Aa

Hà Nội muốn làm nhà 400 triệu đồng cho công nhân

Thứ Năm, 26/04/2018 - 02:01

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước có 2,8 triệu công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở, số còn lại đang phải thuê nhà dân với điều kiện sống vô cùng khó khăn.

Lấy dẫn chứng từ doanh nghiệp mình, bà Phạm Thị Vân Anh – đại diện Công ty Canon Việt Nam cho biết, hiện công ty có khoảng 80% lao động là người ngoại tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn về nhà ở. “Công nhân tại khu công nghiệp mong muốn được đáp ứng nhu cầu mua nhà giá rẻ trong mức dao động từ 200 - 400 triệu đồng để có thể gắn bó lâu dài với công ty” - bà Vân Anh nói.

80% công nhân thuê nhà ở tạm

Là một trong những khu công nghiệp có quy mô lớn nhất Hà Nội với gần 100 doanh nghiệp và 20 văn phòng đại diện, số lượng công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long lên tới hàng trăm nghìn người, 2/3 trong số đó nhu cầu thuê nhà để ở.

"Do số lượng nhà ở cho công nhân không đáp ứng được nhu cầu thực tế nên đại bộ phận người lao động trong các KCN phải thuê nhà bên ngoài với diện tích chật chội và chi trả các dịch vụ khác như điện, nước cao hơn nhiều lần so với các hộ thông thường. Bên cạnh đó còn phát sinh các vấn đề về an ninh, trật tự...” - đại diện Ban quản lý KCN Bắc Thăng Long cho biết.

Hàng nghìn công nhân tại các khu công nghiệp đang khó khăn về nhà ở (Ảnh minh họa)

Hàng nghìn công nhân tại các khu công nghiệp đang khó khăn về nhà ở (Ảnh minh họa)

Báo cáo của Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nêu rõ, hiện nay mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động trong các khu công nghiệp có nhà ở ổn định. 80% còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm, chật hẹp, điều kiện sinh hoạt nghèo nàn, với giá 300.000 - 400.000 đồng/người/tháng.

Là doanh nghiệp đã và đang đầu tư một số dự án KCN trên cả nước, đại diện TCty Viglacera – CTCP cho biết, vấn đề khó khăn nhất hiện nay khi triển khai các dự án nhà ở cho công nhân là việc thu xếp vốn. Nếu vay ngân hàng sẽ rất rủi ro khi các dự án đòi hỏi nguồn lực lớn nhưng lợi nhuận thấp, thu hồi vốn chậm, do chủ yếu là cho thuê hoặc thuê mua. Trong khi đó, cơ chế ưu đãi cho việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân tương đối chặt chẽ, không thực sự mang tính chất khuyến khích doanh nghiệp.

Cần hỗ trợ người dân - doanh nghiệp

Theo dự báo, số công nhân làm việc tại các khu công nghiệp có nhu cầu nhà ở vào năm 2020 là khoảng 4,2 triệu người, tương đương khoảng 33,6 triệu m2 nhà ở. Trong khi đó, tính đến nay, cả nước mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 87 dự án nhà ở xã hội cho công nhân với quy mô khoảng 28.800 căn hộ và tổng mức đầu tư khoảng 6.800 tỷ đồng.

Riêng Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, thành phố đã triển khai được 3,5 triệu m2, còn 2,7 triệu m2 thành phố đã họp với các sở, ngành, tìm cách tháo gỡ.

Ông Chung cũng cho biết, thành phố đang đề xuất với Bộ Xây dựng và Chính phủ cho phép Hà Nội xây dựng nhà cho công nhân với diện tích 35 – 40 m2. “Chúng tôi đã làm việc với một số tập đoàn lớn, đưa mức giá xuống dưới 15 triệu/m2. Nếu diện tích 35 m2 thì hoàn toàn phù hợp với điều kiện của hai vợ chồng công nhân, hai đứa con”, ông Chung nói.

Các chuyên gia cũng đề xuất TP cần xây dựng cơ chế riêng cùng những ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở công nhân như ưu tiên về đất “sạch”, miễn tiền sử dụng đất và hỗ trợ các thủ tục về xây dựng cơ bản. Cùng với đó, cần kết nối các doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực xây dựng (cung cấp nguyên vật liệu, thiết kế, quy hoạch, xây lắp) để hỗ trợ nhau triển khai, hạn chế những biến động của thị trường tác động đến giá thành xây dựng.

Về phía người mua nhà, bên cạnh nguồn vốn tự có của người lao động (khoảng 30-50% giá trị nhà), Nhà nước cần sớm hỗ trợ 30-50% vốn để người dân mua được nhà với lãi suất thấp. Nguồn vốn cho vay này có thể trích từ các quỹ phát triển nhà ở, quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ đầu tư bất động sản, quỹ hỗ trợ người nghèo...

"Hiện tại Chính phủ đã nối lại chương trình cho người mua nhà ở xã hội vay tiền. Thành phố cũng có chương trình thông qua ngân hàng chính sách xã hội để công nhân vay tiền với lãi suất thấp, trả dần trong thời hạn 15 năm” - ông Chung khẳng định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top