UBND Thành phố Hà Nội vừa có văn bản đề xuất vay khoảng 2,5 tỷ đô la nguồn vốn ODA từ Ngân hàng phát triển Châu Á và Nhật Bản để làm tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình và tuyến số 3 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai.
Theo đánh giá tuyến đường sắt đô thị số 2 là tuyến đường sắt đô thị xương sống cho khu vực đô thị hiện tại và tương lai. Trong đó, việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt số 2 đoạn từ Trần Hưng Đạo đến Thượng Đình có ý nghĩa quan trọng kết nội các khu vực đô thị trung tâm của Hà Nội.
Tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình có chiều dài khoảng 5,9 km, 6 ga (toàn bộ đi ngầm), qua các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân. Điểm đầu của tuyến đường sắt nằm trên phố Huế, trước ngã tư giao với đường Nguyễn Du - Lê Văn Hưu, điểm cuối tại Thượng Đình ở vị trí nút giao giữa Nguyễn Trãi với đường vành đai 2,5.
Tổng mức đầu tư của dự án trên 177 tỷ Yên (tương đương hơn 34.700 tỷ đồng). UBND TP Hà Nội dự kiến, vốn vay Nhật Bản cho dự án này khoảng hơn 28.000 tỷ đồng, số vốn còn lại khoảng 6.000 tỷ đồng là vốn đối ứng trong nước.
Tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai có chiều dài khoảng 8 km, gồm 7 ga, đi qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai. Điểm đầu của dự án là Quảng trường 1/5 trên đường Trần Hưng Đạo, điểm cuối trên phố Tam Trinh tại nút giao với cầu cạn Pháp Vân (phường Yên Sở, Hoàng Mai).
UBND TP Hà Nội cho biết, tổng mức đầu tư đoạn tuyến đường sắt đô thị số 3 ga Hà Nội – Hoàng Mai dự kiến hết hơn 1,2 tỷ đô la (tương đương khoảng 27.600 tỷ đồng). Hà Nội cũng dự kiến vay nước ngoài trên 1 tỷ đô la từ nguồn vốn của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và các nhà tài trợ khác.
Vốn đối ứng trong nước cho dự án khoảng 150 triệu đô la. Như vậy, tổng số tiền Hà Nội dự kiến vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và Nhật Bản để triển khai 2 đoạn tuyến đường sắt đô thị đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình (số 2) và đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai (số 3) là khoảng 2,5 tỷ đô la.