa

PV: Thưa ông, thực tế có một nghịch lý, ví dụ cùng sau một trận mưa, các khu phố cổ ít khi lâm vào tình trạng "thất thủ" nhưng các tuyến phố mới hay đô thị mới - theo lẽ thường được xây dựng sau, hiện đại hơn - lại trở thành điểm "đen" của úng ngập, thậm chí có tình trạng  cư dân phải di chuyển bằng xuồng như ở khu đô thị mới Lê Trọng Tấn - Geleximco. Theo ông vì sau dẫn đến nghịch lý này?

TS. Đào Ngọc Nghiêm: Vấn đề này nhiều chuyên gia đã phân tích rồi, là do yếu tố cốt xây dựng khác nhau. Như tôi đã từng tìm hiểu, thì theo quy hoạch khu phố cổ cốt là 6m, trong quá trình xây dựng cốt dâng lên là 7m, thậm chí có nơi 10. Bên cạnh đó, hệ thống cống ngầm từ thời Pháp đã kéo dài tới hơn 70km, điều đó có nghĩa hệ thống này thoát nước khá tốt, phù hợp mới mật độ dân số cũng như xây dựng.

Trong khi đó, các khu phố mới, xây dựng đã nâng cốt nền nhưng trọng điểm là quy hoạch cốt chỗ cao chỗ thấp, chưa thực sự đưa ra mức cốt chuẩn là bao nhiêu. Mặt khác, đô thị hóa quá nhanh đã khiến diện tích hồ điều hòa nước bị san lấp trong khi hồ mới thì không xây dựng.

Những năm 1995, Thủ đô có 100 hồ với hơn 2.000ha nhưng hiện đã san tới 30% diện tích hồ. Thông thường một đô thị với bối cảnh như những ngày qua thì muốn có thoát nước tốt thì phải có 5 - 7% diện tích mặt đất là hồ nhưng tôi nhớ nhiều khu vực dự kiến có hồ song dường như đến nay các nhà đầu tư vẫn “im hơi lặng tiếng”.

PV: Vậy theo ông, cần quy hoạch hệ thống thoát nước như thế nào để giải quyết tận gốc rễ của vấn đề "Hà Nội phố cũng như sông"?

TS. Đào Ngọc Nghiêm: Tóm lại, câu chuyện vẫn là do lỗi hệ thống giữa các khâu quy hoạch, quản lý quy hoạch và quản lý xây dựng. Để không xảy ra những nghịch cảnh như hiện tại đã đến lúc các bên phải ngồi lại với nhau xem những khu đô thị mới, tuyến đường mới, những khu vực đã và đang triển khai xây dựng đã có quy hoạch hạ tầng đi kèm như thoát nước hay chưa?

Hơn nữa, Hà Nội cần có một quy hoạch tổng thể về xây dựng, trong đó phải có hệ thống thoát nước mới. Bản quy hoạch đó phải đủ thông minh để phù hợp với tốc độ phát triển các đô thị mới và có thể ứng phó được với biến đổi khí hậu hiện tại và tương lai.

Trước đó, trả lời báo chí, ông Võ Tiến Hùng Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, cho hay công tác thoát nước mùa mưa của Hà Nội đang gặp 4 khó khăn nổi cộm.

Trước tiên là hệ thống tiêu thoát chưa được đầu tư, xây dựng đồng bộ bài bản; nhiều khu vực phát triển đô thị quá nhanh nhưng hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hệ thống thoát nước lại chưa được quan tâm đúng mức hoặc thiếu kết nối đồng bộ với hệ thống chung.

Một nguyên nhân khác cũng đang khiến hệ thống thoát nước của Hà Nội gặp khó khăn là sự quản lý chồng chéo, khiến cho các đơn vị thoát nước rơi vào thế bị động khi ứng phó với mưa lớn. 

Cùng với đó, điều khiến các đơn vị chức năng của Hà Nội “đau đầu” là tình trạng tập kết rác trên các rãnh vỉa, miệng ga thu. Khi mưa, rác và túi nilon sẽ theo dòng chảy trôi nhanh về các ga thu làm giảm khả năng tiêu thoát nước. Hoặc một số hộ dân sử dụng các tấm tôn, gỗ… bịt các miệng ga, ghi thu, khi mưa các vật cản này không được tháo dỡ kịp thời gây úng ngập. Mặt khác, việc xả thải trực tiếp từ các nhà hàng, quán ăn, điểm rửa xe đang đưa một lượng lớn dầu mỡ, hoá chất không được xử lý vào thẳng hệ thống thoát nước. Không những gây ô nhiễm môi trường, lượng dầu mỡ này còn cô đọng lại, bám vào thành ống cống hoặc các cửa xả, cản trở nghiêm trọng khả năng tiêu thoát nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top