Qua mùa mưa năm 2016, có thể điểm ra vài dự án BĐS mỗi khi mưa là sẽ ngập lụt, thậm chí nhiều khu nhà tại các khu đô thị mới ở quận Hà Ðông, huyện Từ Liêm và Thanh Trì bị cô lập bởi nước lũ bao quanh.
Tòa nhà Keangnam
Sau trận mưa kéo dài, tòa nhà 72 tầng được xếp vào hàng hiện đại nhất Thủ đô đã bị bao quanh bởi nước, dân cư khu chung cư phải lội nước bì bõm đi làm. Đặc biệt, sau khi trời hửng nắng, đoạn đường nằm sát khu chung cư – cửa ngõ ra vào của người dân vẫn chìm trong biển nước với độ ngập sâu hơn 60cm. Ngoài ra, khu chung cư này nằm trên đường Phạm Hùng gần khu rẽ vào Mễ Trì, là điểm ngập quen thuộc của thủ đô mỗi khi mùa mưa tới.
Sakura Tower 47 và Rivera Park (Vũ Trọng Phụng)
Đây đều là những chung cư, dự án nằm trên đường Vũ Trọng Phụng và được giới thiệu có vị trí đắc địa, nằm ở trung tâm quận Thanh Xuân. Tuy nhiên đây là một trong những con đường luôn xảy ra tình trạng ngập úng mỗi khi trời mưa.
Khu đô thị Dương Nội, Văn Phú, Văn Quán (Hà Đông)
Khu đô thị Văn Quán, Văn Phú là một khu đô thị khá đông dân cư, tập trung nhiều dự án bất động sản lớn có ao hồ nhưng khu vực này thường xuyên ngập mỗi khi có mưa to như đường Nguyễn Khuyến và các cung đường xung quanh khu đô thị. Tương tự, khu đô thị Dương Nội là một trong những “điểm nóng” về ngập lụt mỗi khi mùa mưa về. Khi bị ngập nước khu vực này nước rút chậm thậm chí 3, 4 ngày sau nước mới rút hết. Các con đường nội bộ trong khu đô thị cũng ngập sâu không thể đi lại bằng xe máy.
Khu đô thị Resco (Cổ Nhuế - Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Người dân ở khu đô thị Resco phải khóc dở, mếu dở vì cả khu bị ngập úng, cô lập với bên ngoài, việc đi lại hết sức khó khăn. Nguyên nhân được cho là khu vực này thấp hơn hẳn nửa mét so với mặt đường Phạm Văn Đồng nên khi mưa nước đọng lại không thoát được gây ra tình trạng ngập úng.
Hầu hết các chuyên gia quy hoạch, xây dựng đều chỉ ra nguyên nhân dẫn đến ngập úng mỗi khi trời mưa và đáng buồn là tình trạng này lại đang xảy ra tại nhiều khu đô thị mới là do chủ đầu tư không tuân thủ chuẩn cốt nền chung mà lựa chọn các cốt nền khác nhau. Cụ thể, những khu vực muốn tôn tạo cảnh quan, chủ đầu tư có thể muốn tôn nền cao thì phải tính toán đến việc thoát nước sao cho không ảnh hưởng xấu đến các khu vực xung quanh. Ngược lại, có những khu vực có cao độ thấp hơn, thì nên chọn giải pháp xây dựng đê bao hoặc trạm bơm.
Bên cạnh đó, nguyên nhân gây ngập lụt còn do hệ thống hồ điều hòa ở các khu đô thị mới hiện không phát huy tác dụng, thậm chí nhiều khu hồ điều hòa còn bị lấp để lấy đất làm nhà, dẫn đến thoát nước chậm. Các chuyên gia cho rằng, một khi hệ thống thoát nước chưa thực sự đồng bộ thì trong thời gian tới hiện tượng ngập lụt trong mùa mưa vẫn sẽ xảy ra thường xuyên.